Covid-19 bị lu mờ trước nhiều cú sốc
Covid-19, cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu khiến khoảng 6,5 triệu người chết và vẫn đang gây ra những hệ lụy kéo dài, dường như đã bị giảm mức độ quan tâm khi bị xếp đằng sau các vấn đề nổi bật hiện nay như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và lạm phát…
Giảm độ quan tâm
Hàng chục nội dung trong chương trình nghị sự công khai của các cuộc họp thường niên giữa Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong tuần này bao gồm một số phiên về biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và các vấn đề kinh niên khác của thế giới, một số về lạm phát và thương mại…
Tuy nhiên, tương đối khiêm tốn, đại dịch Covid-19, một cuộc khủng hoảng sức khỏe toàn cầu đã giết chết khoảng 6,5 triệu người kể từ cuối năm 2019 và làm nổi bật những điểm yếu to lớn trong cách tổ chức nền kinh tế toàn cầu, sẽ chỉ được giải quyết trực tiếp thông qua một phiên họp dự kiến duy nhất cùng với 2 vấn đề khác liên quan đến phục hồi kinh tế.
Giám đốc điều hành IMF, bà Kristalina Georgieva cho rằng, cuộc khủng hoảng sức khỏe kéo dài đã bị xếp “ngồi ghế sau”, trong khi nó chính là nguyên nhân đã gây ra hoặc thúc đẩy nhiều vấn đề như xung đột, các cú sốc giá hàng hóa, suy thoái có thể xảy ra, căng thẳng thị trường tài chính và sự trượt dốc theo hướng phi toàn cầu hóa.
Nhận xét này chính là tiền đề cho cuộc họp sắp tới, tuy nhiên, bà Georgieva cũng lưu ý, ưu tiên hiện tại của các quan chức kinh tế toàn cầu là kiểm soát lạm phát, cải thiện chính sách tài khóa sau khi chi tiêu lớn trong thời kỳ đại dịch và tìm cách hỗ trợ các nước đang phát triển chống lại sự gia tăng lãi suất toàn cầu.
Ông Robin Brooks - Giám đốc điều hành kiêm nhà kinh tế trưởng Viện Tài chính Quốc tế, cho biết: “Thật đáng ngạc nhiên khi một sự kiện sức khỏe tiếp tục đè nặng lên nền kinh tế toàn cầu đã bị giảm nhanh thứ tự ưu tiên”.
Nhóm quan chức toàn cầu nhóm họp tuần này tại Washington có thể đang bước vào một “chảo lửa” với hơn nửa tá những vấn đề cấp bách, chưa nói đến những thách thức cơ bản như biến đổi khí hậu.
Châu Âu đối mặt với viễn cảnh suy thoái từ những rủi ro một phần liên quan đến xung đột Nga - Ukraine; nền kinh tế Trung Quốc đang chững lại do các chính sách phòng dịch nghiêm ngặt; một cuộc khủng hoảng năng lượng mùa đông có thể đang diễn ra; các căng thẳng thanh khoản đã xuất hiện trên thị trường tài chính; lạm phát có vẻ dai dẳng; phản ứng của Ngân hàng Trung ương Mỹ đối với giá cả tăng đã làm căng thẳng thị trường tài chính.
Trong bối cảnh đó, đại dịch có vẻ ít gây bức xúc hơn. Mặc dù các ca bệnh đang gia tăng trở lại ở châu Âu và luôn thường trực nỗi lo về sự xuất hiện của các biến thể khác. Nhưng số ca tử vong hàng ngày được cho là do Covid-19 trung bình chỉ hơn 1.400 trong tuần kết thúc vào ngày 9/10, chiếm 1/10 so với những gì đã được chứng kiến vào thời điểm đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng sức khỏe, theo dữ liệu được tổng hợp bởi Trung tâm Tài nguyên về virus Corona của Đại học Johns Hopkins.
Tác động lâu dài
Dù đã bớt nóng, tuy nhiên, đại dịch Covid-19 vẫn là một trong những yếu tố chính ảnh hưởng đến kết quả kinh tế toàn cầu hiện nay.
Các quốc gia, trong đó có Nhật Bản vẫn đang vật lộn với các hạn chế và gần đây chỉ mới dỡ bỏ giới hạn đối với du khách nước ngoài, trong khi các công ty cũng đang đau đầu để hiểu cách thị trường, người tiêu dùng và người lao động đã thay đổi nhu cầu ra sao sau đại dịch.
Các nhà kinh tế học vẫn đang trong giai đoạn đầu tìm hiểu cách thế giới đã thay đổi như thế nào sau nhiều sự kiện trong gần 3 năm qua, một số “dư chấn” từ đại dịch đang ngày càng trở nên lâu dài hơn. Các nghiên cứu đã bắt đầu ghi nhận một cú đánh thường trực tiềm tàng đối với nguồn cung lao động từ đại dịch.
Một phân tích gần đây kết luận rằng, tình trạng lây nhiễm đang diễn ra khiến khoảng nửa triệu người không có việc làm ở Mỹ. Trong khi đó, một cuộc khảo sát Điều tra dân số Mỹ gần đây về bệnh Covid-19 kéo dài ước tính, 8,5 triệu người đang làm việc có các triệu chứng kéo dài ít nhất 3 tháng và giảm khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của họ. Tại Vương quốc Anh, bệnh tật kéo dài đã khiến hơn 377.000 người phải bỏ việc kể từ khi bắt đầu đại dịch, chiếm khoảng 1% lực lượng lao động. Tất cả những điều này có thể là bước khởi đầu của việc hiểu đại dịch có ý nghĩa như thế nào và thế giới cần chuẩn bị cho cú sốc tiếp theo như thế nào.
Trong bối cảnh trên, người đứng đầu Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cảnh báo trong một bài viết trên The Guardian, Covid-19 kéo dài đang tàn phá cuộc sống và sinh kế của hàng chục triệu người, đồng thời phá hủy các hệ thống y tế và nền kinh tế. Ông Tedros kêu gọi các nước khởi động "ngay lập tức" và "duy trì” nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng “rất nghiêm trọng”.
Ông Ghebreyesus cho rằng, thế giới chưa bao giờ ở trong tình thế tốt hơn để kết thúc đại dịch Covid-19, nhưng cũng lưu ý rằng, nhiều người trong số những người bị nhiễm virus, vẫn đang phải trải qua "đau khổ kéo dài".
Với việc không có bằng chứng về cách tốt nhất để điều trị nó, Covid-19 kéo dài đang khiến cuộc sống của mọi người đảo lộn. Viêc một số lượng lớn người bị ảnh hưởng, Covid-19 kéo dài có tác động nguy hiểm đến hệ thống y tế và các nền kinh tế vẫn đang đối phó với làn sóng lây nhiễm.
Tổng Giám đốc WHO kêu gọi, các quốc gia phải tăng cường nghiên cứu về tình trạng bệnh và khả năng tiếp cận để chăm sóc những người bị ảnh hưởng nếu muốn “giảm thiểu sự đau khổ” cho người dân và bảo vệ hệ thống y tế và lực lượng lao động của họ.
Tổng Giám đốc WHO cho rằng, trong khi đại dịch đã thay đổi đáng kể do sự ra đời của nhiều công cụ cứu sinh và “ánh sáng cuối đường hầm”, tác động của Covid-19 kéo dài đối với tất cả các quốc gia là rất nghiêm trọng và cần phải có hành động ngay lập tức và lâu dài tương đương với quy mô của nó.