Tạo cú hích cho hai đầu tàu kinh tế

H.Vũ 13/10/2022 06:58

Ngày 12/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh và đề xuất hoàn thiện các cơ chế, chính sách thực hiện thí điểm cho TP HCM; báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 (Nghị quyết 115)về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội.

Nghị quyết 115 giúp Hà Nội huy động nguồn lực cho phát triển

Báo cáo tại phiên họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai cho biết, qua đối chiếu với kết quả thực hiện 4 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54 cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để TPHCM phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Tuy nhiên theo bà Mai, Thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 5 năm vẫn chưa được thực hiện.

Đối với việc thực hiện Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với TP Hà Nội, theo bà Mai, qua gần 3 năm thực hiện Nghị quyết, TP đã hoàn thiện một bước khuôn khổ pháp lý về cơ chế quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với yêu cầu phát triển, trình độ quản lý; huy động và chủ động sử dụng hiệu quả nguồn lực phát triển hạ tầng kinh tế-xã hội; tăng cường quan hệ hợp tác giữa TP Hà Nội với các tỉnh, thành trong cả nước; chia sẻ khó khăn, tăng cường gắn kết nguồn lực giữa các quận, huyện, thị xã trên địa bàn.

Tuy nhiên theo bà Mai, trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, tiến độ thực hiện một số quy định trong Nghị quyết 115 còn chậm, trong đó có chính sách về phí thuộc thẩm quyền. Đến nay, UBND TP mới báo cáo HĐND thông qua 1/6 Đề án phí; việc sắp xếp lại các cơ sở nhà đất còn khó khăn; công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm, làm hạn chế việc bổ sung nguồn lực cho thành phố.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, 2 Nghị quyết này được ban hành nhằm tạo “cú hích” để huy động các nguồn lực, tạo động lực phát triển cho 2 đầu tàu kinh tế của cả nước. Do đó cần tổng kết quá trình thực hiện để nhìn nhận rõ những bài học kinh nghiệm rút ra, đề xuất thêm những cơ chế chính sách cần thiết phải tiếp tục áp dụng trong thời gian tới. Hai thành phố phải thực sự quyết tâm, nghiên cứu đưa ra những thay đổi, những chính sách mang tính đột phá hơn, đồng thời xem xét chính sách nào chưa đạt được hiệu quả để phân tích kỹ, có giải pháp, rút ra kinh nghiệm cụ thể.

TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, một số chính sách đi vào cuộc sống khá nhanh nhưng do nhiều nguyên nhân tác động của đại dịch nên cũng ảnh hưởng đến việc thực hiện một số chính sách chưa thực sự đồng đều, hiệu quả chưa cao, tác động còn hạn chế.

Theo Chủ tịch Quốc hội, những cơ chế chính sách để động viên, khai thác, sử dụng các nguồn lực cho phát triển kinh tế xã hội còn rất hạn chế. “Như chính sách hưởng số thu của việc sắp xếp các cơ sở nhà đất của Trung ương trên địa bàn TPHCM, hay việc thu phí dừng đỗ ô tô của Hà Nội.

Giải trình trước ý kiến Chủ tịch Quốc hội đặt ra, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, sẽ nghiên cứu để cụ thể những việc mà thành phố chưa làm được. Về mã định danh cá nhân đối với xe ô tô, ông Thanh đề xuất với Quốc hội quan tâm đến việc mỗi xe ô tô cần có 1 mã định danh riêng. Bên cạnh đó, cần có mức trần, nguồn tiền dự trữ để thực hiện các dự án lớn của Thủ đô.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội xem xét, quyết định cho phép TPHCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết 54 đến hết 31/12/2023, đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của kỳ họp thứ 4.

Về Nghị quyết số 115/2020/QH14 về cơ chế, chính sách tài chính, ngân sách đặc thù đối với Hà Nội, ông Hải đề nghị, Chính phủ, TP Hà Nội tập trung nguồn lực tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyết 115, có lộ trình nghiên cứu để đề xuất hoàn thiện hệ thống pháp luật khi kết thúc các cơ chế chính sách thí điểm, nghiên cứu trình cấp có thẩm quyền về cơ chế chính sách cho TP Hà Nội sửa đổi Luật Thủ đô để áp dụng khi hết thời hạn Nghị quyết 115.

Dành 2,5 ngày chất vấn và trả lời chất vấn

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XV. Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, dự kiến tổng thời gian làm việc của Quốc hội là 21 ngày, khai mạc 20/10, bế mạc vào ngày 15/11. Dự kiến bố trí phiên chất vấn trong 2,5 ngày, từ chiều ngày 3 đến ngày 5/11.

Theo ông Hoàng Thanh Tùng - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, trong công tác xây dựng luật pháp thời điểm thảo luận tổ, hội trường cách nhau 7 ngày. Còn thời gian thảo luận hội trường cho đến khi thông qua là 2-3 tuần là phù hợp để còn tiếp thu, chỉnh lý trước khi thông qua luật. Riêng về dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, đây là dự án luật rất lớn và phức tạp. Việc bố trí 1 buổi thảo luận ở tổ cho luật này sẽ rất nhiều ĐBQH cho ý kiến. Sau đó các cơ quan còn tiếp thu làm kỹ để tổng hợp tối đa ý kiến đại biểu. Và sau đó 7 ngày mới trình để thảo luận tại hội trường. Do đó nên lùi thời gian thảo luận tại hội trường thêm 1-2 ngày để tổng hợp nhiều ý kiến ĐBQH vì đây là dự án luật rất quan trọng.

H.Vũ