Thu phí vào nội đô: Liệu có nóng vội?
Tư vấn lập Đề án “thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông” vừa đề xuất Hà Nội đẩy nhanh tiến độ, dự kiến thực hiện từ năm 2024. Tuy nhiên, ngay sau khi đề xuất nhiều người dân cho rằng đề án thu phí ô tô vào nội đô là chưa hợp lý, nếu "nóng vội" thực hiện, dễ gây tác dụng ngược.
Vấp nhiều ý kiến trái chiều
Đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào” (Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô) vừa được đơn vị tư vấn là đại diện Trường Đại học Giao thông - vận tải bổ sung, hoàn thiện báo cáo Sở GTVT Hà Nội lần thứ 3.
Theo Đề án đơn vị tư vấn trình lần đầu, từ nay đến năm 2025, Hà Nội sẽ lập gần 100 trạm thu phí tại các tuyến đường hướng tâm, cửa ngõ để thu phí ô tô vào nội đô. Mức thu phí được xác định tối thiểu 50.000 đồng và tối đa 100.000 đồng/lượt xe ô tô.
Thời gian áp dụng thu phí xe vào nội đô là 5h - 21h. Tổng mức đầu tư cho việc lập hệ thống trạm thu phí vào nội đô dự tính khoảng 2.600 tỷ đồng.
Ngay sau khi biết đề xuất, anh Nguyễn Hữu Huy trú tại Yên Nghĩa, Hà Đông cho biết: “Mỗi ngày tôi đều phải sử dụng ô tô để di chuyển đến quận Long Biên làm việc. Hiện mức lương của tôi chỉ được khoảng 10 triệu đồng một tháng trong khi gánh nặng kinh tế gia đình khá nhiều. Chỉ tính riêng số tiền tối thiểu cho mỗi lần đi vào nội đô mỗi tháng tôi đã mất hơn 1 triệu đồng. Cộng thêm với tiền gửi xe, tiền xăng mỗi tháng, chi phí mỗi tháng phải chi khá cao so với thu nhập”.
Theo anh Huy, nếu thu phí anh sẽ chuyển sang sử dụng xe máy để đi làm dù sẽ vất vả và khó khăn hơn nhưng mỗi tháng anh cũng sẽ đỡ được một khoản chi phí để lo cho gia đình.
Anh Nguyễn Văn Thành trú tại Chương Mỹ, Hà Nội phân tích, Đề án thu phí xe ô tô vào nội đô có thể khiến cho những người đang ở ngoại thành phải “gánh” thêm phí. Bởi vậy, Hà Nội cần phải nghiên cứu làm đồng bộ chứ không phải chỉ “chặn đường” để thu thêm phí vào nội đô. Việc thu phí vào nội đô cần phải có sự nghiên cứu đầy đủ, kỹ lưỡng.
“Với những người có kinh phí eo hẹp hầu như đều chủ trương mua nhà ở các huyện ngoại thành, thậm chí một số người còn lựa chọn mua nhà tại các tỉnh lân cận để sinh sống. Bên cạnh đó, việc thu phí vào nội đô có khả năng sẽ đi ngược với các chủ trương giãn dân mà Hà Nội đang thực hiện vì không thể ngoại trừ việc thu phí người dân sẽ quay trở lại mua nhà ở trong thành phố” - anh Thành cho hay.
Lộ trình thực hiện chia thành 3 giai đoạn
Tư vấn lập Đề án đã đề xuất chia làm 3 giai đoạn triển khai. Việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài Vành đai 3.
Các vị trí thu phí theo điểm bố trí gồm: Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự, QL1A trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương, Trần phía Bắc. Tổng cộng giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí.
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ Vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Bà Trần Thị Phương Thảo, Phó Giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng cho biết, theo kết quả điều tra xã hội học cho thấy mức phí chấp nhận được của người dân là 22,3 ngàn đồng. Nếu thu phí ở mức này, sẽ có khoảng 55% người sử dụng phương tiện sẽ chấp nhận trả phí để đi lại nhanh chóng bằng các phương tiện xe ôtô 4 chỗ, số còn lại sẽ chuyển sang các phương tiện khác được miễn hoặc giảm phí. Vì vậy, mức phí tối thiểu phải lớn hơn mức sẵn sàng chi trả của người dân thì mới có tác dụng điều tiết hành vi giao thông.
Được biết số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.
Đáng chú ý, đại diện đơn vị tư vấn đề án cho biết, qua nghiên cứu, đánh giá, khi thực hiện thu phí sẽ giảm khoảng 20% lưu lượng giao thông đi vào khu vực thu phí, từ đó giảm ùn tắc giao thông.
Nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, nếu đề xuất thực hiện từ nay cho tới 2024 sẽ rất khó thực hiện được vì mạng lưới giao thông công cộng tại Hà Nội hiện vẫn chưa phát huy được hết thế mạnh khiến người dân chưa mặn mà khi sử dụng. Đặc biệt, hiện nay Hà Nội mới chỉ có 1 tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động.
Hà Nội hiện có 7.671.551 phương tiện (trong đó: 1.034.510 ô tô, 6.458.009 mô tô, 179.032 xe máy điện). Ngoài ra còn các phương tiện mang biển ngoại giao, biển quốc tế, biển số xe của các cơ quan Trung ương do Bộ Công an quản lý, xe quân đội, xe tỉnh ngoài, xe đạp,... hoạt động trên địa bàn thành phố.