Việc làm sau ra trường: Cần số liệu thực chất
Câu chuyện việc làm của sinh viên và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường đang là mối quan tâm của nhiều người. Mới đây thông tin về nội dung: Lao động có trình độ cao đẳng, đại học (CĐ, ĐH) trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8%, vừa được công bố tại Hội thảo “Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0” theo Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) là không chính xác.
Cụ thể mới đây, Trung tâm Hỗ trợ đào tạo và Cung ứng nhân lực (Bộ GDĐT) vừa phối hợp với Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) tổ chức hội thảo với chủ đề: “Hướng nghiệp suốt đời - Gắn kết gia đình, nhà trường, người học, người lao động và doanh nghiệp trong kỷ nguyên 4.0”. Sau khi hội thảo diễn ra, Bộ GDĐT cho biết trong phần trình bày và diễn giải một diễn giả tại sự kiện có nêu “Lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp chiếm tỷ lệ 30,8%”. Bộ GDĐT khẳng định đây là thông tin không cập nhật (năm 2020) và không chính xác.
Bộ GDĐT cho hay, số liệu của Tổng cục Thống kê tại Báo cáo điều tra lao động việc làm năm 2020, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn ra phức tạp, lực lượng lao động cả nước có khoảng 54,84 triệu người, trong đó có hơn 1,2 triệu người thất nghiệp (tương ứng 2,18%). Trong số 1,2 triệu người thất nghiệp, số người có trình độ CĐ, ĐH trở lên chiếm 30,8%, tức là khoảng 369.600 người. Trong tổng số lao động của Việt Nam năm 2020, số người có trình độ ĐH trở lên chiếm 11,1% và số người có trình độ CĐ chiếm 3,8%, tổng cộng tương đương 8,17 triệu người. Như vậy, nếu theo số liệu của Tổng cục Thống kê năm 2020, thì tỷ lệ người lao động có trình độ CĐ, ĐH trở lên thất nghiệp là 4,85%, chứ không phải là 30,8% như phần trình bày và diễn giải trong hội thảo.
Theo Bộ GDĐT, khi khảo sát tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp cần làm rõ các ngành đào tạo của giáo dục ĐH khác với ngành nghề kinh tế - xã hội. Ví dụ, sinh viên tốt nghiệp ngành Toán hay Khoa học máy tính có thể làm ở bất cứ ngành nghề nào trong xã hội có ứng dụng toán hay khoa học máy tính. Vì vậy, việc đặt câu hỏi khảo sát sinh viên tốt nghiệp về việc làm đúng ngành nghề hay không rất dễ gây ra nhiều cách hiểu khác nhau và không cho kết quả tin cậy. Không thể cho rằng những sinh viên này “không làm đúng chuyên môn được đào tạo”. Cách tiếp cận thông dụng trên thế giới là khảo sát sự phù hợp về trình độ chuyên môn của người tốt nghiệp với vị trí việc làm.
Về thông tin được cho là “không chính xác” nói trên, ông Trần Thành Nam - diễn giả tại hội thảo đã công khai xin lỗi trên Facebook cá nhân và thừa nhận đã có sự nhầm lẫn, dẫn tới hiểu sai về số liệu người lao động có trình độ ĐH, CĐ thất nghiệp.
Trước đó, theo quy định của Bộ GDĐT, từ mùa tuyển sinh năm 2018, các trường ĐH phải công bố công khai tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm sau ra trường của các năm trước - nhằm làm căn cứ quan trọng cho chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm. Dẫu thế, tính thực chất của tỷ lệ này đến đâu, làm sao để những con số thống kê không phải là hình thức vẫn đang là mối quan tâm của nhiều người. Bởi trên thực tế vẫn có những số liệu “vênh” nhau từ các nguồn thống kê.
Nhiều băn khoăn được đưa ra, việc khảo sát việc làm của sinh viên sau ra trường được tiến hành ra sao? Liệu số mẫu khảo sát có đủ lớn, đủ bao quát số sinh viên đã tốt nghiệp không hay chỉ điều tra trên một lượng mẫu nhỏ rồi kết luận 100% tỷ lệ sinh viên có việc làm? Đó là còn chưa nói đến chuyện có việc làm ở đây là việc gì, có phải việc đúng chuyên ngành đào tạo không hay sinh viên học sư phạm ra nhưng làm công nhân may cũng được tính là có việc làm? Dư luận xã hội và phụ huynh có nhu cầu được biết những thông tin trung thực, chính xác do các trường ĐH cung cấp để hướng nghề nghiệp vào đời cho thanh niên, chứ họ không cần những con số đẹp.
GS. TS Nguyễn Văn Minh - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, nếu không kiểm soát được việc thống kê tỷ lệ sinh viên có việc làm sau ra trường, quy định công khai sẽ không còn ý nghĩa. Bộ GDĐT cần có chế tài để kiểm soát, tạo sự công bằng cho các nhà trường, làm thước đo trung thực về chất lượng đào tạo để thí sinh, phụ huynh, đơn vị sử dụng lao động tham khảo.
Về việc hướng nghiệp, nhìn từ phía các trường, PGS. TS Trần Văn Tớp - nguyên Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa cho rằng, việc nhà trường tổ chức các buổi tuyển sinh hướng nghiệp không phải vì trường cần tuyển đủ chỉ tiêu mà cần tuyển những sinh viên “chất” thực sự và quan trọng là các em được học đúng ngành mà mình mong muốn, chứ không bi kịch nhất là chọn nhầm nghề. Thực tế nhiều trường hợp sinh viên học đến năm thứ 2, thứ 3 ĐH vẫn bỏ cuộc vì phát hiện ra mình không phù hợp với nghề này nên hoạt động tư vấn hướng nghiệp càng được đẩy mạnh, càng hiệu quả thì càng bớt đi những bi kịch chọn nhầm nghề sau này.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, đang triển khai hợp tác với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để kết nối cơ sở dữ liệu giáo dục đại học với thông tin vị trí việc làm, khi hoàn thành sẽ cung cấp cho xã hội các thông tin tin cậy về tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp các trường đại học.