Công nghiệp văn hóa: Thiếu và yếu nhân lực chất lượng cao

Minh Quân 13/10/2022 07:02

Để phát triển công nghiệp văn hóa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh hiện có, việc khai thác, phát huy tối đa sức mạnh nguồn nhân lực chất lượng cao có nghĩa đặc biệt quan trọng. Tuy nhiên so với yêu cầu, đòi hỏi thực tiễn thì nguồn nhân lực hiện nay vẫn chưa đáp ứng với kỳ vọng, mục tiêu đề ra.

Nguồn nhân lực văn hóa vẫn thiếu những hỗ trợ, đãi ngộ để kích thích sự sáng tạo. Ảnh: Minh họa.

“Khát” nhân lực chất lượng cao

Theo thống kê của ngành văn hóa trong Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực nhóm ngành văn hóa, thể thao giai đoạn 2011-2020 thì nhân lực trực tiếp là 72.239 người và nhân lực gián tiếp ước tính khoảng 150 nghìn người. Đặc biệt, về nhân lực cụ thể trong một số lĩnh vực sáng tạo nghệ thuật, liên quan trực tiếp đến sự phát triển của các ngành văn hóa, theo thống kê năm 2021 cho thấy nhân lực sáng tạo (hội viên) ngành mỹ thuật, triển lãm, nhiếp ảnh có sự gia tăng qua các năm.

Mặc dù số lượng có sự gia tăng nhưng trên thực tế, số lượng nguồn nhân lực văn hóa chất lượng cao còn khiêm tốn. Bên cạnh đó, hệ thống cơ chế, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, đãi ngộ tài năng trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật còn nhiều bất cập. Thiếu các tiêu chí cụ thể trong đánh giá, tôn vinh, đãi ngộ cho các tài năng thực sự. Đây là rào cản, tạo sự “khan hiếm” nguồn vốn đầu vào đối với nhiều lĩnh vực văn hóa.

TS. Lê Huy Phòng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) bày tỏ, để có được một tác phẩm nghệ thuật đòi hỏi quá trình khổ luyện và niềm đam mê nghệ thuật, bởi vậy không phải ai cũng có đủ quyết tâm để theo đuổi đến cùng. Nhiều nghệ sĩ, diễn viên, người nổi tiếng sau khi thành danh, lại đột ngột chuyển hướng, rẽ sang kinh doanh, làm dịch vụ vì nhận thấy con đường nghệ thuật gian truân, vất vả, nhiều cạm bẫy, trong khi thu nhập, chế độ tiền lương và điều kiện làm việc chưa tương xứng.

Không những vậy, trong những năm gần đây, một số ngành nghề của các trường đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa, thể thao, du lịch gặp nhiều khó khăn trong khâu tuyển sinh đầu vào khi lượng thí sinh đăng ký sụt giảm, nhất là đối với các ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống như tuồng, chèo, cải lương…

Nói về thực tế nguồn nhân lực văn hóa tại Thừa Thiên Huế hiện nay, TS. Nguyễn Thị Tâm Hạnh (Phân viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia tại Huế) cho biết, mặc dù có gần 20 trường đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp trên địa bàn, cung cấp các ngành đào tạo liên quan đến văn hóa nhưng chỉ dưới 27% sinh viên ghi danh và tốt nghiệp ở lĩnh vực này. Một số lĩnh vực còn thiếu, như điện ảnh, thời trang, xuất bản; các lĩnh vực còn lại vẫn thiếu và yếu về cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên, môi trường thực hành cũng như cập nhật xu hướng, trình độ chung của thế giới. “Tình trạng suy giảm số lượng tuyển sinh qua từng năm là một minh chứng cho sự thiếu sức hút của các cơ sở đào tạo về lĩnh vực văn hóa Huế. Đây là một thách thức lớn mà ngành văn hóa và giáo dục ở Huế cần giải quyết” - bà Hạnh nói.

“Trải thảm” cho người tài

Có thể nói để phát triển nguồn nhân lực văn hóa, đặc biệt trong sáng tạo nghệ thuật, bên cạnh tài năng thì nguồn cảm hứng, cảm xúc có ý nghĩa rất quan trọng. Hiện nhiều đô thị, thành phố lớn đã bắt đầu khởi động các không gian sáng tạo nghệ thuật; xây dựng hệ thống các thiết chế văn hóa cần thiết để người nghệ sĩ khơi nguồn cảm hứng, thỏa sức sáng tạo. Thế nhưng, việc ra đời của các không gian sáng tạo, không gian kết nối mới dừng lại ở ý tưởng, hoạt động theo tinh thần tự nguyện, thiếu những cơ chế, chính sách mang tính ràng buộc pháp lý. Hệ thống các thiết chế văn hóa còn thưa vắng, như nhà hát opera, không gian khởi nghiệp, sáng tạo, câu lạc bộ… Đặc biệt, với ngành nghệ thuật biểu diễn vốn là “mỏ vàng” thu hút được các tài năng song nhiều năm qua vẫn đầy những ngờ vực về câu chuyện chất lượng.

Nhìn nhận về thực trạng này, NSƯT Nguyễn Công Ninh - Chủ nhiệm Khoa Đạo diễn, Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP Hồ Chí Minh cho hay, trường sân khấu mỗi năm cho “ra lò” 50 diễn viên, đầu vào rất khó nên diễn viên cũng rất đẹp. Chưa kể các câu lạc bộ, các lò đào tạo tư nhân, gameshow truyền hình cứ 3 tháng cho “ra lò” một nhóm chuyên đóng các vai nhỏ, vai quần chúng. Rồi những diễn viên không chuyên sau khi tham gia gameshow được công chúng biết tới cũng dấn thân vào showbiz. Nếu gom hết, một năm, TP Hồ Minh đào tạo ra không dưới 300 diễn viên.

Theo ông Ninh, sự ra đời của các “lò” đào tạo diễn xuất, trung tâm tìm kiếm diễn viên là giải pháp tình thế khá hữu hiệu cho sự thiếu hụt diễn viên hiện nay cả ở sân khấu và phim truyền hình. Tuy nhiên, việc bùng phát một cách khó kiểm soát của những trung tâm này lại đang tiềm ẩn nhiều lo ngại. Bởi với cách đào tạo tự phát, “ăn xổi” như hiện nay thì dù phát hiện ra những gương mặt nổi trội, ngành này cũng khó hy vọng có được được một đội ngũ diễn viên chuyên nghiệp.

Nhìn chung lại, công tác đào tạo nhân lực ngành văn hóa của trong năm qua đã có những cố gắng, song vẫn còn nhiều bất cập. Vẫn còn rất xa để công tác đào tạo nhân lực thuộc nhà nước đạt được trình độ thích ứng cao với thị trường và cũng còn rất xa để những trung tâm đào tạo nhân lực cho ngành văn hóa nghệ thuật sản sinh ra những lớp diễn viên, nghệ sĩ có chất lượng. Ở đó, cần có sự đột phá về đãi ngộ, tôn vinh nguồn nhân lực chất lượng cao, thực hiện chính sách tiền lương linh hoạt đáp ứng tiêu chí về tài năng và hiệu quả đóng góp... Cùng với đó, tạo môi trường làm việc thuận lợi và cơ hội thăng tiến để tạo động lực, kích thích, khuyến khích họ lao động sáng tạo và hiệu quả.

Minh Quân