Quảng Nam, Quảng Ngãi: Mưa lớn gây ngập lụt và thiệt hại nặng

Tấn Thành - Chí Đại 13/10/2022 06:59

Tại tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi những ngày qua mưa lớn trên diện rộng gây ra lũ làm thiệt hại nặng về người và tài sản. Dự báo mưa lớn tiếp tục xảy ra. Hiện tại lực lượng chức năng cùng với người dân đang khẩn trương khắc phục hậu quả do cơn lũ này gây ra.

Nhiều khu dân cư ở huyện Phú Ninh (Quảng Nam) vẫn còn ngập trong nước sâu.

Sáng 12/10, ghi nhận của PV tại một số huyện của tỉnh Quảng Nam như Phú Ninh, Thăng Bình, Duy Xuyên, Đại Lộc,... trời đã tạnh mưa và nước lũ đang rút xuống chậm. Tuy nhiên nhiều tuyến đường và khu dân cư nằm vùng trũng thấp của các địa phương nói trên vẫn còn bị ngập sâu trong nước nên người dân phải dùng ghe, thuyền để chèo đi mua thực phẩm, nước uống về cho gia đình.

Có mặt thôn An Thành 2, xã Bình An, huyện Thăng Bình chúng tôi gặp ông Phạm Hường người dân địa phương đang chèo ghe chở vợ đi mua thực phẩm. Ông Hường chia sẻ: “Mưa quá lớn khiến khu dân cư An Thành 2 ngập sâu trong nước. Còn lũ lên quá nhanh, tôi chỉ kịp dắt trâu, bò lên vị trí cao, cả đàn gà, vịt bị nước lũ cuốn trôi hết. Lũ cũng nhấn chìm một số diện tích hoa màu chưa thu hoạch được”.

Trong khi đó ở huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam nhiều nhà cửa bị ngập nước, sạt lở. Mưa lớn đã làm hơn 500 nhà ở, hơn 2.500 con gia cầm, 1 con bò bị chết, cuốn trôi; 20 tấn lương thực, thực phẩm bị ẩm ướt; 47 giếng nước sinh hoạt bị ngập, gây ô nhiễm; nhiều diện tích ruộng lúa bị sạt lở, bồi lấp, cây trồng ngập nước. Nhiều tuyến đường, cầu cống, thủy lợi bị sạt lở, bồi lấp.

Ông Trầm Quế Hương - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước cho biết: “Sáng 12/10 nước bắt đầu rút, chính quyền các địa phương cùng với người dân đã tập trung dọn vệ sinh, khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra để sớm ổn định cuộc sống. Nước rút đến đâu vệ sinh môi trường đến đó. Chính quyền địa phương đã cử các lực lượng xuống giúp dân dọn dẹp nhà cửa, khử trùng nguồn nước bằng các hóa chất đảm bảo vệ sinh sau lũ, tránh bùng phát dịch bệnh”.

Một hộ dân thôn Nước Lầy được lực lượng cứu hộ đưa đến nơi an toàn.

Để đảm bảo an toàn cho hạ du trong tình hình mưa lớn tiếp tục, ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cho biết, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã yêu cầu các nhà máy thủy điện, vận hành các hồ thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 2, Sông Bung 4 và A Vương tăng lưu lượng nhằm hạ dần mực nước hồ chứa về cao trình mực nước cao nhất trước lũ. Thời điểm bắt đầu vận hành từ lúc 8h30’ ngày 12/10.

“Trận mưa lũ này trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 2 người chết và 1 người mất tích, rất nhiều nhà dân, trụ sở các cơ quan bị ngập nước, như Nông Sơn ngập 264 nhà, Quế Sơn ngập 57 nhà, thị xã Điện Bàn ngập 450 nhà;… Hiện một số nơi vẫn còn đang ngập lụt nên công tác thống kê thiệt hại của địa phương chưa thể cập nhật đầy đủ” – ông Tý cho biết.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, mưa lớn khiến nhiều vùng trũng thấp trên địa bàn các huyện Bình Sơn, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành;… hiện vẫn còn ngập trong nước lũ. Nhiều tuyến đường, thôn, xóm bị nước lũ chia cắt, cô lập. Chính quyền địa phương tiếp tục triển khai các phương án ứng phó với mưa lũ.

Sáng ngày 12/10, ghi nhận của PV tại xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, nước lũ trên sông Phước Giang đang rút xuống chậm, thế nhưng nhiều tuyến đường vẫn còn ngập, chia cắt.Nhiều người dân phải kê dọn đồ lên cao.

Ông Ngô Xuân Đức, trú thôn An Sơn, xã Hành Dũng cho biết: “Những ngày qua mưa lớn tràn ngập khắp nơi, bây giờ nước mới rút xuống, gia đình tôi tranh thủ lau dọn nhà cửa để sớm ổn định cuộc sống trở lại, nhưng dự báo tình hình mưa lớn còn xuất hiện nên chúng tôi lo lắm”.

Còn tại huyện Ba Tơ, ông Phạm Giang Nam, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Trưa 11/10, chính quyền huyện đã huy động hàng chục cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an đã vượt sông tiếp cận thôn Nước Lầy hỗ trợ di dời dân. Mưa lớn nên nước sông chảy xiết, các chiến sĩ phải căng dây thừng rồi dìu từng người vượt sông. Sau nhiều giờ nỗ lực, 18 người dân thôn Nước Lầy đã được hỗ trợ đến nơi an toàn”.

Ở xã Trà Lâm, huyện Trà Bồng, nơi xảy ra vụ sạt lở ở Nhà máy Thủy điện Kà Tinh đến nay các đơn vị cứu hộ, cứu nạn đã tập trung máy móc, nhân lực thông tuyến đi vào nhà máy, tuy nhiên đến trưa ngày 12/10 vẫn chưa tìm thấy kỹ sư trực máy bị mất tích trong đêm sạt lở núi.

Ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Trung tâm Khí tượng thủy văn Quảng Ngãi cho biết: “Tình trạng ngập úng ở các vùng trũng, thấp, ven sông còn diễn ra tại một số địa phương, tuy nhiên mức độ và độ sâu ngập giảm dần. Nguy cơ sạt lở đất còn có thể xảy ra ở sườn dốc, ven sông, suối; ngập các ngầm, cầu tràn tại một số địa phương thuộc các huyện miền núi như Trà Bồng, Sơn Hà, Sơn Tây, Ba Tơ và Minh Long”- ông Sỹ thông tin.

Đài Khí tượng thủy văn Quảng Nam cho biết, sáng 12/10 trên khu vực giữa Biển Đông hình thành một vùng áp thấp, 24h tới có khả năng mạnh thành áp thấp nhiệt đới, di chuyển hướng đến các tỉnh Trung Bộ, trong đó có Quảng Nam. Nhận định từ đêm 13-16/10, các địa phương Quảng Nam có mưa rất to, có nơi trên 500mm. Do đó, vùng biển, vùng ven biển đề phòng gió mạnh, sóng lớn, giông lốc xoáy đe dọa đến an toàn tàu thuyền, hoạt động kinh tế biển, ảnh hưởng cơ sở hạ tầng ven biển, an toàn du lịch,... Vùng đồng bằng, đề phòng mưa lớn, gây ngập lụt diện rộng; Trung du, miền núi, đề phòng lũ các sông, suối; lũ quét, sạt lở đất, đá; gây mất an toàn đến tính mạng của nhân dân, gây hư hỏng công trình, cơ sở hạ tầng...

Tấn Thành - Chí Đại