Đừng coi thường dấu hiệu trầm cảm của trẻ

Đ.Trân 15/10/2022 14:00

Trầm cảm là vấn đề ngày càng phổ biến tại nước ta hiện nay, bao gồm cả người trưởng thành, trẻ vị thành niên và thậm chí là trẻ em cũng đều có nguy cơ mắc trầm cảm. Đây được xem là một rối loạn tâm thần phổ biến, nhưng hậu quả của nó thì không hề nhẹ.

Sau 2 ngày nhận được kết quả tại Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai kết luận con gái học lớp 8 mắc rối loạn trầm cảm, anh Phạm Tiến Dũng (Hà Nội) vẫn không thể tin về bệnh tình của con mình: “Đúng là thời gian gần đây gia đình tôi nhận thấy cháu ngày càng ít nói, mệt mỏi và xao nhãng việc học hơn. Thế nhưng chúng tôi cũng chỉ nghĩ rằng đó là một phần của tuổi dậy thì. Nghĩ lại thì thấy vợ chồng tôi thật đáng trách, vì quá mải mê công việc nên không quan tâm đến những dấu hiệu ban đầu của cháu”.

Một trường hợp khác cũng tại Viện Sức khỏe tâm thần, nam bệnh nhân P.V.H. (18 tuổi), được mẹ đưa vào viện vì luôn thể hiện tâm trạng buồn chán và muốn chết.

Thông tin từ gia đình, H. hiện đang sống cùng bố mẹ và anh trai. Tuy nhiên, gia đình em luôn nghiêm khắc, mong con đạt kết quả cao trong các kỳ thi.

2 tháng nay, gia đình nhận thấy H. chán nản, không tập trung nghe giảng, giảm quan tâm thích thú, không đi chơi, về nhà thường xuyên ở trên phòng không ra ngoài, thường hay cáu kỉnh, khó chịu với mọi người xung quanh.

Không chỉ ngủ kém, H. chơi điện tử trên điện thoại, máy tính tới 2-3h sáng và không học bài, khi bị bố mẹ nhắc nhở H. không nghe lời như trước, ngược lại còn cáu gắt, vùng vằng, hoặc không chịu nói chuyện với bố mẹ...

Theo số liệu của một số nghiên cứu tại Việt Nam cho thấy, hiện nay, tỷ lệ trẻ vị thành niên bị trầm cảm là 26,3%, trẻ có suy nghĩ về cái chết là 6,3%, trẻ lập kế hoạch tự tử là 4,6% và trẻ cố gắng tự tử là 5,8%.

Lý giải về những con số đáng báo động nói trên, BS. Lê Công Thiện - Trưởng phòng Tâm thần trẻ em và Vị thành niên, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Tuổi học đường là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý, vì vậy trẻ rất nhạy cảm với những tác động xung quanh. Trẻ em ở độ tuổi này có khả năng nhận thức được các tác nhân gây căng thẳng như xung đột gia đình, sự chỉ trích hoặc không đạt thành tích trong học tập... Trầm cảm ở tuổi học đường làm ảnh hưởng đến sự tăng cân và phát triển cơ thể, ảnh hưởng đến kết quả học tập ở trường và các mối quan hệ bạn bè hoặc gia đình. Tỷ lệ trẻ mắc trầm cảm có ý tưởng và hành vi tự sát cao hơn ở người lớn. Hay nói một cách khác, rối loạn trầm cảm chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến hành vi tự sát ở trẻ em.”

Cũng theo BS. Thiện, trầm cảm ở lứa tuổi học đường có thể do nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải chú ý đến việc trẻ bị áp lực từ cuộc sống, gia đình, xã hội. Bên cạnh đó là sự thay đổi tâm sinh lý, ám ảnh bởi những đau thương thời thơ ấu hoặc do lối sống không lành mạnh.

Mặt khác, di truyền cũng là yếu tố tăng nguy cơ trầm cảm ở trẻ. Một thông tin đáng lưu ý được chuyên gia y tế thông tin, khả năng di truyền ở trẻ nữ bị trầm cảm cao hơn ở trẻ nam. Điều đáng chú ý là những cặp bố mẹ bị trầm cảm thì có tỷ lệ con cái mắc trầm cảm tăng gấp 3 đến 4 lần so với những bố mẹ khỏe mạnh.

Chuyên gia y tế nhấn mạnh, các rối loạn trầm cảm ở trẻ tuổi học đường cũng giống ở người lớn, tuy nhiên có vài sự khác biệt về mặt cảm xúc, trẻ dễ bị kích thích, khả năng kiềm chế thấp nên dễ cáu giận, bùng nổ. Nhiều trẻ thể hiện qua triệu chứng cơ thể như ăn uống kém ngon miệng, mệt mỏi, mất ngủ gặp nhiều hơn ở thanh thiếu niên so với người lớn, không có khả năng thư giãn và nghỉ ngơi.

Khi thấy trẻ có các dấu hiệu trên, đặc biệt là khi trẻ thoáng có nói đến ý tưởng muốn chết, các bậc cha mẹ hoặc người thân của trẻ nên đưa trẻ đến khám để được tư vấn ở các bệnh viện chuyên khoa.

Đ.Trân