TP Hồ Chí Minh: Nhiều 'điểm sáng' khởi nghiệp
TP Hồ Chí Minh trong 2 năm gần đây đang nổi lên như một trung tâm về khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo lớn nhất cả nước. Dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số, nhưng đô thị này đang chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và tới 37,9% các dự án nước ngoài và ngày càng thích ứng hiệu quả với kinh tế số.
Được thành lập với sứ mệnh khai thác, chuyển giao các dịch vụ đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và đầu tư, Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Đại học Quốc gia TPHCM (IEC) mới đây đã kết nối thành công giải pháp Mentoring 1-on-1. Đây là một không gian hỗ trợ khởi nghiệp, với việc giúp mỗi nhóm dự án kết nối với một chuyên gia để đồng hành xuyên suốt quá trình hoàn thiện mô hình kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc tổ chức các chuỗi Startup Open của IEC đã giúp gia tăng nhận thức của các doanh nhân trẻ về khởi nghiệp, trong khi sinh viên năm cuối các trường thành viên Đại học Quốc gia TPHCM có cơ hội tiếp cận từ sớm hệ sinh thái khởi nghiệp và tham gia thực tế vào quá trình mô hình của các doanh nghiệp SMEs do IEC ươm tạo. Nhờ tham gia tích cực vào đổi mới sáng tạo, mới đây IEC đã trở thành tổ chức xuất sắc nhất được trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp TPHCM (I-Star 2022).
Theo ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KHCN) TPHCM, không chỉ riêng mô hình của IEC, thành phố cũng đã ghi nhận một phong trào khởi nghiệp rất sôi nổi trong đổi mới sáng tạo, với hàng loạt giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp trong nông nghiệp, tài chính, du lịch, giáo dục và y tế.
Đáng chú ý, một nhóm học sinh tại Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (TPHCM) đã đề xuất một giải pháp hiệu quả để đẩy mạnh giáo dục STEM vào tiết học ở lớp nhằm nâng cao sự sáng tạo - năng động cho học sinh hay nhóm giải pháp 4.0 được một nhóm các thành viên thuộc Công ty CP Vietnam Blockchain, là doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực blockchain (công nghệ cơ sở dữ liệu phi tập trung) trên cả nước đề xuất ngay từ rất sớm.
Bên cạnh đó, I-Star 2022 đã vinh danh được nhóm giải pháp về chuỗi tác phẩm thuộc Chương trình “Đô thị số” và thành phố thông minh, điều mà Trung tâm điều hành đô thị thông minh TPHCM đang rất cần mô hình, giải pháp cụ thể để đưa ngay vào triển khai trên thực tiễn phát triển đô thị thông minh, đô thị sáng tạo phía Đông của TPHCM.
Ông Đặng Đức Thành - Chủ tịch CLB Các nhà kinh tế Việt Nam đánh giá, mặc dù ở nước ta chưa có khái niệm chính thức về “thành phố khởi nghiệp” nhưng với quy mô thực tế hiện nay thì TPHCM được xem như một trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo mới của Việt Nam.
Dẫn chứng cho nhận định này, chuyên gia từ CLB Các nhà kinh tế Việt Nam chỉ ra số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại TPHCM đang có quy mô hoạt động lớn nhất cả nước, với khoảng 268.000 đơn vị (chiếm 31%). Và dù chỉ chiếm 0,6% diện tích và 8,34% dân số nhưng đô thị này đã chiếm tới 20,5% tổng sản phẩm GDP, 27,9% giá trị sản xuất công nghiệp và tới 37,9% các dự án nước ngoài. “Số lượng doanh nghiệp đang hoạt động tại đô thị này ngày càng tăng qua nhiều năm cho thấy, đây là môi trường tốt nhất, thuận lợi để đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” - ông Thành nhấn mạnh.
Bà Thạch Lê Anh - nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley cho rằng, TPHCM có đầy đủ tài nguyên lẫn cơ sở hạ tầng về công nghiệp 4.0 để đảm bảo trở thành “thành phố khởi nghiệp” đúng nghĩa. Khi đã có đủ không gian, hạ tầng, môi trường cho đổi mới sáng tạo, TPHCM sẽ thu hút các quỹ, nhà đầu tư tiếp cận các tập đoàn công nghệ lớn, nhờ đó tăng cơ hội đầu tư cũng như tạo ra các doanh nghiệp khởi nghiệp hàng đầu để tăng trưởng, mang lại lợi ích cho xã hội. Ở một khía cạnh quan trọng khác, ông Võ Minh Thành - Trưởng Phòng Công nghệ thông tin thuộc Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM cũng bày tỏ kỳ vọng rất lớn vào công nghệ 4.0 với các doanh nghiệp nội địa hàng đầu trong lĩnh vực blockchain. Hiện nay, chính quyền TPHCM đang tích cực tham vấn ý kiến, giải pháp của giới chuyên gia khoa học và công nghệ để tham mưu giúp thành phố phát triển kinh tế số cũng như phát triển việc ứng dụng blockchain vào đời sống.
Giám đốc Sở KHCN TPHCM, Nguyễn Việt Dũng cho biết, UBND TPHCM hiện nay đã triển khai “Đề án hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo TPHCM giai đoạn 2021 - 2025”. Đề án mới ở đầu hành trình nhưng đã cho thấy hiệu quả tức thì, với nhiều hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ, trở thành cái nôi của cộng đồng khởi nghiệp cả nước. Theo dự báo của Sở KHCN TPHCM, lượng vốn đầu tư mạo hiểm đang thu hút các Start-up với hơn 1,1 tỷ USD, tương đương 60% lượng vốn và 70% số thương vụ về đổi mới sáng tạo của cả nước hiện nay. Từ những thành tựu này, TPHCM cũng đang tích cực hoàn thiện hệ thống pháp lý hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nhằm tạo động lực chung để nhanh chóng khôi phục mạnh mẽ kinh tế - xã hội, qua đó khẳng định vai trò đầu tàu của cả nước về KHCN và đổi mới sáng tạo.