Tăng phúc lợi để giữ chân người lao động

Lê Bảo-Minh Sang 14/10/2022 07:03

Dù thị trường lao động đang được ghi nhận gam màu sáng, tuy nhiên trước những thách thức kinh tế trong bối cảnh hiện nay, vẫn rất cần các chính sách hỗ trợ cho người lao động để tiến tới một thị trường lao động ổn định, bền vững; đáp ứng được đòi hỏi của quá trình phát triển.

Để có thể giữ cân đối thị trường lao động rất cần những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước. Ảnh: Quang Vinh.

Những ngày tháng 10, để tạo cầu nối cho doanh nghiệp (DN) tuyển dụng nguồn nhân lực, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội liên tục tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tuyến và lưu động. Khảo sát cho thấy, nhu cầu tuyển dụng khá dồi dào và đa dạng ngành nghề như: Thương mại - dịch vụ; sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo; điện tử; dệt may - da giày; xây dựng; công nghệ thông tin; chăm sóc sức khỏe... Vị trí khá hấp dẫn từ quản lý cấp trung đến lao động phổ thông với mức lương thấp nhất là 7 triệu đồng đối với vị trí phổ thông và 20-30 triệu đồng/tháng với vị trí kỹ sư, trưởng phòng…

Tấp nập mùa tuyển dụng

Có thể nêu ví dụ: Công ty CP Vinhome cần tuyển 10.000 lao động phổ thông làm việc tại các dự án, công trình xây dựng của công ty này tại phía Bắc. Các vị trí tuyển dụng gồm: thợ xây, thợ trát, thợ sơn bả, phụ việc, mức lương từ 7 - 25 triệu đồng/tháng. Công ty TNHH Hệ thống dây dẫn Sumi Hanel cần tuyển 100 công nhân làm việc tại KCN Sài Đồng B (quận Long Biên); Công ty TNHH Durian cần tuyển hơn 300 công nhân may, kiểm hàng, cắt, là, nhân viên bảo trì, thợ sửa máy, kế toán… làm việc tại xã Vật Lại (huyện Ba Vì)…

Có nhu cầu tuyển dụng 50 chỉ tiêu ở các vị trí từ lao động phổ thông đến kỹ sư và lãnh đạo cấp trung, nhưng theo ông Phạm Văn Chiêm - Giám đốc khối quản lý Công ty TNHH Thương mại - công nghiệp Quang Minh, KCN Nguyên Khê (huyện Đông Anh), việc tuyển dụng không đơn giản, nhất là vị trí quản lý cấp trung. “Nhiều DN đều cần lao động có tay nghề, những người có kinh nghiệm làm ổn định thường không muốn nhảy việc vào cuối năm. Do đó, việc tuyển dụng sẽ khó khăn hơn. Trong lúc chờ tuyển dụng lao động chính thức, công ty đã tuyển thực tập sinh năm thứ 3 tại các trường đại học, cao đẳng” - ông Chiêm cho biết.

Cũng theo ông Chiêm để thu hút người lao động, ngoài tiền lương cơ bản theo mặt bằng chung, công ty có thêm các khoản phụ cấp chuyên cần, đặc thù cho các công việc nặng nhọc, hỗ trợ tiền nhà trọ, điện thoại…

Còn theo Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Hà Nội, những tháng cuối năm 2022, nhu cầu tuyển dụng của các DN sẽ tiếp tục tăng lên. Đây cũng là thời điểm các DN có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động để phục vụ cho việc hoàn thành đơn hàng trong năm đã ký kết và phục vụ những kỳ nghỉ lễ lớn như: Noel, Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán.

Còn tại TPHCM, Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực cho biết, thị trường lao động từ nay đến cuối năm 2022 sẽ sôi động. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng tập trung ở lĩnh vực thương mại, dịch vụ (chiếm 66%), công nghiệp, xây dựng (chiếm 33%). Nhu cầu nhân lực ở 9 ngành dịch vụ chiếm 56%; 4 ngành công nghiệp trọng yếu của thành phố chiếm 19%. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng lao động bán thời gian để phục vụ đợt cao điểm Tết, chiếm 15%. Đáng chú, khảo sát của đơn vị này cho thấy, nhu cầu tuyển dụng dịp cuối năm chủ yếu là lao động đã qua đào tạo, chiếm đến 84%.

Khảo sát các DN trong Bảng xếp hạng Top 500 nhà tuyển dụng hàng đầu Việt Nam năm 2022 (VBE500 - năm 2022) cũng cho thấy, phần lớn các DN đều nhận định thị trường đang có dấu hiệu phục hồi trở lại. Công nghiệp chế biến, chế tạo, bất động sản, ngân hàng… là những ngành nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhất. Tuy nhiên, 35% DN tham gia khảo sát cho biết tiếp tục giữ ổn định số lượng nhân viên công ty thông qua việc gia tăng chính sách và phúc lợi cho người lao động.

Một phiên giao dịch việc làm ở Hà Nội. Ảnh: Quang Vinh.

Không tăng lương, khó giữ được nguồn lao động “chất”

Có thể thấy thị trường lao động việc làm đã có sự khởi sắc. Ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TPHCM cho biết, đầu năm đến nay, thành phố đã thu hút và giải quyết việc làm cho hơn 241.000 lượt lao động (tăng 36,18% so với cùng kỳ năm 2021), số chỗ việc làm mới tạo ra là hơn 107.000 chỗ (tăng 30,9% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay nhiều DN đang thiếu lao động.

Để có thể giữ cân đối thị trường lao động, TS Đinh Thị Hồng Duyên - Chuyên gia tư vấn về quản trị DN cho rằng, bên cạnh những chính sách hỗ trợ từ Nhà nước thì vai trò của DN rất quan trọng. “Thu hút lao động, nhất là lao động có tay nghề thì phải “có thực mới vực được đạo”, có nghĩa là bằng các chính sách hấp dẫn về tiền lương, thu nhập, chế độ khác… Đây cũng là lí do mà những DN lớn không chỉ là cái nôi thu hút và nuôi dưỡng được nhân tài” - bà Duyên khẳng định.

Khảo sát VBE500 - năm 2022 cũng cho thấy có đến 49% DN cho biết đã điều chỉnh tăng đôi chút đối với các chính sách phúc lợi dành cho người lao động, và khoảng 24% cho biết đã tăng đáng kể.

Tuy nhiên kết quả điều tra cũng cho thấy các nhà tuyển dụng hàng đầu ở Việt Nam đang chịu nhiều sức ép đến từ bối cảnh nền kinh tế thế giới trước nguy cơ lạm phát cao, mối lo suy thoái kinh tế trong khi nền kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu hơn vào kinh tế thế giới. Do đó, cộng đồng DN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức trong việc tuyển dụng, giữ chân nhân tài và khuyến khích, động viên người lao động.

Ở góc độ khác, chuyên gia kinh tế - TS Lê Đăng Doanh cho rằng, không thể phủ nhận, thị trường lao động Việt Nam khá dồi dào vì nhiều lao động trẻ, thông minh, khéo tay. Thế nhưng, những lao động này phần lớn chưa được đào tạo bài bản hoặc mới chỉ được đào tạo với chất lượng thấp hoặc thiếu các kỹ năng về kinh tế số, công nghệ thông tin, sử dụng nền tảng công nghệ cao. Do đó, thị trường lao động hiện nay đang vừa thừa, vừa thiếu. Thừa lao động giản đơn nhưng thiếu các lao động có tay nghề, chất lượng cao.

“Cải thiện tốt thị trường lao động, môi trường lao động sẽ thu hút được nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Khi đó cung - cầu thị trường lao động sẽ được giữ vững và ổn định” - ông Doanh nói.

Ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê:

Tạo thu nhập tốt cho người lao động

Từ nay đến hết năm 2022 và trong thời gian tiếp theo, thị trường lao động việc làm của nước ta vẫn có xu hướng phát triển. Dự kiến thời gian tới, nhu cầu tuyển dụng lao động sẽ tăng lên, qua đó lao động thiếu việc làm và tỷ lệ thất nghiệp sẽ tiếp tục giảm xuống. Tuy nhiên thị trường lao động vẫn đối mặt với một số khó khăn, thách thức. Hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có thể còn gặp rủi ro do thiếu hụt lao động cục bộ, cũng như giá nguyên, nhiên vật liệu đầu vào, chi phí sản xuất cao; trong khi đời sống một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn. Thống kê cho thấy, Hà Nội và TPHCM là 2 địa phương bị thiếu hụt lao động cục bộ nhiều nhất. Tình trạng lao động phổ thông thiếu nhiều là do quy mô tuyển dụng của các DN lớn, mức lương lại không cao so với một số công việc phi chính thức khác. Điều này đòi hỏi các DN phải thay đổi, không thể mãi thâm dụng lao động, phát triển dựa vào nguồn lao động có tay nghề thấp. DN phải tìm hướng đi mới, như ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn cho DN và thu nhập tốt hơn cho người lao động. Để giữ chân lao động, giải pháp tối ưu vẫn là phúc lợi và chính sách tốt.

Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm dịch vụ việc làm Hà Nội:

Cần giải pháp cho nút thắt chất lượng nguồn nhân lực

Khảo sát từ các phiên giao dịch việc làm gần đây cho thấy, xu hướng tuyển dụng những tháng cuối năm sẽ rất đa dạng, trong đó tập trung chủ yếu ở những ngành nghề liên quan đến thương mại - dịch vụ; sản xuất, công nghiệp chế biến chế tạo; điện tử; dệt may - da giày; xây dựng; công nghệ thông tin; chăm sóc sức khỏe... Qua việc tiếp nhận thông tin đăng ký tuyển dụng của các DN với số lượng lên tới hàng chục nghìn lao động trong thời gian gần đây cho thấy, đây là tín hiệu tốt của thị trường lao động.

Để tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội sẽ tổ chức nhiều phiên chuyên đề về tuyển dụng để kết nối người lao động với DN. Tuy nhiên theo tôi mấu chốt vẫn là làm sao tháo gỡ được vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực. Để có được những lao động có chất lượng, tay nghề cao thì cần triển khai gắn giữa đào tạo với các cơ sở và DN. Đây là điều hết sức cần thiết. Khi được đào tạo gắn trực tiếp với DN, với các vị trí việc làm cụ thể thì người lao động được đào tạo ra sẽ trực tiếp làm việc tại các lĩnh vực đó và tiếp tục phát triển trên các vị trí việc làm với những kỹ năng liên quan. Như vậy, người lao động sẽ từng bước tiếp cận tiếp nhận các vị trí việc làm và mức độ sẵn sàng cũng cao hơn rất nhiều, chất lượng lao động, năng suất lao động cũng sẽ cao hơn. Điều này sẽ đáp ứng được tình trạng DN thiếu phân khúc lao động khác nhau trên các trình độ khác nhau.

L.Hương(ghi)

Lê Bảo-Minh Sang