Sàn thương mại điện tử: Nộp thuế thay người bán?
Sau khi khảo sát ý kiến doanh nghiệp về việc các sàn thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin dữ liệu cho cơ quan thuế, Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) tiếp tục đưa ra 7 điểm chưa hợp lý theo đề xuất của Tổng cục Thuế.
Phúc đáp Công văn 3434/TCT-DNNCN của Tổng cục Thuế về việc khảo sát thông tin dữ liệu cung cấp của các sàn TMĐT, VECOM cho biết, các doanh nghiệp (DN) trong ngành đều ủng hộ phương án cung cấp thông tin theo phương thức điện tử để thuận tiện cho công tác quản lý thuế của cơ quan thuế và thuận tiện cho hoạt động kinh doanh thông suốt của các sàn.
Tuy nhiên, việc báo cáo, cung cấp thông tin cần ở mức hợp lý, bám sát quy định pháp luật hiện hành, không vượt quá quyền hạn, trách nhiệm của DN sàn TMĐT, đảm bảo đúng nguyên tắc “tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của sàn giao dịch TMĐT” theo khoản 4 Điều 1 Thông tư 100/2021/TT-BTC.
Gấp gáp và chưa hợp lý?
Cụ thể, VECOM cho rằng, lộ trình mà Tổng cục Thuế đưa ra là quá gấp gáp và chưa hợp lý. Theo đề xuất của Tổng cục Thuế: thời gian lập trình: 26/9 - 10/10; Kiểm thử với sàn:11/10 - 14/10; Hoàn thiện hệ thống: 17/10 - 21/10; Triển khai chính thức: 11/2022.
VECOM đề nghị Tổng cục Thuế đưa ra lộ trình áp dụng khả thi hơn. Cụ thể là thời gian kiểm thử với các sàn trong vòng 3 ngày là hoàn toàn không khả thi vì các sàn cần thời gian thu xếp và bố trí nguồn lực (hệ thống, nhân lực) phù hợp để phục vụ công tác kiểm thử. Do vậy, nên cho phép ít nhất là 1 tháng cho thời gian kiểm thử.
Đồng thời, DN TMĐT cũng đề nghị Tổng cục Thuế thông báo trước cho các sàn về thời gian kiểm thử trước 1 tháng để bố trí nguồn lực thực hiện, tránh làm ảnh hưởng đến hoạt động vận hành bình thường của các sàn.
Ngoài ra, từ tháng 10/2022 đến cuối tháng 1/2023 (Tết Nguyên đán) là thời gian cao điểm kinh doanh, nguồn lực của các sàn không đáp ứng được các nhiệm vụ khác nên VECOM đề nghị Tổng cục Thuế cân nhắc kỹ lưỡng thực tế này.
Về thời gian cung cấp thông tin định kỳ, VECOM cũng cho rằng cần phù hợp hơn và đề nghị thời gian cung cấp thông tin định kỳ là hàng năm, cùng với thời hạn nộp quyết toán thuế TNCN (ngày 30/4 hàng năm), để phục vụ cho việc quyết toán thuế và xác định nghĩa vụ thuế của cá nhân, hộ kinh doanh, để giảm bớt gánh nặng tổng hợp thông tin cho cả cơ quan thuế và các sàn.
Theo VECOM, vì kỳ quyết toán của cá nhân, hộ kinh doanh, tổ chức là định kỳ năm, nên thông tin cung cấp theo định kỳ năm là đủ để hỗ trợ cơ quan thuế đối chiếu, kiểm tra thông tin thu nhập của cá nhân, hộ kinh doanh. Cơ quan thuế vẫn phải dựa vào dữ liệu cuối năm để đối chiếu thông tin kê khai của cá nhân, hộ kinh doanh nên tần suất cung cấp thông tin ngắn hơn định kỳ năm là chưa hợp lý, tạo gánh nặng tuân thủ không cần thiết cho DN và cũng không có tác dụng đối với việc xác định trách nhiệm thuế của cá nhân, hộ kinh doanh.
Đáng chú ý, VECOM cho biết nhiều hội viên DN tỏ ra quan ngại vì một số nội dung góp ý từ những văn bản trước của Tổng cục Thuế chưa được giải đáp và chưa có giải pháp cụ thể. Chẳng hạn như sự phù hợp với các quy định pháp luật liên quan của yêu cầu cung cấp thông tin định kỳ; Giải pháp cung cấp thông tin đảm bảo an toàn bảo mật; Trách nhiệm bảo mật thông tin và cơ chế xử lý vi phạm đối với các trường hợp lộ lọt thông tin, gây thiệt hại cho DN hay những thông tin mà Tổng cục Thuế yêu cầu nhưng hiện các sàn chưa thu thập…
Ngoài ra, VECOM cũng đề nghị Tổng cục Thuế bổ sung hướng dẫn về việc nhận được các yêu cầu cung cấp thông tin từ cơ quan thuế địa phương; có quy định rõ ràng, cụ thể đối với sàn không có đầy đủ hoặc không thể xác minh các thông tin được Tổng cục Thuế yêu cầu cung cấp hay cung cấp thông tin các trường hợp đặc thù khác liên quan đến sàn…
Tạo thuận lợi cho người nộp thuế
Trước đó, vào đầu tháng 9, trong tờ trình Chính phủ sửa đổi một số điều của Nghị định số 126 quy định chi tiết Luật Quản lý thuế, Bộ Tài chính đã nêu quy định những sàn TMĐT có chức năng đặt hàng trực tuyến (như Tiki, Shopee, Lazada…) sẽ phải kê khai, nộp thuế thay người bán hàng.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế DN nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng cục Thuế cũng cho biết, ngành thuế đã triển khai rất đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Theo đó, 8 giải pháp đã và đang được ngành thuế thực hiện như tăng cường công tác tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế tự kê khai chịu trách nhiệm, ngành thuế tích cực tham gia đàm phán hiệp định đa phương về phân bổ quyền đánh thuế đối với thu nhập từ hoạt động kinh tế số...
Nhằm hiện đại hóa công tác quản lý thuế, tạo thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện khai thuế, nộp thuế, ngày 21/3/2022, Bộ Tài chính đã chính thức khai trương Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở kinh doanh cố định tại Việt Nam và triển khai Ứng dụng thuế điện tử trên nền tảng thiết bị di động (eTax Mobile) cho các cá nhân.
Đồng thời Tổng cục Thuế đang triển khai một Cổng thông tin để các sàn TMĐT kê khai, các sàn có thể nộp thay các hộ kinh doanh, các sàn cũng có thể nhận ủy quyền để cung cấp thông tin cho cơ quan thuế.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh cũng cho biết, số thu từ hoạt động TMĐT xuyên biên giới thông qua các tổ chức tại Việt Nam khai thay, nộp thay thuế nhà thầu từ năm 2018 đến nay đạt 5.588 tỷ đồng. Số thu này có xu hướng tăng trưởng qua các năm, tốc độ thu bình quân giai đoạn 2018-2021 đạt 130%, đặc biệt số thu năm 2021 đạt 1.591 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020. Một số nhà cung cấp nước ngoài được khai thuế, nộp thuế thay với số thu lớn đóng góp vào ngân sách nhà nước như: Facebook (2.099 tỷ đồng); Google (2.114,6 tỷ đồng); Microsoft (714 tỷ đồng),…Kết quả sau hơn 5 tháng triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài từ ngày 21/3/2022, đến nay đã có 30 nhà cung cấp nước ngoài lớn (Microsoft, Facebook, Netfix; Samsung; TikTok; eBay…) đăng ký thuế, kê khai thuế và nộp thuế với tổng số thuế khoảng 22,2 triệu USD.