Rút ngắn khoảng cách về bất bình đẳng giới
Hướng tới một xã hội bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái được đối xử công bằng và được trao quyền, cơ hội phát triển như nam giới cần từng bước khắc phục tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; xây dựng và ban hành các hệ thống an sinh xã hội, đề án phúc lợi kinh tế có chú trọng đến đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Đó là chia sẻ ThS Phạm Thị Hồng (Hội Bảo vệ Quyền trẻ em Việt Nam) tại chương trình giao lưu trực tuyến “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái góp phần giảm thiểu tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh” mới đây. Bà Hồng chia sẻ, trong quá trình làm việc và tư vấn bà đã từng chứng kiến vì tư tưởng trọng nam khinh nữ, khát khao có con trai mà ở nhiều gia đình một bề gái, có những đứa con phải “biến mình” thành “con trai của bố mẹ”. Đứa trẻ lớn lên hút thuốc, xăm hình cho giống con trai.
Trong một công trình nghiên cứu do Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội thực hiện cho thấy, hơn 60% nam giới tham gia phỏng vấn đều nói rằng, có con trai là điều rất quan trọng với một người đàn ông. Người đàn ông đích thực là người phải có con trai. Kết quả này giải thích vì sao nhiều gia đình phải tìm mọi cách để sinh con trai cho bằng được.
Đánh giá việc triển khai chính sách thu hẹp khoảng cách giới hiện nay, TS Nguyễn Thị Tuyết Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền) cho biết, thời gian qua Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện khoảng cách giới. Và trên thực tế, khoảng cách giới cũng đã được thu hẹp trên một số khía cạnh. Tuy nhiên quá trình thu hẹp khoảng cách giới diễn ra vẫn chậm. Trong lĩnh vực lao động, các nghiên cứu gần đây cho thấy tỷ lệ lao động nữ bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 cao hơn nam giới, thu nhập bị giảm hơn, trong khi gánh nặng vừa chăm sóc gia đình vừa phải bảo đảm kinh tế. Tỷ lệ bạo lực gia đình cũng gia tăng trong khoảng thời gian dịch Covid-19 diễn ra; số giờ mà chị em phải lao động làm việc nhà cũng cao hơn nam giới…
Đáng chú ý, theo các chuyên gia, hiện nay hội chứng “sợ kết hôn” đang gia tăng ở Việt Nam. Nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân không hẳn vì muốn phát triển sự nghiệp, mà sâu xa họ nhìn thấy áp lực sinh ra từ việc bất bình đẳng giới.
Theo TS Phạm Vũ Hoàng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số, Bộ Y tế, mặc dù người phụ nữ có những đóng góp to lớn về nhiều mặt nhưng do tình trạng “trọng nam khinh nữ” vẫn còn nặng nề nên phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều thiệt thòi.
Ở góc độ cơ quan quản lý, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng cho rằng, khoảng cách giới trong các lĩnh vực vẫn tồn tại. Do đó, để thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới, phát huy vai trò, khả năng, sức sáng tạo của mỗi cá nhân, cần sự chung tay, vào cuộc của Chính phủ, các cơ quan, tổ chức, đối tác quốc tế, trong nước và đặc biệt là sự nỗ lực vươn lên của phụ nữ nói chung mà lực lượng nòng cốt chính là thế hệ trẻ như các em học sinh, sinh viên.