Mưu sinh giữa mùa nước nổi
Những ngày này miền Tây Nam bộ vào mùa nước nổi. Dân nghèo sinh sống bằng nghề sông nước ở Long An, Đồng Tháp, An Giang... tất bật mưu sinh. Dù vất vả, nhưng với nhiều người, đây cũng là “mùa rất dễ sống”…
Kiếm tiền nhờ nước lớn
Phải hẹn hai lần chúng tôi mới thu xếp công việc để chạy xuống Khánh Hưng, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An để cùng vợ chồng ông Bùi Văn Chào đi ghe vào đồng đổ dớn.
Theo dự báo, phải giữa tháng 10 này lũ ở vùng Tây Nam bộ mới đạt đỉnh nhưng ông Chào bảo từ hơn một tháng qua, công việc của vợ chồng ông khá trôi chảy. “Ngày nào cũng 4 lần đổ dớn rồi chạy ghe đi lấy bông súng, bông sen. Mùa nước lũ bây giờ ngắn lắm, sản vật cũng không dồi dào như xưa nên mình tranh thủ. Có khi đêm cũng chạy ghe đập soi ếch, soi rắn mối ở bên Tà Nu, Gò Mối cùng mấy anh em trong xóm. Giờ bên đó ngập mênh mông nước, mấy cây ô môi, cây keo là nơi có rất nhiều rắn mối, chuột đồng. Có đêm bắt hơn chục ký lô luôn đó”, ông Chào kể.
Ngồi lên ghe của vợ chồng ông Chào, chúng tôi chạy vào cánh đồng nằm giáp ranh giữa xã Khánh Hưng và Hưng Điền. Thực tế, ngay cả những người gắn bó nhiều năm với vùng đất này cũng không phân biệt được ranh giới giữa ấp xã, vì nước nổi ngập mênh mông cả. Thậm chí phía xa xa, những cánh đồng biên giới cũng ngập trắng nước và nước. Theo quan sát, ông Chào có đóng 5 tay dớn bằng các cọc cừ tràm. Mỗi tay dớn ước chừng dài 4 mét, có hàng lưới dẫn dài thêm 3 mét nước, màu xanh rất nổi trên đồng nước hơi mờ đục.
Chỉ tay ra phía xa xa, ông Chào bảo dớn ông đóng cách nhau vài trăm mét. Ngoài những tay dớn của ông, nơi này còn có vài chục hàng cọc dớn khác của những nông dân trong vùng. Mỗi ngày người dân thường gỡ 2 lần, có khi 3 hay 4 lần, tùy theo lượng cá nhiều hay ít. Vừa rút một bao dớn, đổ tất cả cá cua, ốc lươn vào chiếc chậu nhựa lớn cho bà xã lọc ra, ông Chào bảo mỗi mẻ dớn chừng 3 ký lô. “Bữa nay cá linh hết rồi, chủ yếu là cá heo, cá chốt. Cá heo giờ giá 150 ngàn đồng, cá chốt chỉ 100 ngàn đồng. Có ngày tôi đổ được hơn mười ký cá heo với cá tạp, kiếm 2 triệu đồng ngon á”, người đàn ông này tâm sự.
Không chỉ vùng Vĩnh Hưng, khắp dọc biên giới Tây Nam hay nhiều nơi khác, đóng dớn đánh bắt thủy sản là mô hình quen thuộc của người dân miền Tây. Đây là nghề đánh bắt khá nhàn nhã, vì sau khi đóng dớn, người dân có thể khai thác 3-4 tháng mà không cần làm thêm gì.
Nhưng mùa nước về có hàng trăm mảnh đời với nhiều cách đánh bắt, kiếm sống khác nhau chứ không riêng gì vợ chồng ông Chào. Cách đó không xa, tại xã Vĩnh Châu B (huyện Tân Hưng, tỉnh Long An), anh Trần Văn Thảo (39 tuổi), cùng vài người bạn đang dầm mình trong cánh đồng ngập nước hái hẹ nước. Đây là thứ đặc sản gần như duy nhất ở vùng đất này. Không ai biết vì sao mà trên những cánh đồng lúa, khi nước nổi tràn về 1,2 tuần là hẹ nước mọc lên. Không ai gieo trồng, không ai chăm sóc nhưng bao năm nay vẫn vậy. Cứ hái hoài không hết hẹ nước. Và, khi nước lũ rút đi thì hẹ cũng không còn, trả lại cánh đồng phẳng phiu bắt đầu vụ lúa mới. Ở đó, như chưa từng xuất hiện những cây hẹ nước màu xanh, cao chỉ bằng gang tay. Chính vì vậy mà hẹ nước lại là đặc sản. Loài cây thân mềm như rau ấy là thứ đồ ăn được nhiều người miền Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, việc hái hẹ rất vất vả và cơ cực, gần như phải ngâm mình trong nước cả ngày dài.
“Từ Vĩnh Châu B qua Vĩnh Châu A rồi Vĩnh Đại, Tuyên Bình hay Tân Công Sính... cứ vài ngày lại đổi một đồng để vớt hẹ. Nghề này vất vả lắm nhưng kiếm được tiền. Tranh thủ qua tháng sau là không còn hẹ nữa, tôi lại lên thành phố làm phụ hồ công trình cho cậu Tư”, anh Thảo tâm sự.
Mặc dù vất vả nhưng thật lạ, anh Thảo cho rằng mùa nước nổi rất dễ sống với người dân vùng đất này. “Ở thành phố khó sống lắm. Năm nào tới tháng 8 là tôi cũng về quê sửa lưới, sửa ghe, sửa dớn để chuẩn bị mùa nước. Ngoài hái hẹ nước, tôi cũng có 6 tay dớn ở kênh gần nhà. Hôm nào may mắn cũng kiếm thêm dăm ký cá, bán cho mấy vựa ngoài ngã ba tỉnh lộ cũng được hơn trăm ngàn. Mùa nước về, nhìn đâu cũng có thể kiếm ra tiền. Bà xã tôi thì chỉ hái bông, hái lá cũng kiếm bộn. May mắn năm nay mùa nước dài hơn năm trước, nên vợ chồng tôi cũng đỡ khổ. Hy vọng hết mùa nước sẽ gom đủ tiền sửa nhà tươm tất cho mẹ con tụi nhỏ ở đỡ cực, rồi tôi mới lên lại thành phố làm việc”, anh Thảo kể tiếp.
Xóm ghe
Từ Tân Hưng, chúng tôi men theo con đường nhỏ chạy xe gắn máy qua xã Tân Công Chí (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp). Ít ai biết vùng Hồng Ngự, Tân Hồng lại có nhiều người tới chỉ để tạo thành những xóm ghe, một đặc sản riêng biệt nơi đây.
Cũng như vùng Vĩnh Hưng, Tân Hưng (Long An), đây là khu vực rốn lũ của miền Tây Nam bộ. Không chỉ người dân địa phương, những năm qua nhiều nông dân ở nơi khác cũng tìm đến vùng Tân Hồng, Hồng Ngự để đánh bắt, khai thác sản vật mùa nước nổi.
Trên chiếc ghe mỏng mảnh dài chừng 12 mét, có gắn mui tạm bợ, anh Đinh Văn Giỏi (44 tuổi) cho biết, vợ chồng anh ở mãi dưới miệt Cai Lậy (Tiền Giang) nhưng lại ngược lên vùng biên giới này mưu sinh mùa lũ. “Quê tôi giờ không còn lũ nữa, dù nước nổi cũng tràn vào kênh rạch. Thế nên tôi cùng ông anh bên vợ lên đây kiếm sản vật. Mình thì giăng lưới, đóng dớn còn bà xã thì hái sen, súng với bông điên điển. May mắn là sản vật mùa lũ giờ giá cao, dễ bán nên mỗi ngày cũng kiếm được chừng một triệu đồng. Đợt này cá linh hết rồi nhưng cá heo, cá chốt, cá sặc, cá lóc... đang nhiều. Có đêm đổ dớn được hai chục ký cá heo, cá chốt luôn đó”, anh Giỏi kể.
Tuy nhiên, theo người đàn ông này, mưu sinh mùa lũ không hề dễ dàng và rất bấp bênh. “Mùa lũ chỉ kéo dài có vài tháng và không phải ngày nào cũng hên đâu. Có ngày gỡ dớn chỉ 5-6 ký lô cá, mà toàn cá tạp bán cho mấy vựa nuôi vịt đồng, nuôi cá tra không hà. Nói chung cũng khó khăn lắm, vì giá dầu giờ cũng cao”, anh Giỏi tiếp lời.
Tại khu vực anh Giỏi neo thuyền, chúng tôi thấy có 4 chiếc ghe khác. Đó là những nông dân vùng miệt hạ lưu nhưng vì quen sống mưu sinh mùa nước lũ nên đến đây kiếm sống. Ban ngày họ tỏa đi các cánh đồng, con kênh rồi chiều về gặp nhau, ăn uống nghỉ ngơi trước khi bắt đầu ca đêm mưu sinh. Càng khu vực nào nhiều sản vật, những xóm ghe càng nhiều, càng đông đúc. Họ tụ họp với nhau mấy tháng mùa nước rồi sau đó tản đi, chờ tới mùa nước nổi sang năm.
Dù quy luật của thiên nhiên, nhưng thực tế mùa nước nổi không còn là sinh kế, cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới đời sống cư dân miệt đồng bằng như những năm trước. Bây giờ không ít những người trẻ sinh ra và lớn lên ở các đô thị miền Tây Nam bộ có lẽ cũng cảm thấy xa lạ với mùa nước nổi. Nhưng trên những cánh đồng này, nơi mà những dòng nước lũ đầu tiên từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về Việt Nam vẫn có hàng trăm người gắn bó cùng mùa nước nổi. Họ vẫn mong chờ, vẫn giữ thói quen đợi từng con nước như từ nhiều năm trước.
Không ai biết vì sao mà trên những cánh đồng lúa, khi nước nổi tràn về 1, 2 tuần là hẹ nước mọc lên. Không ai gieo trồng, không ai chăm sóc nhưng bao năm nay vẫn vậy. Cứ hái hoài không hết hẹ nước. Chính vì vậy mà hẹ nước lại là đặc sản. Loài cây thân mềm như rau ấy là thứ đồ ăn được nhiều người miền Tây ưa chuộng. Tuy nhiên, việc hái hẹ rất vất vả và cơ cực, gần như phải ngâm mình trong nước cả ngày dài.