Nguyễn Ngọc Ký: Sống và viết

LÊ PHƯƠNG LIÊN 22/10/2022 09:16

Còn nhớ ngày tôi học lớp 5 (năm học 1962-1963), trong một buổi sinh hoạt đầu tuần sau khi chào cờ, thầy hiệu trưởng trường tôi đã kể chuyện anh Nguyễn Ngọc Ký ở Hải Hậu (Nam Định) cho học sinh toàn trường. Anh Nguyễn Ngọc Ký có đôi tay bị bại liệt từ năm 4 tuổi. Với lòng ham muốn biết chữ anh Ký đã tập rèn cho những ngón chân của mình biết cầm bút. Việc tập luyện gian nan lắm, thế mà anh Ký quyết làm được.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký giao lưu với học sinh Trường tiểu học Nguyễn Thái Sơn, Q.3, TPHCM năm 2012.

Năm lên 7 tuổi anh Ký đã viết được bằng chân và đến lớp đi học như bao bạn bè cùng trang lứa. Tôi còn nhớ, chúng tôi đã được chuyền tay nhau xem tờ báo có ảnh chụp chữ của anh Nguyễn Ngọc Ký. Ui chao, chữ viết bằng chân mà đẹp hơn cả khối người viết bằng tay. Chúng tôi còn được nghe kể chẳng những viết chữ đẹp mà anh còn học giỏi môn thủ công, biết cắt dán chữ, biết vẽ, biết nặn đất, đắp núi giả bằng chân nữa.

Anh Nguyễn Ngọc Ký đã trở thành một thần tượng của học trò thuở đó. Mỗi khi tôi cảm thấy ngại học, ngại viết, ngại làm thủ công... là hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Ký lại hiện lên, khiến tôi tự nhủ thầm: “Đôi tay mình lành lặn mà lại ngại làm à? Anh Nguyễn Ngọc Ký tay liệt, phải dùng chân thay tay mà làm mọi việc vẫn giỏi!” Không hiểu sao, ngày ấy lớp học trò chúng tôi lại tự giác noi gương sáng để sửa mình như vậy?

Thế rồi thật bất ngờ, mùa hè năm 1963, tôi được tham gia đoàn thiếu nhi Hà Nội đến chào mừng Đại hội “Thanh niên xung phong vượt mức kế hoạch 5 năm lần thứ nhất” tổ chức tại Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh hiện nay). Trong dịp ấy, tôi đã được gặp anh Nguyễn Ngọc Ký. Trái với đôi cánh tay bị liệt, anh Ký có gương mặt linh lợi, ánh mắt sáng miệng cười tươi rạng rỡ. Khi ấy anh Ký đã tốt nghiệp lớp 7 và là học sinh giỏi toán toàn miền Bắc. Có thể anh không nhớ ánh mắt của các cô bé, cậu bé học trò học lớp 5, lớp 6 từng nhìn anh vô cùng ngưỡng mộ. Chúng tôi thì nhớ mãi.

Năm 1970, cuốn sách “Những năm tháng không quên ”của tác giả Nguyễn Ngọc Ký được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc. Có lẽ tôi là một trong số những bạn đọc đầu tiên của cuốn sách ấy. Tuy đã nghe kể chuyện về anh Ký nhưng khi đọc cuốn sách tôi thấy thấm thía nỗi vất vả, gian khổ của anh hơn nhiều. Tôi đã qua ba năm học sơ tán ở nông thôn. Những cảnh đi học đường xa, ở trọ nhà dân, đường trơn bùn lầy, gió táp mưa xối... đã từng được nếm trải.

Do đó đọc đến những đoạn anh Ký đi học bị ngã trên đường làng mưa trơn, tôi hiểu thấu nỗi đau của anh. Bởi mình tay chân lành lặn còn ngã lên ngã xuống nữa là… Năm ấy tôi đã bắt đầu viết văn cho Nhà xuất bản Kim Đồng. Chính cuốn sách “Những năm tháng không quên” của anh Nguyễn Ngọc Ký đã thôi thúc tôi viết về học sinh những năm tháng 1960-1970. Hai cuốn sách “Những tia nắng đầu tiên” và “Khi mùa xuân đến” kể về một thời học trò sống trong gian khổ mà tâm hồn vô cùng trong sáng.

Nhà thơ, nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký.

Sau này khi công tác tại Nhà xuất bản Kim Đồng, tôi được gặp anh Nguyễn Ngọc Ký trong những dịp hội họp văn nghệ sĩ. Khi gặp tôi, anh nói: Anh đã đọc những gì tôi viết và động viên tôi viết nữa đi nhé! Lời nói của anh đã truyền cho tôi thêm nghị lực vượt qua những bề bộn đời thường của một người phụ nữ để tiếp tục sáng tác.

Anh Nguyễn Ngọc Ký có chút tương đồng với tôi bởi ban đầu cũng là một học sinh giỏi toán và sau lại đi theo con đường văn học. Trong tự truyện “Những năm tháng không quên” (khi tái bản lại có tên là “Tôi đi học”) anh đã thuật lại thời kỳ chuyển hướng từ học sinh giỏi toán trở thành một người đam mê văn học. Những ngày Nguyễn Ngọc Ký đang học ở Trường cấp III Hải Hậu anh đã nhận được một món quà của PGS.TS văn học Nga Sê-sin gửi tặng đó là cuốn sách “Thép đã tôi thế đấy” của tác giả Nikolai.A.Ostrorsky.

Nguyễn Ngọc Ký đã viết: “Tôi miệt mài đọc nó (cuốn sách) trong một tâm trạng háo hức mê say. Càng đọc tôi càng bị hút hồn bởi nhân vật Paven Coocsaghin, hiện thân của tác giả Nikolai A.Ostrorsky, người đã mù hai mắt, liệt hai chân, cuộc đời tưởng mãi bị vây chặt trong “vòng đay thép” của số phận, vẫn say sưa phấn đầu đọc và viết. Cuối cùng bằng nghị lực phi thường ông đã phá tung cái vòng đại thép quái ác ấy và trở thành nhà văn Xô viết nổi tiếng. Tự nhiên trong tôi bừng sáng một quyết định mới: Mình sẽ học tốt văn. Biết đâu trở thành nhà văn như Nikolai.” (Trích “Tôi đi học”).

Tôi đã từng băn khoăn: “Có phải bàn chân anh Nguyễn Ngọc Ký có gì đặc biệt mà anh đã có thể cầm bút được bằng chân để học tập? Rồi đến lúc đi học đại học đã viết được cả một cuốn sách bằng chân?” Nếu có đôi bàn chân khéo léo người ta chỉ có thể làm xiếc chứ không thể viết được một cuốn sách để đời. Nghĩ về anh Nguyễn Ngọc Ký, tôi đã hiểu ra: Không phải từ bàn chân của Nguyễn Ngọc Ký có gì đặc biệt mà bắt nguồn từ trí tuệ, từ trái tim, từ ý chí của anh đã khiến cho bàn chân Nguyễn Ngọc Ký trở thành “bàn chân kỳ diệu”.

Từ khát vọng mãnh liệt được sống một cuộc đời nhân văn Nguyễn Ngọc Ký đã điều khiển đôi chân của mình, tập viết chữ rồi đi học hết cấp I, cấp II, cấp III và Đại học. Ngày Nguyễn Ngọc Ký bảo vệ thành công luận văn tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội cũng là ngày cuốn sách tự truyện “Những năm tháng không quên” của anh được Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt bạn đọc.

Tôi lại có thắc mắc: Tại sao sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Văn, Nguyễn Ngọc Ký lại lựa chọn con đường làm thầy giáo? Anh Ký có thể tìm được một vị trí công tác ở một viện nghiên cứu văn học - một nơi thuận lợi cho người ham đọc sách và có trí tuệ thông minh như anh. Thế mà anh đã lựa chọn con đường trở về làm giáo viên dạy cấp II tại quê nhà Hải Hậu (Nam Định) từ năm 1970-1994. Phải chăng là tình yêu quê hương? Phải chăng là tình hiếu thảo với cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô giáo… những người đã hết lòng giúp đỡ chăm sóc anh ở tuổi ấu thơ cho đến khi thành đạt đã khiến anh quyết định trở về quê hương làm thầy giáo nông thôn.

Đúng là Nguyễn Ngọc Ký bẩm sinh đã có tố chất người thầy, bởi anh có giọng nói và cách nói truyền cảm hứng. Anh không có đôi tay để giơ lên hạ xuống phụ họa cho lời nói của mình. Nhưng anh có ngôn ngữ cơ thể khác lôi cuốn người nghe. Từ ánh mắt, từ nụ cười, từ dáng người anh đã khiến học trò chăm chú vào bài giảng.

Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký không dùng bảng đen, phấn trắng mà dùng những tờ giấy bìa cứng chuẩn bị sẵn để giơ lên cho học trò đọc những từ cốt yếu của bài giảng. Việc soạn bài của anh rõ là phải công phu hơn mọi giáo viên bình thường. Nguyễn Ngọc Ký là một giáo viên dạy văn không chỉ đơn thuần truyền đạt kiến thức.

Giá trị bài giảng đâu chỉ phụ thuộc vào phấn, bảng và những đồ dùng dạy học cao cấp hiện đại? Giá trị bài giảng của người thầy chính là việc truyền cảm hứng sống làm người cho đàn em nhỏ. Đã có nhiều bài viết của các thế hệ học trò kể về những kỷ niệm với thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký kính mến. Ông thực sự xứng đáng với danh hiệu Nhà giáo ưu tú được Nhà nước phong tặng năm 1992.

Năm 1994, “đôi chân kỳ diệu” của nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký đã có “một bước đi ngàn dặm”. Từ miền quê Hải Hậu (Nam Định) ông đã chuyển cả gia đình vào sinh sống và làm việc tại Quận Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh).

Ở vị trí công tác tại Phòng giáo dục quận Gò Vấp ông vừa làm công tác giáo dục vừa sáng tác thơ văn. Tấm gương thầy giáo nhà văn Nguyễn Ngọc Ký viết bằng chân đã tỏa sáng ở đất phương Nam. Trong một dịp Hội sách ở TP Hồ Chí Minh, tôi đã được chứng kiến tác giả Nguyễn Ngọc Ký ngồi ký tặng sách bằng chân cho đông đảo bạn đọc xếp hàng chờ đón. Chẳng những viết văn xuôi, Nguyễn Ngọc Ký còn làm thơ, viết sách câu đố cho thiếu nhi... Ông có đến 3 - 4 bài thơ được tuyển vào sách giáo khoa.

Từ phương Nam nắng chói, nhà giáo ưu tú Nguyễn Ngọc Ký đã thanh thản bay về miền mây trắng. Tin ông xa rời cõi tạm đã khiến bao người thương tiếc cũng như bày tỏ lòng ngưỡng mộ và cảm phục. Bởi, Nguyễn Ngọc Ký đã không chỉ sống một cuộc đời bình thường. Ông đã để lại cho đời sự tích phi thường của một kỳ nhân đất Việt.

LÊ PHƯƠNG LIÊN