Đảm bảo nguồn cung xăng dầu
Đảm bảo đủ nguồn cung xăng dầu là vấn đề đặc biệt quan trọng, nhất là trong bối cảnh phục hồi nền kinh tế.
Theo khẳng định của Bộ Công Thương tổng nguồn cung xăng dầu trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ. Hai nhà máy lọc dầu Nghi Sơn và Bình Sơn cam kết cung ứng đủ xăng, dầu với sản lượng dự kiến trong quý III là 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV là 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu).
Mới đây nhất Bộ Công Thương đã có văn bản gửi Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn và Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn, yêu cầu 2 thương nhân đầu mối sản xuất xăng dầu bảo đảm nguồn cung trên thị trường nội địa, tăng công suất ở mức tối đa có thể. Bộ Công Thương yêu cầu 2 nhà máy lọc dầu phải đảm bảo duy trì việc cung ứng xăng dầu đầy đủ và liên tục cho thị trường trong nước, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp trong quá trình phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh sau đại dịch Covid-19.
Về nguồn nhập khẩu, theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch đạt hơn 6,8 tỷ USD, tăng hơn 22,7% về lượng và hơn 131% về trị giá.
Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu bao gồm cả nguồn tự sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu đều dồi dào so với năm trước, không có tình trạng thiếu xăng dầu từ các đầu mối lớn, các thương nhân.
Vậy có thể nói rằng, việc khan hiếm xăng dầu cục bộ gần đây tại một số địa phương thực chất không đến từ việc thiếu hụt nguồn cung. Theo phân tích của chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, nguyên nhân chính là do chi phí kinh doanh tăng mạnh và thương nhân đầu mối chỉ duy trì trong hệ thống và tồn kho theo quy định. Nhiều doanh nghiệp giảm mạnh chiết khấu để hạn chế đại lý bán lẻ lấy nhiều hàng nên doanh nghiệp bán lẻ kinh doanh thua lỗ…
Trước thực trạng này, theo ông Nhân cần xem xét lại quy trình điều hành kinh doanh xăng, phải cân bằng được giá nhập khẩu và tất cả các chi phí đầu vào để giữ được mặt bằng chung giá cả trên thị trường. Trong trường hợp không thể giải quyết thì phải trình Chính phủ, sau đó trình ra Quốc hội để bàn bạc các phương án thực hiện.
Cũng theo ông Nhân về vấn đề ổn định mặt bằng xăng dầu, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp điều hành quản lý, do đó, thời gian tới cần sớm đưa ra những quyết sách cụ thể, trong đó có giải pháp giải quyết những vấn đề về chi phí đối với doanh nghiệp, đại lý phân phối, kinh doanh xăng dầu như: Chi phí mặt bằng, chi phí công nhân, bảo hành, vận chuyển…
Về vấn đề này, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, có hai nguyên nhân, thứ nhất là nguồn cung khan hiếm; thứ hai là do chi phí kinh doanh không hợp lý, lợi nhuận cho người bán không thỏa đáng dẫn đến càng bán càng lỗ.
Trong đó, ông Long nhấn mạnh chi phí kinh doanh và premium (phần trả lãi cho người bán) là hai chỉ tiêu hết sức quan trọng trong cơ cấu giá bán lẻ xăng dầu. Tuy nhiên, cách tính chi phí kinh doanh từ lâu đã lỗi thời so với hiện nay. Khi đó doanh nghiệp không bù đắp được chi phí bỏ ra thì doanh nghiệp sẽ thua lỗ. Từ đó doanh nghiệp chiết khấu cho các đại lý thấp đi, việc chiết khấu thấp khiến các đại lý không đảm bảo được mức lãi, không đủ bù đắp chi phí, lỗ và họ sẽ ngừng kinh doanh.
Khi doanh nghiệp không có lãi thì sẽ không nhập hàng và bên bán cũng sẽ không bán, bên mua cũng không mua được.
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng cho rằng, cần phải tính toán xây dựng bộ máy phân phối xăng dầu một cách tinh gọn, linh hoạt, hiệu quả và giảm được các chi phí trung gian, cung cấp nguồn xăng dầu từ doanh nghiệp đầu mối xuống đến cửa hàng bán lẻ một cách thuận lợi nhất…
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, hết 9 tháng đầu năm 2022, Việt Nam nhập khẩu hơn 6,5 triệu tấn xăng dầu thành phẩm các loại, kim ngạch đạt hơn 6,8 tỷ USD, tăng hơn 22,7% về lượng và hơn 131% về trị giá. Như vậy, tổng nguồn cung xăng dầu bao gồm cả nguồn tự sản xuất trong nước và nguồn nhập khẩu đều dồi dào so với năm trước.