Tạo sức mạnh liên kết để phát triển du lịch

Minh Quân 15/10/2022 07:00

Thay vì cách vận hành “mạnh ai người đấy làm”, việc phục hồi ngành du lịch sau đại dịch Covid-19 đang tạo ra những mối liên kết giữa các vùng, địa phương, doanh nghiệp lữ hành… Ở đó, bên cạnh việc bắt tay cùng nhau vượt khó còn đang tạo ra sự đa dạng, phong phú trong các sản phẩm du lịch.

Hoạt động tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh: Quang Vinh.

Không thể mạnh ai nấy làm

Chính thức mở cửa từ ngày 15/3, không thể phủ nhận trong thời gian qua ngành du lịch đang có những bước phục hồi đầy khởi sắc, với những chỉ số tăng trưởng vô cùng lạc quan. Trong đó, việc thúc đẩy liên kết giữa các địa phương, doanh nghiệp lữ hành đang mở ra nhiều cơ hội trong việc tạo đà tăng trưởng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm du lịch. Có thể kể đến việc liên kết giữa Quảng Ninh, Hải Phòng với các tỉnh miền Trung. Với sự hợp tác này, giữa các tỉnh đã xây dựng các chương trình du lịch an toàn; kết nối các địa phương, tạo chuỗi sản phẩm với “hành lang xanh”. Liên kết các cơ sở đào tạo nghề du lịch của các địa phương nhằm đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Đặc biệt là việc nâng cao nhận thức cộng đồng về lợi ích của việc phát triển du lịch. Hay chương trình kết nối giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Tây Nguyên với các tuyến du lịch Lâm Đồng - Đắk Lắk - Kon Tum…

Mới đây, trong khuôn khổ Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào lần thứ 3, Bộ VHTTDL, UBND tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức Hội thảo liên kết, hợp tác phát triển du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào. Theo kế hoạch dự kiến chương trình liên kết, hợp tác sẽ tập trung nghiên cứu, rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đột phá, đủ sức hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế cửa khẩu tới các điểm du lịch có tiềm năng; rà soát, nghiên cứu, sửa đổi bổ sung nội dung hợp tác du lịch vào trong các nội dung văn bản Hiệp định Thương mại song phương Việt Nam - Lào năm 2015 thành Hiệp định hợp tác thương mại và du lịch Việt Nam - Lào.

Không chỉ việc liên kết giữa vùng được đẩy mạnh, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng đã chủ động kết nối với các điểm đến để cho ra mắt nhiều tour du lịch đặc sắc trong thời gian qua. Đơn cử như, chương trình tham quan Nhà tù Hỏa Lò về đêm; sản phẩm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long” và kết nối di sản này với Tràng An - Bái Đính - Ninh Bình bằng tour “Đêm trước dời đô”…

Nhìn nhận xu hướng này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu cho rằng, liên kết hợp tác là chìa khóa mở ra cho việc phát triển du lịch của Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đã làm được nhiều việc nhưng cũng có nhiều nhiệm vụ khi nhu cầu đến chúng ta mới làm.

Cũng theo ông Siêu, vừa qua, đã có hàng loạt những cái “bắt tay chiến lược” giữa các địa phương, các tập đoàn lớn để phát triển du lịch Việt Nam. Nhiều vấn đề về liên kết vùng đã được đưa ra bàn thảo nhưng chưa tạo ra sản phẩm liên kết theo đúng yêu cầu du lịch, các sản phẩm liên kết còn hời hợt, hình thức, chương trình du lịch xuyên tỉnh, liên vùng đạt hiệu quả chưa cao. Du lịch muốn phát triển nhưng còn nhiều khó khăn hiện hữu cả về nguồn lực, trình độ, cơ chế, sự không đồng nhất giữa các bộ ngành; không có thiết chế điều tiết. Điều đó đòi hỏi phải có sự đổi mới cả về cơ chế, thể chế, đầu tư, bộ máy, con người, những vấn đề chung cần phải phối hợp liên kết với nhau.

“Câu chuyện liên kết luôn là bài toán muôn thuở cần phải giải. Chỉ có liên kết mới tạo ra sức mạnh mới, sức mạnh này thể hiện tính đa dạng, liên thông, nhờ có công nghệ hỗ trợ cho việc liên kết hiệu quả hơn, nhanh hơn” - ông Siêu bày tỏ.

Những cung đường du lịch Tây Bắc. Nguồn: EVA.VN.

Tạo chất keo liên kết

Có thể nói, việc liên kết, nhất là trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang phục hồi sau đại dịch Covid-19 đang là một hướng đi khả quan. Bởi thực tế, trước áp lực cạnh tranh ngày càng tăng, hiện nay việc gắn kết, cùng phát triển du lịch giữa các địa phương đã được triển khai và có nhiều sự thuận lợi hơn nhờ cơ sở hạ tầng đang ngày càng được Nhà nước đầu tư xây dựng nhằm phục vụ phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, để việc liên kết du lịch được hiệu quả cũng đặt ra không ít những thách thức bởi những tư duy “xưa cũ”, tính cạnh tranh, “mạnh ai người đấy làm”.

Dẫn chứng câu chuyện liên kết du lịch các tỉnh miền Trung, nhà nghiên cứu văn hóa Trần Đức Anh Sơn chia sẻ, sự liên kết giữa các địa phương trong việc phát triển du lịch ở miền Trung trong 15 năm qua mới chỉ diễn ra ở cấp độ chính quyền, các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch, các hiệp hội du lịch… Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ vẫn chưa thực sự bắt tay liên kết để tạo ra những sản phẩm du lịch chung cho toàn vùng. Trong khi đây mới là điều mà du khách quan tâm.

Cũng theo ông Sơn, chủ thể sáng tạo và khai thác các sản phẩm du lịch không phải là chính quyền các địa phương, các cơ quan quản lý nhà nước hay các hiệp hội du lịch - khách sạn, mà phải là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch - dịch vụ tại các địa phương. Nhà nước và các cơ quan quản lý du lịch, hay các hiệp hội chỉ là những “bà đỡ”. Do đó, để hình thành các gói sản phẩm này, doanh nghiệp không chỉ cần sự liên kết dọc (giữa các địa phương), mà cả liên kết ngang (giữa các ngành, các lĩnh vực) tại các điểm đến. Từ đó, mới tính toán giá thành của các sản phẩm du lịch để chào bán cho du khách, mời gọi du khách (trong nước và quốc tế) đến với vùng du lịch miền Trung.

“Những địa phương tham gia các chương trình trên cần ban hành các chính sách thống nhất về: an toàn phòng chống dịch, an toàn vệ sinh thực phẩm, giá vé tham quan tại các địa điểm do chính quyền quản lý; có chính sách hỗ trợ giá cước vận chuyển, hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp cho những doanh nghiệp trong lĩnh vực lưu trú, ẩm thực… để họ nâng cấp sửa chữa cơ sở lưu trú, mở rộng và nâng cao chất lượng phục vụ du khách” - ông Sơn nói.

Minh Quân