Sự kỳ diệu của đôi tay
Thiên nhiên thật kỳ diệu. Nhiều người tận dụng được vẻ đẹp của tự nhiên, kết hợp sự sáng tạo và đôi tay tài hoa đã trở thành những tác phẩm độc đáo. Điều đó cho thấy sự sáng tạo không bao giờ có đường biên.
Từ sự nuối tiếc
Bà Võ Thị Quỳnh, vợ nhà văn Nguyễn Quang Hà, hiện sống ở đường Phan Đình Phùng, TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) là một người khá đặc biệt.
Khi đến thăm nhà bà, tôi được “mục kích” những bức tranh hoa lá khô ép. Đó thực sự là những bức có hồn, thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Chuyện bắt đầu từ trận ốm “thập tử nhất sinh” năm 1992, bà Quỳnh đã phải nằm viện rất lâu, tưởng chừng sẽ không qua khỏi. Lúc đó, bà cảm nhận được nỗi buồn trong cơn đau, cảm nhận được cái đáng quý của sự sống.
Chính vì vậy sau khi hồi sinh, lấy lại sự sống, bà đã lấy những hoa, lá khô ép ra và ghép thành một bức tranh để kỷ niệm năm đáng nhớ này. Đó là năm con gà, bức tranh ghép bằng hoa, lá khô đầu tiên của bà là hình một con gà và cũng lấy tên là “con gà”. Khi bức tranh đầu tiên hoàn thành, bà Quỳnh được gia đình, bạn bè và đặc biệt là ông xã khen ngợi rất nhiều, tất cả đều động viên tiếp tục sáng tạo. Riêng ông xã hứa sẽ tặng bà 30 cái khung, mặc dù lúc đó đời sống của gia đình ông bà vẫn còn khó khăn. Đó là cơ duyên khiến bà Quỳnh gắn kết với loại hình nghệ thuật này.
Thế rồi, những bức tranh đó cứ giàu lên trong kho tàng của bà. Sau nhiều cuộc triển lãm, bà trở nên nổi tiếng. Hiện bà Quỳnh có hơn 400 tác phẩm bằng chất liệu này. Phải kể đến những tác phẩm: Dạ vũ, Hội làng, Hồi sinh, Giếng làng, Đêm Ai Cập, Thời gian, Đêm trăng Vỹ Dạ... Trong vòng hơn 10 năm qua, bà đã có nhiều cuộc triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Huế và nhận được nhiều sự khích lệ của bè bạn, của gia đình. Bà cũng đạt một số giải thưởng và tranh của bà làm ra bao nhiêu đều có khách đến mua hết.
Ngoài tình yêu hoa lá cỏ cây, thiên nhiên và con người, phải khẳng định Võ Thị Quỳnh có đôi bàn tay khéo léo. Bà đã khiến những cánh hoa đã héo tưởng như chỉ là thứ vô nghĩa thì nay lại được hồi sinh đẹp đẽ hơn. Ví như trong tác phẩm “Bức tranh đầu tiên”, bà tạo một chú gà trống đứng trên đống gạch gáy o o. Đó không còn là tiếng gà gáy thông thường mà còn là tiếng khóc đầu tiên của một con người khi mới chào đời.
Tôi hỏi: “Chủ đề cho những tác phẩm mà bà hướng tới là gì?”. Bà trả lời: “Theo ý thích là chính. Tôi làm để ghi lại những kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời: Thời học sinh, thời con gái và cả những gì mình cảm thấy khó nói thành lời, mình đều tìm cách thể hiện bằng tranh. Để gửi gắm vào đó những cảm xúc và tâm sự. Hay những bức tranh với dòng sông trăng huyền ảo... Nói chung thì tranh của mình phần lớn là thể hiện về thời học sinh với những kỷ niệm, vườn Huế, hương xưa... những gì gắn liền với đời sống hàng ngày, xung quanh ta đều có thể là chủ đề”.
Mỗi người một phong cách
Trong dòng chảy cuộc sống, nơi các vùng quê có nhiều người sáng tạo độc đáo. Như ông Lê Văn Nghĩa ở ấp Hưng Lợi Đông, xã Long Hưng B (huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) dùng lá sen, chất liệu thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Sen Hồng để tạo nên những tác phẩm nghệ thuật. Yêu đồng lúa yêu hạt gạo, anh Khưu Tấn Bửu (phường An Khánh, TP Cần Thơ) đã và đang góp phần làm thương hiệu hạt gạo quê hương bay xa. Cách Bửu làm không chỉ là quảng bá hạt gạo, mà còn là tạo ra những bức tranh từ hạt gạo.
Ở Hà Nội chị Nguyễn Thị Vân (xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn) cũng dày công sáng tạo những bức tranh gạo đặc sắc. Hay như ở Kiên Giang, anh Lê Hoàng Nhân (sinh năm 1982) ngụ ấp 11A, xã Đông Hưng B, huyện An Minh đã tái chế chất liệu vỏ tràm thành những bức tranh đặc sắc. Năm 2019 chàng họa sĩ xứ tràm cũng cho ra đời những bức tranh làm từ bẹ chuối, vải jean rất bắt mắt. Rồi ở phường Đồng Hải, TP Đồng Hới (Quảng Bình), họa sĩ Phan Văn Đắc (sinh năm 1942) đã có gần 60 năm miệt mài sáng tác tranh bằng chất liệu rất độc là bẹ chuối khô.
Gặp nhiều họa sĩ, nhưng với tôi họa sĩ Vũ Quốc Sự ở phường Xuân An, Long Khánh (Đồng Nai) là người sử dụng chất liệu độc đáo và bất ngờ nhất. Đó là khói bếp. Ông Sự kể, trong một lần tháo dỡ căn bếp cho một người bạn, ông thử dùng chiếc đinh vẽ lên đoạn tre đã ám muội khói. Thế rồi, bức tranh trong lúc ngẫu hứng ấy đã khiến ông nảy ra ý định vẽ tranh bằng cách hong khói các đoạn tre nứa để làm tranh. Ông Sự chia sẻ: “Các tranh nhiều lên, người nọ nói với người kia, tôi thành ra nổi tiếng ở trong… phường. Rồi trong thị xã. Lúc đầu cũng không định bán, sau có nhiều người hỏi mua, tôi mới có ý định kinh doanh”.
Để làm ra một bức tranh khói bếp nguyên liệu đơn giản với tre, nứa có sẵn, thời gian để hoàn thiện một sản phẩm hết sức công phu, trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên người họa sĩ chọn tre về ngâm, đóng thành liếp, sau đó đưa lên bếp hun khói chừng 3 tháng, xong mới bắt đầu ngồi vẽ. Có bức kéo dài vài tháng trời. Khi vẽ, ông phải thật khéo léo, bởi tranh trên giấy vẽ sai là có thể xóa, lấp màu lên và vẽ lại. Còn thể loại tranh này không có phép người họa sĩ sai bất cứ công đoạn nào. Do nguyên liệu của nó là khói bếp có sẵn trên nền tre nên chỉ cần sai sót nhỏ là có thể vứt đi, mất công cả mấy tháng trời chuẩn bị.
Sáng tạo không ngừng nghỉ
Có lần đến TP Đồng Hới, thăm họa sĩ Phan Văn Đắc, tôi đã hết sức bất ngờ về cách những người lính “gặp” thiên nhiên. Năm 1965, ông lên đường nhập ngũ thuộc Binh đoàn 599, đóng quân tại khu vực Tây Trường Sơn.
Giữa núi rừng, trong những chuyến hành quân, những bẹ chuối khô trải dài dọc dãy Trường Sơn đã khiến ông nảy ra ý tưởng dùng chất liệu này ghép thành tranh. “Chiến tranh gian khổ, sự sống và cái chết cách nhau trong gang tấc. Vậy nên những người lính phải tìm cách giải trí, cách động viên tinh thần của mình và đồng đội. Tranh bẹ chuối khi ấy đã tạo thêm sức mạnh cho tôi. Rồi khi xuất ngũ rồi đến nay, tôi vẫn tiếp tục dùng bẹ chuối để sáng tác, một tác phẩm hoàn thành lúc đó tôi vui lắm”, vị họa sĩ già tâm sự.
Không được học chuyên sâu về hội họa nên mỗi tác phẩm của ông Đắc đều do mày mò, sáng tạo. Nhưng chính vì điều đó, mỗi tác phẩm khi hoàn thành đều mang sự mộc mạc chân chất. Nó không chỉ đơn giản là việc sắp xếp hay dán các bẹ chuối khô theo cách thủ công, mà nó đòi hỏi sự tỉ mỉ trong từng khâu cắt tỉa. Đặc biệt phải chọn những gam màu để thổi hồn cho bức tranh.
Công việc làm tranh lá sen của ông Lê Văn Nghĩa cũng vậy. Lá sen được ông Nghĩa tận dụng tất cả để sáng tạo ra 3 loại tranh cơ bản: tranh từ các mảng lá sen, tranh từ gân sen, tranh từ các vụn của lá sen. Theo ông Nghĩa, để làm được một bức tranh từ sen phải qua các công đoạn: chọn lá sen; phơi nắng, phơi sương; cắt, xé, ủi lá; phân loại màu; phát thảo trên giấy; cố định lá sen lên nền bằng keo sữa; phơi khô chỉnh sửa lần cuối; xịt thuốc chống côn trùng, mối, mọt; phủ lớp keo mỏng để giữ cố định từng chi tiết; sau đó đóng khung.
Ông Lê Văn Nghĩa tin tưởng sẽ ngày càng nhiều người sáng tạo tác phẩm nghệ thuật dựa vào thiên nhiên. “Thật ra, thiên nhiên kỳ diệu hơn con người tưởng tượng. Tận dụng nguyên liệu tự nhiên để làm tranh là cách con người tiếp cận và hòa quyện thiên nhiên”, ông Nghĩa nhấn mạnh.
Đồng quan điểm ấy, chị Vân tâm sự, người đam mê làm tranh, ngoài quảng bá nét đẹp văn hóa của địa phương còn có thể kinh doanh, tạo việc làm cho người khác, tăng thêm thu nhập cho gia đình.