Cẩn trọng trước chiêu trò xuất khẩu lao động
Lợi dụng mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thông tin sai sự thật, lập trang web, nhóm trên Zalo tạo lòng tin để lừa đảo người lao động.
Đủ các chiêu trò lừa đảo
Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương cho biết, đơn vị vừa ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Quản Trọng Long (SN 1984, trú tại 26 Quang Trung, phường Quang Trung, TP Hải Dương) về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Qua xác minh, Long không có khả năng đưa người lao động trong nước đi xuất khẩu lao động, tuy nhiên, trong thời gian từ năm 2019 đến năm 2022, thông qua mạng xã hội, Long đăng tải thông tin mời chào người dân có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc và Canada. Để người lao động tin tưởng, Long giới thiệu bản thân là giáo viên dạy tiếng Hàn tại các trung tâm ngoại ngữ và có khả năng đưa người lao động sang Hàn Quốc, Canada làm việc.
Long khai nhận, từ năm 2019 đến nay, đã lừa đảo chiếm đoạt của 17 bị hại với tổng số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. Bị hại gần đây nhất bị Long lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chị Vũ Thị Huyền (SN 1976, trú tại xóm 13, xã Hải Đường, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định). Tháng 6/2022, Long đã lừa đảo chiếm đoạt của chị Huyền 145 triệu đồng.
Vướng nợ vì tin “cò” khi làm thủ tục đi xuất khẩu lao động không còn là câu chuyện hiếm mà khá phổ biến. Trước tình trạng nhiều người vì cả tin trước lời mời “Xuất cảnh nhanh, chi phí thấp” tràn lan trên mạng xã hội, mới đây Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội liên tiếp ra các văn bản thông báo người lao động cần lưu ý với những thông tin mời chào nộp tiền tham gia các khóa học nghề và thi tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc theo thị thực E7.
Theo đó, từ tháng 4/2022, Chính phủ Hàn Quốc đã mở rộng chính sách tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc trong các ngành nghề kỹ thuật thị thực E7 (gồm công nghệ, cơ khí, điện, điện tử, hàn...) theo hướng tăng chỉ tiêu tiếp nhận và giảm yêu cầu về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm làm việc.
Nắm được thông tin trên, một số cá nhân, tổ chức không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại quảng cáo, mời chào người lao động nộp tiền để tham gia các khóa học nghề, thi tuyển đi làm việc tại Hàn Quốc nhằm mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để tăng uy tín, các đối tượng còn lập ra các trang web giả giống như web của những doanh nghiệp uy tín, đưa ra thông tin bịa đặt, sử dụng hình ảnh cắt ghép nhằm quảng cáo hoạt động xuất khẩu lao động của công ty mình.
Thậm chí, nhiều đối tượng còn thuê người nước ngoài về phỏng vấn, sử dụng tên công ty giống những doanh nghiệp có chức năng đưa người đi xuất khẩu lao động để đánh lừa người dân. Bên cạnh lừa đảo xuất khẩu lao động đến thị trường phổ biến, đối tượng còn lừa đảo những người có nhu cầu đi làm việc ở các nước thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và một số quốc gia châu Âu. Nhiều người vì nhẹ dạ cả tin đã bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt với số tiền từ vài chục triệu cho tới hàng trăm triệu đồng.
Xử lý nghiêm những vi phạm
Ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTBXH cho biết, lợi dụng mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài đã thông tin sai sự thật, lập trang web, nhóm trên Zalo tạo lòng tin để lừa đảo người lao động
“Người lao động cần liên hệ trực tiếp với các đơn vị có giấy phép đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, danh sách các doanh nghiệp đều được đăng tải trên trang web của Cục tại địa chỉ: www.Dolab.gov.vn, hoặc liên hệ với các cơ quan quản lý lao động tại địa phương nơi mình cư trú để được hướng dẫn thêm”- ông Liêm cho biết.
Cũng theo ông Liêm, khi người lao động hoặc các cơ quan báo chí nhận được thông tin lừa đảo cần cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý, qua đó Cục Quản lý lao động ngoài nước có thể đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cơ sở vào cuộc kiểm tra và hướng dẫn người lao động xác minh. Nếu có tổ chức cá nhân vi phạm sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực tế cho thấy xuất, nhập cảnh, lao động trái phép ở nước ngoài không thông qua các cơ quan quản lý nhà nước không chỉ tiềm ẩn những hệ lụy rủi ro cả về sức khỏe, tính mạng mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Theo luật sư Đặng Văn Cường - Văn phòng Luật sư Chính pháp, để xảy ra tình trạng người lao động bị lừa đảo trước hết cần phải xem xét trách nhiệm của các cơ quan chức năng quản lý về vấn đề này; đồng thời xử lý nghiêm minh những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để chiếm đoạt tiền trái phép. Có như vậy mới có thể giảm được tình trạng lợi dụng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với mục đích trục lợi.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐTB&XH cho biết, theo số liệu báo cáo từ các doanh nghiệp, tổng số lao động đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 9/2022 là 8.180 người (2.687 lao động nữ), gấp 10,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái.