Kiềm chế lạm phát
Trong một báo cáo mới nhất, ngày 12/10, Ngân hàng Standard Chartered đã nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm nay lên 7,5% và năm 2023 lên 7,2%; lần lượt tăng 0,8% và 0,2% so với dự báo cũ. Mức dự báo này được Standard Chartered đưa ra sau khi chứng kiến tăng trưởng trong quý 3 của Việt Nam đạt 13,7% so với cùng kỳ năm trước. Đánh giá này tương đồng với nhiều định chế tài chính quốc tế, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Đáng chú ý, cùng với dự báo tăng trưởng, Standard Chartered đã hạ dự báo lạm phát cả năm của Việt Nam xuống 3,3%, cũng có nghĩa là giảm mối đe dọa đối với quá trình phục hồi kinh tế của Việt Nam.
Trước đó, ngày 13/4, Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 sẽ vượt mục tiêu 4% Quốc hội Việt Nam đề ra và có thể lên cao hơn. Cụ thể là 4,2% năm 2022 và 5,5% năm 2023. Tại báo cáo “Việt Nam - đà phục hồi sẽ mạnh hơn trong quý 2” của Standard Chartered, ngân hàng này dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,7% trong năm 2022.
Tới ngày 12/7, trong báo cáo kinh tế vĩ mô toàn cầu cũng của Standard Chartered, đã giữ nguyên dự báo lạm phát Việt Nam năm là 4,2% (như dự báo hồi tháng 4). Cùng đó dự báo tăng trưởng GDP cũng giữ ở mức 6,7%.
Như vậy, càng về cuối năm, Ngân hàng Standard Chartered càng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam lên; đồng thời hạ dự báo lạm phát xuống. Đây là nhận xét rất tích cực của các chuyên gia tài chính nước ngoài khi nhìn nhận sức chống chịu cũng như tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam ở vào thời điểm hậu Covid-19. Dự báo tích cực này được đưa ra trong bối cảnh lạm phát mang tính toàn cầu và nhiều nền kinh tế lớn đã đứng trước ngưỡng cửa suy thoái.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) trong một thời gian ngắn đã 3 lần tăng lãi suất tiền gửi ngân hàng nhằm kéo lùi lạm phát (hiện ở mức 8,3%). Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng đang gặp khó khăn khi nhiều tháng qua gặp cả lũ lụt lẫn hạn hán trên diện rộng. 27 quốc gia Liên minh châu Âu (EU) cũng đang “nín thở” khi mùa đông tới gần, trong khi nguồn cung năng lượng thiếu và giá cao bất thường. Giới chuyên gia kinh tế châu Âu cho rằng, lạm phát tại EU còn kéo dài, năm 2022 sẽ ở mức 8,6%.
Tới thời điểm này, IMF đã hạ chỉ số tăng trưởng của hầu hết các quốc gia trong nhóm G20 (nhóm 20 nền kinh tế lớn của thế giới); hạ cả GDP toàn cầu, đồng thời nâng chỉ số lạm phát lên với hầu hết các nền kinh tế lớn.
Trong bối cảnh đó, việc Việt Nam được nhiều định chế tài chính quốc tế nâng chỉ số tăng trưởng GDP, giảm chỉ số lạm phát là điều rất đáng mừng, cho thấy kinh tế Việt Nam sẽ có thêm một năm vượt bão thành công.
Tuy nhiên, những tháng còn lại của năm 2022, nền kinh tế Việt Nam cũng nhận được những cảnh báo, đặc biệt là lạm phát. Trước tiên và quan trọng nhất là việc đồng đô la Mỹ lên giá, ảnh hưởng tới hầu hết các đồng tiền khác trên thế giới, kể cả những đồng tiền vốn là “đối thủ xứng tầm” với đô la Mỹ như Bảng Anh, Euro. Trước tình thế đó, nhiều ngân hàng trung ương các nước đã hạ giá đồng nội tệ, khiến lạm phát trong nước gia tăng. Đồng tiền Việt Nam cũng sẽ khó tránh khỏi, cho dù kể từ đầu năm tới nay vẫn đứng vững.
Nhưng, Việt Nam vẫn được các định chế quốc tế đánh giá sẽ không quá bị ảnh hưởng bởi lạm phát, chủ yếu là do nền kinh tế bảo đảm tốt nhu cầu thiết yếu của người dân. Nhất là lĩnh vực an ninh lương thực, thực phẩm, Việt Nam được coi là quốc gia an toàn bậc nhất khi không những đảm bảo nhu cầu trong nước mà còn dư dả để xuất khẩu.
Nhóm chuyên gia WB nhận định, bất chấp những cú sốc và tình trạng bất định gia tăng gần đây, nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên lộ trình phục hồi. Tuy nhiên, triển vọng tích cực ấy của Việt Nam vẫn bị tác động bởi những rủi ro đang gia tăng, bao gồm lạm phát cao, sự đình đốn diễn ra ở những thị trường xuất khẩu chủ lực (trong đó có EU và Mỹ). Theo bà Carolyn Turk - Giám đốc quốc gia WB Việt Nam, thực tế cho thấy để kiềm chế lạm phát và để nền kinh tế tránh được tổn thương thi rất cần chú ý đến thị trường trong nước khi mà kịch bản xấu xảy ra là xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị sụt giảm. Các động lực tăng trưởng chuyển hướng từ dựa vào nhu cầu bên ngoài sang dựa vào nhu cầu trong nước, từ khu vực chế tạo chế biến sang khu vực dịch vụ.
Chỉ số tăng trưởng GDP và chỉ số lạm phát là hai mặt của một vấn đề. Tăng trưởng cao nhưng lạm phát cũng cao thì sẽ mất đi nhiều ý nghĩa và cũng thiếu bền vững. Vì thế, cùng với thúc mục tiêu tăng trưởng thì việc kiềm chế lạm phát trong bối cảnh nhiều nền kinh tế lớn đang phải vật lộn với lạm phát rất cần được chú trọng. Vì lạm phát cao sẽ ảnh hưởng một cách rõ rệt tới đời sống người dân.