Tránh nguy cơ mất thị lực ở trẻ em
Theo khuyến cáo của các bác sĩ, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng gia tăng các bệnh về mắt ở trẻ em hiện nay chủ yếu là việc tiếp xúc quá lâu, quá nhiều và không khoa học đối với các thiết bị điện tử. Điều này dẫn tới tổn thương thị lực, gây ra hội chứng thị giác màn hình, tăng nguy cơ thoái hóa điểm vàng và vô số các ảnh hưởng tiêu cực khác tới sức khỏe.
Khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ
Tại chương trình tầm soát và quản lý khúc xạ học đường vừa diễn ra tại Hà Nội, ThS. BS Nguyễn Văn Sanh - Giám đốc Hệ thống Bệnh viện Mắt Hitec cho hay: Theo thống kê, tỷ lệ tật khúc xạ đang có xu hướng tăng cao, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi đến trường. Tại Việt Nam có khoảng 3 triệu trẻ em mắc tật khúc xạ. 3 loại tật khúc xạ học đường là cận thị, viễn thị và loạn thị...
Theo đó, cận thị thường xảy ra ở đối tượng học sinh, sinh viên nhưng chưa được quan tâm đúng mức. Đặc biệt những trường hợp cận thị một mắt, hay một mắt nhẹ vẫn còn nhìn thấy và mắt kia nặng hơn... nhiều cha mẹ chưa hiểu được hệ luỵ của vấn đề này nên còn thờ ơ cho rằng tình trạng đó không có gì nguy hiểm, trong khi nó có thể gây nhược thị và ảnh hưởng trầm trọng đến thị lực của trẻ sau này.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM mới đây cho biết, tỷ lệ học sinh thành phố mắc tật khúc xạ tăng dần qua các năm, tăng dần từng khối lớp. Cụ thể, năm học 2016-2017 tỷ lệ học sinh mắc khúc xạ là 24,23%; năm học 2019-2020 là 27,41% và năm học 2020-2021 là 27,43%. Trong đó, bậc THCS tỷ lệ từ 34,7% ở khối lớp 6, tăng lên đến 46,17% khối lớp 9; còn ở khối THPT, tỷ lệ 52,84% ở lớp 10 và đến lớp 12 là 55,26%...
Theo ngành Y tế và Giáo dục TPHCM, những con số này đã đặt ra tính cấp thiết hơn nữa trong chăm sóc sức khỏe học sinh thành phố một cách toàn diện. Trong thời gian tới, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ trình UBND, HĐND TPHCM đề án chính sách đặc thù cho nhân viên y tế học đường, đưa ra hướng giải quyết biên chế và chế độ để họ an tâm công tác, chăm sóc sức khỏe học sinh và giáo viên tốt hơn nữa, góp phần giảm thiểu các bệnh học đường, bao gồm cả tật khúc xạ.
Không chủ quan để tránh hệ lụy
Tại Việt Nam, cận thị đang có xu hướng trẻ hóa, đặc biệt đối với các em học sinh từ 10-15 tuổi. Theo các chuyên gia, con số này dự kiến sẽ tiếp tục tăng cao vào những năm tới trong bối cảnh các thiết bị điện tử trở nên phổ biến và phụ huynh có chiều hướng cho con sử dụng các thiết bị này nhiều hơn. Ánh sáng xanh từ điện thoại, máy tính bảng… chính là tác nhân trực tiếp làm suy giảm thị lực của trẻ. Bên cạnh đó, trước áp lực học hành nặng nề, con trẻ phải dành phần lớn thời gian ngồi trong phòng học. Không gian học tập thiếu nguồn ánh sáng nhân tạo hoặc ít sự tiếp xúc trực tiếp với ánh mặt trời cũng là một trong những nguyên nhân chính gây cận thị ở trẻ.
TS. BS Vũ Anh Tuấn - giảng viên ĐH Y Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Bệnh viện Mắt Hà Nội 2 khuyến cáo, cận thị thường xảy ra ở những đối tượng trẻ, nhưng lại không được quan tâm đúng mức. Nhiều người thờ ơ cho rằng, đây là tình trạng quá bình thường, không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, người có độ cận thị cao (trên 6 Diop) không chỉ gặp phải những bất tiện trong sinh hoạt hàng ngày vì tầm nhìn suy giảm, mà nguy hiểm hơn là những biến chứng về đáy mắt luôn rình rập, khiến người cận thị cao có nguy cơ mất thị lực vĩnh viễn.
Vì vậy, theo bác sĩ Tuấn, dù cận thị là tật khúc xạ phổ biến, nhưng nếu không được chăm sóc và bảo vệ kịp thời, sẽ khiến bộ đôi quan trọng nhất của mắt là thủy tinh thể và võng mạc gặp nhiều ảnh hưởng nghiêm trọng. Từ 0-17 tuổi là giai đoạn độ cận tiến triển nhanh.
Do vậy, các bậc phụ huynh cần đảm bảo trẻ có chế độ học tập, vui chơi ngoài trời hợp lý để mắt được nghỉ ngơi và điều tiết giữa nhìn gần và nhìn xa. Khi học, cứ mỗi giờ phải nghỉ 10-15 phút. Khi xem tivi, chơi điện tử không quá 60 phút mỗi lần, không ngồi quá gần sẽ ảnh hưởng tới mắt. Nơi học tập phải đảm bảo đủ ánh sáng, nên dùng đèn dây tóc có chụp phản chiếu, ánh sáng chiếu từ phía trước mặt hoặc đối diện với tay cầm bút, góc học tập nên bố trí gần cửa sổ. Không đọc sách trong điều kiện thiếu ánh sáng, khi đi tàu xe, khi nằm. Tư thế ngồi học thẳng lưng, đầu hơi cúi khoảng 10-15 độ. Cần bố trí chiều cao bàn ghế phù hợp để khoảng cách từ mắt đến sách vở là 25cm với cấp tiểu học, 30cm với cấp THCS và 35cm với học sinh THPT.