Ngành nông nghiệp chạy nước rút
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) để đạt được mục tiêu xuất khẩu năm nay, đòi hỏi ngành nông nghiệp cần thực hiện các giải pháp tác động vào những sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao.
Xuất siêu 6,9 tỷ USD
Ngành nông nghiệp đề ra mục tiêu phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 toàn ngành khoảng 2,8-3% (Chính phủ giao 2,5-2,8%), tổng kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 55 tỷ USD (cao hơn mục tiêu Chính phủ giao 5 tỷ USD). Đến thời điểm này có thể khẳng định mục tiêu đạt 55 tỷ USD dự kiến sẽ cán đích. Bất chấp những biến động của thị trường hàng hóa, khó khăn về vận chuyển, chi phí sản xuất tăng cao do giá xăng dầu từ đầu năm tăng gần 50% so với cùng kỳ, nhưng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản 9 tháng năm 2022 vẫn đạt 74,7 tỷ USD, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 40,8 tỷ USD, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 (tương đương mức tăng 5,4 tỷ USD); nhập khẩu ước đạt 33,9 tỷ USD, tăng 5,7%.
Đáng nói là, xuất siêu toàn ngành nông nghiệp cao bất ngờ, với 6,9 tỷ USD, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2021 và cao hơn cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu của cả nền kinh tế 9 tháng (6,5 tỷ USD). Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 10,5 tỷ USD; đứng thứ 2 là thị trường Trung Quốc khoảng 7,4 tỷ USD; thứ 3 là thị trường Nhật Bản với giá trị đạt trên 3,1 tỷ USD.
Để đạt những con số ấn tượng trên, thời gian qua Bộ NN&PTNT đã phối hợp với các đại sứ quán, tham tán tăng cường xúc tiến, quảng bá theo hình thức trực tiếp và trực tuyến đối với các sản phẩm đã được mở cửa, xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường gắn liền với các hoạt động ngoại giao của Chính phủ và của Bộ NN&PTNT.
Mặc dù đạt kết quả trên song các chuyên gia về kinh tế nông nghiệp đã thẳng thắn chỉ ra nhiều hạn chế, tồn tại, khó khăn, thách thức, đó là việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, liên kết sản xuất với tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn ở một số địa phương còn chậm, sản lượng và quy mô còn hạn chế. Những khó khăn khi nguyên liệu vật tư đầu vào phụ thuộc vào nhập khẩu, trong đó giá thức ăn chăn nuôi, phân bón... tăng cao.
Tái cơ cấu giữ vững thị trường xuất khẩu
Đánh giá về những thời cơ và thách thức đối với ngành nông nghiệp trong thời gian tới, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, ngành nông nghiệp Việt Nam cũng phải lường trước một số thách thức. Trong đó, yếu tố đặc biệt lưu ý là tình trạng lạm phát hiện diễn ra tại nhiều quốc gia, cũng như xung đột Nga - Ukraine chưa có dấu hiệu lắng xuống. Do tình hình địa chính trị bất ổn, người tiêu dùng có xu hướng tiết chế cơ cấu bữa ăn, khiến thị phần có nguy cơ thu hẹp và xuất hiện hàng tồn kho.
Đối với ngành chăn nuôi, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi nhập khẩu những tháng cuối năm rất khó giảm trong thời gian tới. Giá thịt lợn trong tháng 9 tăng lên 65.000 đến 70.000 đồng/kg, nhưng sau đó giảm nhẹ. Điều này cho thấy, việc tái đàn không đồng đều như thời gian trước. Đây là những điều cần lưu ý trong tái đàn những tháng cuối năm.
Theo thống kê 9 tháng đầu năm, gạo vẫn là nhóm hàng nông sản xuất khẩu chủ lực của nước ta, nhưng trị giá bình quân giảm đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái. Trong tháng 9 cả nước xuất khẩu 583.203 tấn gạo, tổng kim ngạch đạt 275,31 triệu USD, trị giá bình quân 472 USD/tấn, giảm gần 19% cả về lượng và kim ngạch và giảm nhẹ 0,2% về trị giá bình quân so với tháng 8/2022; so với cùng kỳ 2021 cũng giảm 1,6% về lượng, giảm 6% kim ngạch và giảm 4,4% về trị giá bình quân.
Trước thách thức trên, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, để mục tiêu xuất khẩu đạt trên 50 đến 55 tỷ USD sẽ triển khai đồng loạt các giải pháp về thị trường để bảo đảm mục tiêu đề ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp nhập khẩu nông, lâm, thủy sản cần lường trước khó khăn do chi phí đẩy và tỷ giá hối đoái tăng để tận dụng triệt để nguồn nguyên liệu, tháo gỡ khó khăn tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm thông qua tiếp tục khai thác dư địa và chuyển đổi loại hình sản phẩm để phù hợp nhu cầu thị trường. Về phía Bộ NN&PTNT, cam kết tiếp tục cải cách hành chính, chuyển đổi số mạnh mẽ, tạo sức hút đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Dù mức tăng trưởng và kim ngạch xuất khẩu thủy sản 3 tháng gần đây có xu hướng giảm dần nhưng Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) dự báo đến hết tháng 11/2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã có thể hoàn thành mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD như kỳ vọng của toàn ngành và mục tiêu mà Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề ra từ đầu năm. Tháng cuối cùng của năm 2022 sẽ là thời điểm các doanh nghiệp hướng tới mục tiêu tăng trưởng vượt kế hoạch. Sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành thủy sản cho thấy kết quả từ việc xây dựng và phát triển chuỗi giá trị thủy sản và tái cơ cấu thành công theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.