Miền Trung gồng mình vượt qua mưa lũ
Trên địa bàn các tỉnh miền Trung mưa lớn kéo dài, lũ dữ từ thượng nguồn đổ về làm nhiều tuyến đường bị ngập gây chia cắt nhiều khu vực, địa phương. Mưa lũ gây thiệt mạng 4 người tại Đà Nẵng; 1 người mất tích ở huyện Trà Bồng, Quảng Ngãi vẫn chưa tìm thấy… Các địa phương bị ảnh hưởng bởi mưa lũ đang tập trung hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, đồng thời phục hậu quả sau khi mưa lũ rút.
Đà Nẵng: 4 người thiệt mạng
Nhiều người cao tuổi ở Đà Nẵng so sánh cảnh nước nhấn chìm, chia cắt nhiều khu vực dân cư trên địa bàn các quận Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Cẩm Lệ và huyện Hòa Vang từ đêm 14 tới sáng 15/10 với trận “lụt năm Thìn” năm 1964. Cũng có người ví cảnh Đà Nẵng ngập nước với trận lụt lịch sử nhấn chìm miền Trung tháng 11/1999.
Sáng 15/10, mưa giảm, nước rút nhưng nhiều khu vực dân cư trên của Đà Nẵng còn bị chia cắt, nhà dân tại khu vực trũng thấp còn ngập sâu từ 1 đến 2 m; nhiều tuyến đường còn bị phong tỏa do ngập nước, ô tô chết máy nằm la liệt khắp nơi. Tại kiệt (ngõ) 251 đường Thái Thị Bôi, chúng tôi gặp ông Phan Tám (74 tuổi), ông cho biết cảm thấy lo sợ khi chứng kiến nước dâng cao chỉ trong thời gian rất ngắn. Người dân sống ở đường Tôn Đức Thắng trước bến xe trung tâm TP Đà Nẵng cũng kể lại, có người đang tham gia giao thông qua khu vực này phải bỏ tài sản leo lên cây vì nước bất ngờ dâng cao, ngập lút xe máy chỉ trong chưa đầy vài phút.
Theo thông tin tại cuộc họp của UBND TP Đà Nẵng với lãnh đạo các quận, huyện, Sở ngành chức năng sáng 15/10, mưa lũ làm 4 người thiệt mạng. Đáng chú ý, trong số các nạn nhân thiệt mạng có người cao tuổi ở đường Trưng Nữ Vương, phường Hòa Thuận Tây bị đuối nước ngay tại nơi ở. Ngoài các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, huyện Hòa Vang là địa phương thiệt hại khá nặng nề. Ông Phan Duy Anh - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: 11/11 xã của huyện này ngập cục bộ tại tất cả tuyến đường; 87/113 thôn của huyện bị ngập nặng.
Quảng Nam, Quảng Ngãi: Tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ
Sáng 15/10, chúng tôi có mặt tại huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam, nơi đây là vùng hạ du không chỉ gánh mưa lớn mà còn phải gánh lũ do thủy điện xả lũ. Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Lê Văn Quang - Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết: “Đến 9h sáng 15/10 lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 3 và đang xuống chậm. Tại các xã Đại Hưng, Đại Sơn, Đại Đồng, Đại Lãnh... của huyện bị ảnh hưởng nặng, có nơi ngập đến 1m do mưa lớn và lũ trên sông Vu Gia đổ về. Chúng tôi đã và đang triển khai các biện pháp để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân”.
Trước đó, tại huyện Đại Lộc cũng xuất hiện “hố tử thần” ngay trên cầu Suối Mơ thuộc tuyến QL14B, đoạn qua xã Đại Đồng gây ách tắc giao thông, may mắn lực lượng CSGT phát hiện kịp thời ngăn chặn không cho lưu thông qua đây nên không có sự cố xảy ra. Hiện tại Sở GTVT đang huy động nhân lực thiết bị máy móc để khắc phục sự cố.
Trong khi đó, tại Quảng Ngãi, tại tỉnh lộ 624, đoạn qua thôn An Thạch, xã Thanh An, huyện Minh Long bị sạt lở dài khoảng 50m, với gần 100 m3 đất đá tràn xuống đường, phương tiện không thể lưu thông và tuyến đường liên thôn Làng Ren đi thôn Nước Đọt, xã Long Môn bị sạt lở nặng. Còn vụ sạt lở ở khu vực Nhà máy thủy điện Kà Tinh, ở huyện Trà Bồng, đất đá hàng nghìn mét khối tràn ngập đổ xuống đường đến bây giờ vẫn chưa tìm thấy người mất tích…
Ông Trần Văn Thiện - Chủ tịch UBND xã Hành Dũng cho biết: “Sau khi nước lũ rút chính quyền địa phương đã huy động gần 50 cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân khẩn trương dọn dẹp bùn đất khắc phục hậu quả mưa lũ, đồng thời hỗ trợ các trường học trên địa bàn dọn dẹp để đảm bảo vệ sinh môi trường. Đến thời điểm này, đời sống của bà con trên địa bàn xã đã ổn định trở lại”.
Sáng 15/10, ông Đặng Minh Thảo - Bí thư Huyện ủy Trà Bồng cho biết, vụ sạt lở núi tại khu vực Nhà máy Thủy điện Kà Tinh đã làm ách tắc giao thông tuyến tỉnh lộ 622B, đoạn Km37+590. Nhờ tập trung nhân vật lực, huy động máy xúc lớn để dọn đất đá, khắc phục sự cố đến 15/10, tỉnh lộ 622 B đã được thông tuyến.
Thừa Thiên-Huế: Nước rút tới đâu, dọn dẹp tới đó
Theo ghi nhận của PV, sáng 15/10, các lực lượng Quân đội, Công an, dân quân địa phương tiếp tục sử dụng các phương tiện để tiếp cận và đưa các hộ dân có nhà bị ngập sâu từ 0,5 trở lên đi di tản tránh lũ khẩn cấp. Ông Trần Sơn - Chủ tịch UBND phường An Tây cho biết: Hiện nước lũ đã rút dần. Chúng tôi đang huy động lực lượng cùng với người dân tranh thủ nước rút đến đâu dọn dẹp đến đó.
Đại tá Ngô Nam Cường - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, ngay trong sáng 15/10 đã trực tiếp chỉ đạo công tác hỗ trợ giúp đỡ người dân. Chúng tôi cũng chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã, thành phố Huế sẵn sàng hỗ trợ nhu yếu phẩm, lương thực cho người dân bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, đồng thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả sau khi lũ rút.
Theo ông Nguyễn Văn Phương - Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, thống kê ban đầu mưa lũ làm sập 1 nhà (huyện Phú Lộc do sạt lở đất); 2 nhà dân thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) bị đất đá lùa vào, người nhà đã sơ tán. Ngoài ra, do nước sông lên cao và ngập úng bởi cường suất mưa lớn, gây ngập cho nhà cửa ước tính có khoảng 19.918 nhà ngập, với độ sâu từ 0,3-0,8m tùy từng vùng và khu vực.
Mưa lớn khiến tuyến đường sắt đoạn qua thị trấn Lăng Cô bị đất đá vùi lấp và cuốn trôi tà vẹt khoảng 30m, đã thông báo cung đường biết để dừng tàu. Đặc biệt, tại hầm đường bộ Hải Vân, với khối lượng đất đá trước cửa phía Nam hầm Hải Vân trải dài 200m, dày 1m và rộng 60m với tổng khối lượng đất đá vùi lấp khoảng 12.000 m3. Ngay sau khi mưa giảm, nước rút dần, Xí nghiệp Quản lý Vận hành hầm Hải Vân đã tập trung toàn bộ lực lượng cùng phương tiện để xử lý thu gom đất đá làn đường dẫn hầm Hải Vân 2, thông tuyến hầm trở lại.
Quảng Trị: Di dời nhiều hộ dân
Sáng 15/10, lũ trên các sông ở tỉnh Quảng Trị lên nhanh do có mưa to đến rất to, gây ngập lụt và chia cắt giao thông ở nhiều tuyến đường. Cũng trong ngày 15/10, tỉnh đã sơ tán di dời 161 hộ với 567 người ở vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất ở các huyện: Hải Lăng, Đakrông, Hướng Hóa đến nơi an toàn. Tỉnh đã lên phương án tổ chức sơ tán dân gồm: Dự kiến cần sơ tán tránh lũ, ngập lụt trên toàn tỉnh là 14.341 hộ với 53.005 nhân khẩu; sơ tán di dời dân vùng xảy ra lũ ống, lũ quét là 2.243 hộ với 8.921 nhân khẩu, tập trung chủ yếu ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông và các xã phía Tây của các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Hải Lăng; sơ tán di dời dân vùng xảy ra sạt lở đất là 1.718 hộ với 6.831 nhân khẩu tại 27 xã thuộc 4 huyện: Hướng Hóa, Đakrông, Gio Linh, Vĩnh Linh.
Đảm bảo thông tàu Bắc Nam trong thời gian sớm nhất
Áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành bão số 5 (SONCA) đã gây ảnh hưởng đến kết cấu hạ tầng, chia cắt tuyến đường sắt Hà Nội-TPHCM. Ngay sau khi nhận được thông tin về sự cố và mức độ hư hỏng, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn VNR đã chỉ đạo các đơn vị tại chỗ chủ động giữ tàu khách, tàu hàng tại các ga dọc đường đảm an toàn; bãi bỏ 1 số đoàn tàu khách xuất phát tại Sài Gòn và Hà Nội ngày 15/10. Dự kiến phải chuyển tải hành khách một số đoàn tàu bằng ô tô trong khu vực từ Huế - Đà Nẵng; cử cán bộ trực tiếp kiểm tra thực tế hiện trường, xây dựng phương án cứu chữa khắc phục hậu quả thiệt hại theo đúng các quy định hiện hành; đồng thời, giao nhiệm vụ cho các Công ty CP đường sắt Nghệ Tĩnh, Quảng Bình, Bình Trị Thiên, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình, các Công ty CP TTTH Vinh, Đà Nẵng, Sài Gòn, các Chi nhánh khai thác Nghệ Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Nghĩa Bình tập trung nhân lực cứu chữa, đảm bảo thông tàu trong thời gian sớm nhất.