Châu Phi tự chống chọi dịch bệnh

Hà Anh 15/10/2022 07:00

Sau cú sốc từ đại dịch Covid-19 và bệnh đậu mùa khỉ, giờ đây châu Phi lại đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát Ebola, một căn bệnh cũng có khả năng lây nhiễm thông qua tiếp xúc với người bệnh. Tuy nhiên cho đến nay, mọi sự trợ giúp quốc tế đến châu lục này vẫn còn quá ít, điều đó thúc đẩy các nước phải tự thân vận động để chống chọi với dịch bệnh.

Các nước châu Phi phải tự thân vận động trước dịch bệnh khi sự trợ giúp cần thiết chưa đến. Ảnh: AP.

Không có sự trợ giúp

Một quan chức y tế công cộng hàng đầu châu Phi cho biết, châu lục phải có kế hoạch ứng phó hiệu quả với sự bùng phát dịch bệnh mà không cần sự trợ giúp của quốc tế, đồng thời cảnh báo rằng, lục địa 1,3 tỷ dân này đang tự thân vận động trong thời kỳ đại dịch.

Ông Ahmed Ogwell, quyền Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Phi cho biết, vì sự hỗ trợ thường không bao giờ thành hiện thực, các quốc gia châu Phi phải tự lấp lỗ hổng trong việc ứng phó với các đợt bùng phát dịch bệnh như Ebola ở Uganda.

Phát biểu tại thủ đô Kampala của Uganda, nơi các quan chức y tế công cộng châu Phi và những người khác đang họp để lên kế hoạch hợp tác xuyên biên giới nhằm ứng phó với Ebola, ông Ogwell bày tỏ: “Đây không phải là đợt bùng phát đầu tiên của dòng virus Ebola Sudan ở châu Phi và đặc biệt là ở Uganda. Thật không may, tại thời điểm này chúng tôi không có xét nghiệm nhanh cho chủng vi khuẩn đặc biệt này. Chúng tôi cũng không có vaccine để phòng ngừa căn bệnh".

Trước đó, Uganda tuyên bố bùng phát dịch Ebola vào ngày 20/9. Theo các chuyên gia, 54 quốc gia của châu Phi đã không nhận được hỗ trợ quốc tế đầy đủ trong các cuộc khủng hoảng y tế gần đây. Các quốc gia của châu lục đã gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực vaccine ngừa Covid-19.

Ông Ogwell thất vọng về sự thất bại của cộng đồng quốc tế trong việc giúp các nước châu Phi nâng cao năng lực xét nghiệm bệnh đậu mùa khỉ và kiểm soát sự lây lan của nó. Ông cho biết, không có sự trợ giúp nào đến với châu Phi, nơi số ca tử vong do bệnh đậu mùa ở khỉ được báo cáo trong năm nay nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên thế giới.

Ông Ogwell chia sẻ: “Gần đây, khi nhận thấy số ca mắc bệnh đậu mùa khỉ ngày càng tăng ở châu Phi, chúng tôi đã đưa ra cảnh báo toàn cầu nhưng không có sự trợ giúp nào đến với châu Phi. Và trên thực tế, khi thế giới đã nhìn thấy tận cùng của dịch bệnh, vẫn chưa có sự trợ giúp nào liên quan đến căn bệnh đến với châu Phi”.

Tự thân vận động

Mặc dù Ebola bắt đầu lây lan vào tháng 8, nhưng ban đầu, các quan chức chỉ mô tả nó là một "căn bệnh lạ" chết người. Ebola hiện đã lây nhiễm cho 54 người và giết chết ít nhất 19 người, trong đó có 4 nhân viên y tế. Một trong những nạn nhân là 1 người đàn ông tìm cách điều trị tại bệnh viện ở Kampala và tử vong ở đó.

Ban đầu có thể khó phát hiện Ebola vì sốt cũng là một triệu chứng của bệnh sốt rét. Các triệu chứng bao gồm suy nhược cơ thể, sốt, nôn mửa, tiêu chảy, đau cơ, đau đầu và đôi khi xuất huyết bên trong và bên ngoài.

Không có vaccine nào được chứng minh cho chủng Ebola Sudan. Tuy nhiên, các kế hoạch đang được tiến hành để thử nghiệm một loại vaccine khả thi trong một nhóm nhỏ người Uganda đã tiếp xúc với bệnh nhân Ebola. “Vì Ebola là “một căn bệnh ưu tiên” đối với châu Phi, nên việc không có xét nghiệm nhanh và không có vaccine có nghĩa là chúng tôi có khoảng cách trong cách ưu tiên các bệnh của mình và các công cụ chúng tôi cần để ứng phó với chúng” - ông Ogwell nói.

“Với tư cách là người châu Phi, giờ đây chúng ta phải làm mọi thứ khác đi và tự tin có thể tự mình cứu lấy mình trong tương lai. Tuy nhiên, để làm chủ bản thân, chúng ta cần thúc đẩy để có thể tự làm mọi việc nhưng không đơn độc” - ông Ogwell kêu gọi và cho rằng, châu Phi phải lập kế hoạch, chuẩn bị và ứng phó hiệu quả bằng cách sử dụng các nguồn lực của chính mình, bao gồm các chuyên gia và tổ chức của châu lục. Đồng thời phải sản xuất các chế phẩm y tế được xác định là ưu tiên cho lục địa này.

Thử nghiệm lâm sàng

Đầu tuần này, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết, các thử nghiệm lâm sàng của loại vaccine mới phòng bệnh Ebola có thể sẽ được triển khai trong những tuần tới ở Uganda, nơi dịch bệnh này đang hoành hành một cách đáng báo động.

Trong cuộc họp cấp bộ trưởng về phòng chống dịch Ebola với đại diện 11 quốc gia châu Phi, người đứng đầu WHO cho biết, một số loại vaccine chống lại virus gây bệnh Ebola đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau, hai trong số chúng có thể được sử dụng để thử nghiệm lâm sàng ở Uganda trong những tuần tới, tùy thuộc vào các quy định của Chính phủ Uganda.

Dù không cung cấp thông tin chi tiết về các loại vaccine được thử nghiệm như tên của chúng hay công ty nào đã phát triển, nhưng theo Tổng Giám đốc Tedros, mục tiêu chính của WHO hiện nay là giúp Chính phủ Uganda nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng trong nước và sang các quốc gia láng giềng.

WHO cũng cảnh báo nguy cơ cao lây nhiễm giữa các quốc gia do người dân đi lại. Đồng thời đã có những lo ngại rằng, sự lây lan của dịch bệnh Ebola ở Uganda có thể khó kiểm soát vì hiện tại không có vaccine cho chủng Sudan.

Trước đó, Uganda đã trải qua một số đợt bùng phát Ebola, bao gồm đợt bùng phát cuối cùng vào năm 2019 khiến ít nhất 5 người thiệt mạng. Loại virus gây sốt xuất huyết này thường dẫn tới tử vong được phát hiện vào năm 1976 và đặc biệt phổ biến ở phía Tây châu Phi. Đợt dịch tồi tệ nhất ở khu vực này trong giai đoạn 2013 - 2016 đã cướp đi sinh mạng của hơn 11.300 người.

WHO trước đây cho biết, mặc dù không có vaccine, nhưng chủng Ebola Sudan ít lây truyền hơn và đã cho thấy tỷ lệ tử vong trong các đợt bùng phát thấp hơn so với Ebola Zaire.

Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros, mục tiêu chính của WHO hiện nay là giúp Chính phủ Uganda nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn lây lan trên diện rộng trong nước và sang các quốc gia láng giềng.

Hà Anh