Ngân hàng nới biên độ điều chỉnh tỷ giá
Động thái điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay từ 3% lên 5% có hiệu lực từ ngày 17/10 được giới chuyên gia đánh giá rất cao, là giải pháp hợp lý để hóa giải các khó khăn về cung cầu lãi suất, nhất là giảm được hoạt động đầu cơ USD.
Chủ động khi giá USD tăng
Sáng 17/10 Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5%; có hiệu lực cùng ngày. NHNN cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ), tăng nhanh lãi suất điều hành để ứng phó với chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Trước tình hình đó, NHNN đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.
Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của FED và các ngân hàng trung ương trên thế giới, ngày 17/10/2022, NHNN ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép.
Trong khi đó tỷ giá trung tâm sáng 17/10 được NHNN niêm yết ở mức 24.586 đồng/USD, tăng 45 đồng so với giá đóng cửa tuần trước. Với biên độ 5% mới áp dụng, tỷ giá trần sẽ là 25.815,3 đồng/USD và tỷ giá sàn là 23.356,7 đồng/USD.
Việc điều chỉnh cũng trong giai đoạn tỷ giá tăng mạnh. Từ đầu năm đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng khoảng 5%. Còn tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá VND/USD đều niêm yết vượt 24.000 đồng. Tại Vietcombank đang niêm yết giá ngoại tệ ở mức 23.920-24.230 đồng/USD (mua - bán). Còn giá đồng bạc xanh trên thị trường “chợ đen” được giao dịch ở mức 24.250-24.330 đồng/USD (mua - bán).
Hợp lý cho nhiều bên
Trao đổi với PV Báo Đại Đoàn Kết, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng việc điều chỉnh biên độ giao ngay của NHNN là rất tốt. Ông Thịnh nói, trong thời gian vừa qua lạm phát tăng cao, các quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh lãi suất rất nhiều, tính ra có 209 lượt điều chỉnh lãi suất từ các ngân hàng trung ương các nước. Đặc biệt tại Mỹ đã có 3 lần điều chỉnh lãi suất đồng USD. So với các đồng bạc của Thái Lan, đồng bảng Anh, đồng euro… đồng USD đã tăng giá rất cao. Trong điều kiện như vậy gây áp lực lớn nên tiền Việt Nam. Để ổn định tỷ giá hối đoái như thời gian vừa qua thì Chính phủ và NHNN đã phải nỗ lực rất nhiều để ổn định kinh tế vĩ mô.
Tuy nhiên, hiện nay áp lực việc USD tăng giá là quá lớn dù chúng ta mong muốn ổn định tỷ giá thì cũng phải điều chỉnh. Thời gian vừa qua chúng ta thấy NHNN phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp. Giờ chúng ta điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen giảm. Các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao, cũng có thể mua được USD giá thấp. Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi. Các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế. Khi NHNN điều chỉnh biên độ giao dịch, NHNN sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa, để ổn định kinh tế vĩ mô.
Vẫn theo ông Thịnh, các khó khăn của doanh nghiệp (DN) đã lường được trước. Song khi điều chỉnh rồi, các biến động của tỷ giá cũng sẽ dần hạ nhiệt. Như vậy DN sẽ có môi trường kinh doanh ổn định.
Là DN sản xuất thức ăn chăn nuôi, Công ty cổ phần Công nghệ Hà Lan (Vĩnh Phúc) thường phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Ông Vũ Văn Hòa - Tổng giám đốc công ty cho hay, giá nguyên liệu trên thế giới và tỷ giá tăng khiến công ty chịu tác động kép, chi phí sản xuất ngày càng đắt đỏ, trong khi giá sản phẩm không thể tăng tương ứng.
Với DN xuất khẩu nhưng vẫn nhập khẩu nguyên phụ liệu để sản xuất, tỷ giá tăng cũng gây nhiều áp lực. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch Hội Dệt may thêu đan TPHCM cho hay, tỷ giá tăng, nhưng các DN xuất khẩu không thể vui, bởi giá nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh khiến phần lãi chênh lệch từ tỷ giá hầu như không đáng kể. Chưa kể, lạm phát tăng nhanh khiến người dân các quốc gia nhập khẩu thắt chặt chi tiêu, đơn hàng ngày càng ít, các nhà nhập khẩu liên tục “ép” giá.
“Đây là tình trạng chung với DN nhiều ngành hàng xuất khẩu có sử dụng nguyên liệu nhập khẩu. Kể cả với nhiều DN không sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu, tỷ giá tăng cũng khiến chi phí sản xuất đội lên đáng kể, đặc biệt là chi phí logistics, chi phí lãi vay (với các DN vay nợ nước ngoài)” – ông Hồng cho biết.