Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Xác định rõ các nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo
Tại Hòa Bình, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội và Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Bảo đảm tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với một số luật có liên quan”.
Tại hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, để xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế, tạo khuôn khổ pháp lý thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025 và định hướng phát triển đất nước đến năm 2030, văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định một trong những nhiệm vụ, giải pháp cơ bản. Đó là đẩy mạnh việc hoàn thiện pháp luật gắn với nâng cao hiệu lực, hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng được hệ thống pháp luật thống nhất, đồng bộ, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân làm trung tâm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh trong điều kiện mới… Qua đó, quá trình xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải thận trọng, chắc chắn, xem xét, đánh giá kỹ lưỡng về mức độ phù hợp, tính thống nhất của quy định trong các luật, pháp lệnh, nghị quyết; xác định rõ các nội dung còn mâu thuẫn, chồng chéo đang dẫn tới khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp xử lý phù hợp.
Ông Michael Siegner - Trưởng đại diện Tổ chức Hanns Seidel tại Việt Nam chia sẻ, Luật Đất đai có ảnh hưởng mọi mặt đời sống của đất nước. Nó tạo nền tảng pháp lý cho một loạt các luật khác như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quản lý đê điều... Mới đây, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã rà soát Luật Đất đai với 112 luật, bộ luật khác có liên quan. Điều này rất có ý nghĩa giải quyết những vướng mắc trong các luật có liên quan, góp phần hoàn thiện hành lang pháp lý của quốc gia.
Ông Lê Đình Vinh - Giám đốc Công ty Luật Vietthink đề xuất, cần đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) với các luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư. Những bất cập của Luật Đất đai 2013 cùng với sự mâu thuẫn, chồng chéo giữa Luật Đất đai và các luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư (Luật Đầu tư 2020, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đấu thầu 2013...) đang tạo điểm nghẽn đối với các hoạt động đầu tư kinh doanh nói chung và việc triển khai các dự án đầu tư có sử dụng đất nói riêng. Đặc biệt, những quy định chồng chéo về thẩm quyền, điều kiện, thủ tục, hồ sơ giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất giữa Luật Đất đai và các luật có liên quan đã gây ra sự lãng phí về thời gian, nguồn lực của các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện thủ tục hành chính và nhà đầu tư; làm nảy sinh tình trạng tiêu cực, tùy tiện của cán bộ, công chức thực hành công vụ. Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được những bất cập hiện nay, khắc phục những vướng mắc, chồng chéo với các luật điều chỉnh lĩnh vực đầu tư, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, trên cơ sở kết quả gợi mở của hội thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm, các buổi làm việc với các cơ quan, tổ chức và các đối tượng có liên quan để tổng hợp những ý kiến đóng góp có giá trị, góp phần nâng cao chất lượng của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bảo đảm mục tiêu hoàn thiện thể chế, chính sách về đất đai phù hợp với thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.