Biến cố mới trong chính trường nước Anh
Việc tân Thủ tướng nước Anh, bà Liz Truss, sa thải tân Bộ trưởng Tài chính, ông Kwasi Kwarteng chỉ sau 38 ngày tại chức được cho là làm “rung lắc” chính phủ. Ngay sau đó, cựu Ngoại trưởng Jeremy Hunt đã được bà Truss bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính mới.
Ngày 16/10 nói với CNN về việc sa thải ông Kwaisi Kwarteng, Thủ tướng Liz Truss cho biết: "Rõ ràng là một số nội dung trong kế hoạch “ngân sách mini” của chúng tôi đã đi xa hơn và nhanh hơn so với những gì thị trường mong đợi. Vì vậy cách chúng tôi thực hiện sứ mệnh của mình ngay bây giờ phải thay đổi".
Việc làm này của bà Truss được cho là lần "quay xe" thứ hai trong tháng này đối với một chính sách trọng điểm. Trước đó, ngày 3/10, chính phủ của bà đã phải rút lại kế hoạch xóa bỏ thuế suất đối với các khoản thu nhập cao nhất, chỉ hơn một tuần sau khi kế hoạch được công bố.
Về phía ông Kwarteng, người đã trở thành cựu Bộ trưởng Tài chính nói rằng “tôi đã đồng ý đứng sang một bên theo yêu cầu của bà Truss. Tôi tin rằng tầm nhìn của bà về sự lạc quan, tăng trưởng và thay đổi là đúng đắn”. 3 tuần trước, ông Kwarteng đã giới thiệu kế hoạch "ngân sách mini", hứa hẹn cắt giảm thuế có giá trị lên đến 45 tỷ bảng Anh, đồng thời gia tăng vay nợ với hy vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Anh. Tuy nhiên, đồng bảng Anh và trái phiếu chính phủ càng xuống dốc do lo ngại rằng các kế hoạch này sẽ tiếp tục làm gia tăng lạm phát vào thời điểm giá cả đang tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng 40 năm. Ngân hàng Trung ương Anh đã phải phát đi cảnh báo về rủi ro nghiêm trọng đối với sự ổn định về tài chính của đất nước và công bố các biện pháp can thiệp riêng biệt nhằm xoa dịu thị trường trái phiếu vốn đã khiến một số quỹ hưu trí của Anh đứng trước bờ vực vỡ nợ.
Thật đáng ngại khi một cuộc thăm dò mới nhất mà YouGov thực hiện cho báo The Times cho thấy 43% cử tri đảng Bảo thủ muốn có một Thủ tướng mới ở Phố Downing. Điều đó cho thấy có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng đối với Chính phủ mới của bà Truss.
Ngày 6/9, bà Liz Truss trở thành tân Thủ tướng nước Anh, thay cho ông Boris Johnson khi ông này rời khỏi số 10 Phố Downing. Hầu hết các hãng tin phương Tây đều cho rằng bà Truss nhận lãnh trách nhiệm Thủ tướng nước Anh trong bối cảnh có quá nhiều thách thức. Đặc biệt là nước Anh đang đứng trước cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ trước Thế chiến 2. Có tới 1,7 triệu hộ gia đình Anh có thể không thanh toán nổi hóa đơn điện, khí đốt sau đợt tăng giá tiếp theo kể từ đầu tháng 10.
“Bà Truss sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt đang gia tăng nhanh. Vấn đề đặt ra cho Thủ tướng Anh là phải làm sao để giảm sức ép đối với thu nhập hộ gia đình do lạm phát và cuộc khủng hoảng năng lượng trong mùa đông tới đây. Quả bom hẹn giờ kinh tế có thể nổ bất cứ lúc nào” - cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown cảnh báo.
Kinh tế Anh rơi vào khủng hoảng và đang tiến tới bờ vực suy thoái cũng không hẳn là “di sản của ông Boris Johnson để lại” cho người kế nhiệm, mà là tình hình chung toàn cầu. Tuy nhiên, vượt thoát nó bằng cách nào “ít thương vong” nhất lại chính là đòi hỏi của người dân Anh với Chính phủ. 6 năm trước, nước Anh rút khỏi Liên minh châu Âu (EU), những tưởng sẽ có lối đi riêng cho mình khi không phải chia sẻ nghĩa vụ với một số quốc gia thành viên trong khối. Tuy nhiên, khó khăn vẫn chồng chất. Tới nay, nếu so với các nước EU thì lạm phát của nước Anh cao hơn (trung bình 8,6% của EU so với 9,1% của Anh).
Bình luận về việc Thủ tướng Lizz Truss sa thải Bộ trưởng Tài chính mới đây, truyền thông Anh cho rằng “bà Truss kế nhiệm sứ mạng với đầy tính rủi ro” khi mà chính sách kinh tế không ổn định, càng khiến cho cuộc khủng hoảng sâu sắc thêm.
“Bây giờ, gánh nặng giải quyết lạm phát sẽ đặt lên vai Thủ tướng Liz Truss và tân Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt. Chính phủ của bà Truss đã “rung lắc” nhưng chúng ta vẫn có quyền hy vọng một điều gì đó tốt đẹp hơn để đưa nước Anh ra khỏi khủng hoảng” - Elizabeth Ebhodaghe, thành viên đảng Bảo thủ nói.
Trước khi bị Ấn Độ “qua mặt” hồi đầu tháng 9/2022, Vương quốc Anh là nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới tính theo tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa (GDP), lớn thứ 9 tính theo sức mua tương đương (PPP) và xếp thứ 21 về GDP bình quân đầu người. GDP của Vương quốc Anh chiếm 3,3% tổng GDP thế giới.
Phát biểu khi trở thành Tân Thủ tướng nước Anh, bà Liz Truss nói: "Chúng ta cần cho thấy rằng chúng ta sẽ hành động trong hai năm tới. Tôi sẽ đưa ra một kế hoạch táo bạo để cắt giảm thuế và phát triển nền kinh tế của chúng ta. Tôi sẽ giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng, giải quyết các hóa đơn năng lượng của người dân, đồng thời xử lý các vấn đề dài hạn về cung cấp năng lượng".
Bà Liz Truss là Thủ tướng thứ 56 và là nữ Thủ tướng thứ 3 của nước Anh. 2 nữ Thủ tướng trước bà Truss là bà Margaret Thatcher (ở vị trí Thủ tướng từ năm 1979 đến năm 1990) và bà Theresa May (2016-2019).
Bà Liz Truss sinh năm 1975 tại Oxford trong một gia đình có bố là giáo sư toán học và mẹ là y tá. Bà tốt nghiệp Đại học Oxford, ngành triết học, chính trị và kinh tế năm 1996. Bà kết hôn với ông Hugh O'Leary, một kế toán viên, và có 2 con. Trước khi trở thành Thủ tướng, bà Liz Truss là Ngoại trưởng Vương quốc Anh.