Tìm chất liệu múa nơi đại ngàn
Bao nhiêu gương mặt đầy háo hức với tâm thế sẵn sàng, chúng tôi hiểu được rằng, qua những chuyến đi thực tế, cái được không phải chỉ là chất liệu múa sưu tầm được, mà còn là cơ hội để các biên đạo, giảng viên hiểu được nguồn gốc của động tác múa, tinh thần, khí chất ở chính nơi chúng sinh ra, tồn tại và phát triển.
Điều tuyệt vời đọng lại
Xe bắt đầu lăn bánh, bỏ lại sau lưng chốn đô thị xô bồ để đưa chúng tôi tới với mảnh đất xinh đẹp Lào Cai. Nhờ kế hoạch chuẩn bị chu đáo của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam, trong một tuần công tác, đoàn chúng tôi có cơ hội được tìm hiểu nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào các dân tộc Nùng Dín, La Chí, Mông đen và Dao đỏ… của mảnh đất Lào Cai.
Đến với huyện Mường Khương, nếu như người Nùng Dín ở xã Nấm Lư gây thích thú cho cả đoàn bằng những bài hát giao duyên mang đậm chất địa phương và trang phục màu tràm với điểm nhấn là vô số chi tiết bằng bạc được trạm trổ tinh xảo, mang nhiều ý nghĩa biểu tượng. Thì người Nùng Dín tại xã Tung Chung Phố lại gây thiện cảm bằng điệu múa thiêng mang tên “múa ngựa giấy”. Qua sự khéo léo điều khiển của các nghệ nhân ưu tú Lù Phìn Hòa và nghệ nhân Nghè Thái Chin, những chú ngựa giấy thể hiện nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, bước chân uyển chuyển, động tác tay dứt khoát, phối hợp với nhau nhịp nhàng, lúc chậm rãi, khoan thai, lúc lại tươi vui, có khi thể hiện sự dữ dằn, khiêu chiến… khiến những chiếc chuông ngựa rung lên tạo thành âm thanh rộn ràng như tiếng vó ngựa phi.
Xuôi về huyện Bắc Hà, đoàn có dịp ghé thăm các nghệ nhân người dân tộc La Chí tại xã Nậm Khánh. Với nét trầm mặc, trong trang phục màu đen giản dị, các nghệ nhân say sưa kể về nét đẹp văn hóa truyền thống trường tồn của dân tộc mình, mặc cho sự giao thoa về văn hóa đang biến động không ngừng ngoài kia. Điều thú vị khi đến với mảnh đất Bắc Hà là cả đoàn được giao lưu cùng các nghệ nhân múa khèn và múa sênh tiền tại xã Bản Phố, nghe họ chia sẻ về cách họ giữ gìn điệu múa của dân tộc mình.
Theo nghệ nhân Lý Seo Hồ, cả hai điệu múa đều ẩn chứa những thế võ cổ truyền của người Mông với những động tác xoay người, vung tay, đá chân rất nhanh và linh hoạt. Động tác múa khèn rất đa dạng, phong phú, có múa nhảy đưa chân, quay đổi chỗ, quay tại chỗ, vờn khèn, lăn nghiêng, lăn ngửa... Khi múa sênh tiền, các nghệ nhân cầm cây tiền vừa múa, vừa di chuyển với các động tác khéo léo để cây gậy chạm nhẹ vào cơ thể như tay, chân, vai, khiến cho các đồng xu trên cây gậy va vào nhau tạo ra âm thanh vui nhộn, thú vị. Còn anh Phạm Mạnh Toàn, cán bộ văn hóa xã Bản Phố chia sẻ, hầu hết các thôn, bản ở đây đều có câu lạc bộ múa gậy sênh tiền và quyền khèn. Mặc dù kinh phí ít ỏi nhưng hiện chúng tôi đang cố gắng đưa múa sênh tiền vào trong các trường học để lưu giữ lại cho các thế hệ sau.
Có thể nói, qua cái cách mà các nghệ nhân say sưa biểu diễn và nói về lời ca, điệu múa của dân tộc đã cho thấy nét văn hóa này tồn tại bao đời ở miền sơn cước là món ăn tinh thần phục vụ đời sống của bà con nơi đây. Họ vừa là chủ thể sáng tạo nghệ thuật, vừa thưởng thức nghê thuật, rồi cũng chính từng cá thể đó lại đóng góp tích cực vào việc lưu giữ tinh hoa của dân tộc mình.
Đôi điều suy ngẫm
Lào Cai đẹp ở nét đặc sắc trong văn hóa, ở những chứng tích lịch sử và cảnh vật mà tạo hóa ban cho nơi này. Xã hội ngày càng phát triển, Lào Cai cũng đang “thay da đổi thịt” từng ngày với nhiều địa điểm thu hút khách du lịch. Tuy nhiên, cũng chính quá trình đô thị hóa diễn ra quá nhanh khiến thị trấn nhỏ bé như Sapa hay bản Cát Cát phải “oằn mình” gánh đỡ. Những hàng quán mọc lên như nấm đã phá vỡ cảnh quan và không gian mang bản sắc rất riêng của vùng đất này. Những cửa hàng cho thuê trang phục san sát nhau với đủ các loại y phục của nước ngoài... rất ít thấy trang phục của đồng bào địa phương như Mông đen, Dao đỏ, Tày, Dáy…
Dẫu vậy, nhờ sự chuẩn bị chu đáo của lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam nên chuyến công tác đã diễn ra khá thuận lợi và thành công. Tuy nhiên do thời gian hạn chế nên tiếc là đoàn chưa thực hiện được 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) để có điều kiện đi sâu tìm hiểu văn hóa và những chất liệu múa của các đồng bào dân tộc. Qua chuyến đi chúng tôi nhận thấy, những nghệ nhân đa phần đều đã có tuổi, bởi vậy rất nhiều điệu dân ca, dân vũ chỉ còn tồn tại trong trí nhớ, hoặc mai một hẳn. Không những vậy, quá trình giao thoa và chuyển tiếp văn hóa đang nảy sinh hiện tượng đánh mất bản sắc dân tộc. Vì thế, việc nhanh chóng xây dựng dự án mang tính chiến lược cho công tác tìm kiếm, sưu tầm và xây dựng bộ tài liệu chuẩn cho múa dân tộc trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kết thúc đợt thâm nhập thực tế, lãnh đạo Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đã tổ chức buổi tổng kết để cùng nhau nhìn nhận những thành quả và những thiếu sót cần khắc phục ở những đợt công tác tiếp theo. Chuyến đi tuy không dài, nhưng là cả một sự tính toán, nỗ lực rất lớn của lãnh đạo Hội Múa bởi kinh phí còn nhiều eo hẹp. Đó là tâm huyết của cả một tập thể cho nền nghệ thuật múa nước nhà. Khi mà thời đại công nghệ 4.0 phát triển, ta thấy không ít biên đạo múa dễ dàng tìm kiếm chất liệu múa ngay trên mạng xã hội. Nhưng điều này dễ dẫn tới hệ lụy khi các nghệ sĩ không hiểu sâu về phong tục tập quán, tín ngưỡng, về lịch sử và nét đẹp văn hóa dân tộc mà họ đang đưa vào tác phẩm, sẽ xảy ra hiện tượng “chắp vá” một cách tùy tiện. Việc bằng lòng với những bề nổi của hiện thực như vậy sẽ khó lòng có được những tác phẩm có chiều sâu.
Chúng ta cần hiểu rằng, tính dân tộc của một tác phẩm múa không phải chỉ là hình thức dân tộc mà cốt lõi là nội dung dân tộc. Việc đi thực tế sưu tầm chất liệu, thực hiện “3 cùng” với bà con dân bản không phải là “con đường độc đạo”, nhưng là con đường có nền móng vững chắc để các nghệ sĩ, biên đạo múa lựa chọn trên hành trình làm nghề chân chính.