Sau hỏa hoạn thiêu rụi 500 xe máy, Nam Định ‘mạnh tay’ với vi phạm PCCC
Đi liền tổng rà soát, kiểm tra, chính quyền Nam Định đưa ra các biện pháp xử lý “mạnh tay” như đình chỉ, rút giấy phép đối với các cơ sở vi phạm; cưỡng chế công trình xây dựng trái phép, xử lý cán bộ thiếu trách nhiệm về PCCC…
Ngày 13/10, UBND tỉnh Nam Định ra văn bản chỉ đạo, gửi Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố trong tỉnh về việc tổng rà soát, kiểm tra an toàn PCCC đối với các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo của UBND tỉnh Nam Định đưa ra trong bối cảnh ngày 10/10 mới đây, tại Công ty TNHH Youngor Smart Shirts Việt Nam, nằm tại KCN Mỹ Trung của tỉnh xảy ra vụ hỏa hoạn khiến khoảng 500 xe máy của cán bộ, công nhân công ty này bị thiêu cháy, thiệt hại quy ra tiền khoảng 10 tỷ đồng…
Không để sót lọt cơ sở không được kiểm tra
Theo đó, nhằm ngăn chặn, đẩy lùi, tiến tới chấm dứt xảy ra cháy gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm chết người do nguyên nhân chủ quan; chấm dứt ngay tình trạng cơ sở không đủ điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, chưa được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC nhưng vẫn hoạt động; cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT hoặc cơ sở không đủ điều điều kiện nhưng vẫn được thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Công an tỉnh xây dựng kế hoạch, chỉ đạo triển khai thực hiện tổng rà soát, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH.
Rà soát, lập danh sách 100% các cơ sở thuộc diện quản lý về PCCC theo địa bàn khu công nghiệp, cụm công nghiệp và các cơ sở còn lại theo đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện và cấp tỉnh quản lý.
Thành lập các đoàn liên ngành và tổ chức tổng kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở thuộc diện quản lý nhà nước về PCCC.
“Không để sót lọt cơ sở không được kiểm tra; phát hiện xử lý chặt chẽ, nghiêm minh, triệt để các vi phạm; kiến nghị thời hạn khắc phục và xử phạt vi phạm hành chính về PCCC và CNCH theo quy định, tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động theo quy định”, một nội dung quan trọng được nêu trong văn bản.
Tập trung kiểm tra kỹ các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, có quy mô lớn, tập trung đông người, có tính chất nguy hiểm cháy, nổ cao (khách sạn, nhà trọ, cơ sở kinh doanh karaoke, chung cư, nhà cao tầng, chợ, Trung tâm thương mại, nhà kho, xưởng sản xuất....).
Phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý xây dựng, quản lý văn hóa, UBND cấp huyện khi cấp giấy phép xây dựng, khi thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC và nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT, giấy phép kinh doanh phải bảo đảm các cơ sở đáp ứng đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC và CNCH, an ninh trật tự.
“Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác quản lý PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở; kiểm điểm, xử lý đối với đơn vị, cán bộ thiếu trách nhiệm, buông lỏng trong quản lý, kiểm tra an toàn về PCCC và CNCH đối với địa bàn, cơ sở”, UBND tỉnh yêu cầu đối với Sở Công an.
Thực hiện nghiêm túc Kế hoạch của Bộ Công an về tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; về nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về ANTT, PCCC đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường…
Sở Công Thương, phải chủ động rà soát cung cấp cho Công an tỉnh số liệu loại hình cơ sở Chợ, TTTM, siêu thị; xăng dầu, gas; hóa chất; điện; phối hợp Công an tỉnh tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, các đơn vị trực thuộc Sở.
“Tham mưu UBND tỉnh góp ý, bổ sung nội dung quy định về ngừng, giảm cung cấp điện đối với cơ sở trong trường hợp có văn bản thông báo cơ sở vi phạm, không đảm bảo an toàn PCCC của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền vào Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực”, UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Sở Công Thương.
Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh điện phối hợp với lực lượng Công an và UBND cấp xã thực hiện kiểm tra đối với các cơ sở, hộ gia đình trong việc lắp đặt, sử dụng điện sau công tơ.
Quán Karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở massage vi phạm: “Kiên quyết thu hồi giấy phép”
Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch rà soát cung cấp số liệu về cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí (karaoke, vũ trường, quán bar…); cơ sở thể thao (sân vận động, nhà thi đấu, trung tâm thể dục, thể thao…); cơ sở du lịch (khu du lịch, di tích lịch sử, thờ tự của tôn giáo….); cơ sở lưu trú (khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ…).
Phối hợp Công an tỉnh tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, các đơn vị trực thuộc Sở và đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện…
“Kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đã cấp, đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở không đảm bảo an toàn PCCC nhất là với các loại hình cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, tập trung đông người như: Karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở massage…”, trích dẫn từ văn bản.
Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát cung cấp số liệu về cơ sở giáo dục đào tạo (trường học, trung tâm giáo dục, trụ sở làm việc các đơn vị trực thuộc...). Phối hợp Công an tỉnh tổ chức tổng kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, các đơn vị trực thuộc Sở. Xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện hướng dẫn trang bị kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục.
Sở Y tế rà soát cung cấp số liệu về cơ sở y tế (Bệnh viện, phòng khám, nhà điều dưỡng, phục hồi chức năng, trung tâm y tế …). Phối hợp Công an tỉnh tổ chức tổng kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc và các đơn vị trực thuộc Sở.
Phá dỡ công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép
Sở Xây dựng ngoài kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc và các đơn vị trực thuộc Sở phải rà soát việc thực hiện thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình thuộc thẩm quyền theo văn bản thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH, nhất là đối với các công trình khi thay đổi tính chất sử dụng, cải tạo nhà ở hộ gia đình thành cơ sở sản xuất, kinh doanh; xử lý, rút giấy phép xây dựng, tham mưu hướng dẫn tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép…
Sở Tài nguyên và Môi trường ngoài rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, các đơn vị trực thuộc Sở phải tổ chức rà soát, phối hợp kiểm tra xử lý vi phạm cơ sở thuộc thẩm quyền; hướng dẫn khắc phục đối với các cơ sở hoạt động sai mục đích sử dụng đất, vi phạm môi trường.
Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh phối hợp với Công an tỉnh tổ chức tổng rà soát cung cấp số liệu về cơ sở thuộc các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Phối hợp kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại các cơ sở thuộc 3 khu công nghiệp Hòa Xá, Mỹ Trung, Bảo Minh. Thành lập đội PCCC chuyên ngành tại Khu công nghiệp Hòa Xá, Khu công nghiệp Mỹ Trung và hướng dẫn Ban quản lý khu công nghiệp Bảo Minh thành lập đội PCCC chuyên ngành.
Công khai các vi phạm
Trong văn bản, chính quyền Nam Định chỉ đạo các cơ quan làm công tác thông tin, tuyên truyền của tỉnh phải thực hiện “Công khai các vi phạm của các cơ sở, hộ gia đình, nhất là cơ sở bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, bị dừng hoạt động để chính quyền và nhân dân giám sát việc chấp hành”.
Các Sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị khác có liên quan phải phối hợp rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH tại trụ sở làm việc, các đơn vị trực thuộc; khắc phục các tồn tại, vi phạm về an toàn PCCC và CNCH.
Đối với UBND các huyện, thành phố, UBND tỉnh yêu cầu chỉ đạo Công an cấp huyện thực hiện tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở, hộ gia đình do lực lượng Công an quản lý trên địa bàn.
Chỉ đạo UBND cấp xã tổ chức tổng rà soát, kiểm tra các điều kiện bảo đảm an toàn PCCC và CNCH đối với 100% cơ sở theo quy định tại Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020, hộ gia đình có nhà để ở kết hợp sản xuất kinh doanh, khu dân cư trên địa bàn quản lý.
Rà soát việc thực hiện thẩm định, phê duyệt và cấp giấy phép xây dựng phải phù hợp với quy mô, tính chất công trình thuộc thẩm quyền theo văn bản thẩm duyệt về PCCC của cơ quan Cảnh sát PCCC và CNCH…
“Xử lý, rút giấy phép xây dựng, tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình, hạng mục công trình xây dựng trái phép, không đúng giấy phép; kiên quyết thu hồi giấy phép kinh doanh đã cấp, đề nghị cấp có thẩm quyền thu hồi giấy phép kinh doanh đối với cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, tập trung đông người như: Karaoke, quán bar, vũ trường, cơ sở massage… không đảm bảo an toàn PCCC”, UBND tỉnh Nam Định đưa ra yêu cầu đối với UBND các huyện, thành phố.
Tăng cường công tác PCCC và CNCH đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày toàn dân PCCC và Tháng an toàn PCCC năm 2022.
Nhân rộng mô hình khu dân cư an toàn PCCC; tổ liên gia an toàn PCCC; điểm chữa cháy công cộng.