Trái cây tăng giá, nhà vườn vui mừng
Sau hơn 2 năm lao đao vì dịch Covid-19, khoảng hơn 1 tháng trở lại đây, nhiều nhà vườn ở khu vực miền Tây Nam bộ vui mừng khi nhiều loại nông sản tăng giá, dễ bán hơn. Từ những loại trái cây thông thường như cam ổi xoài cho tới những cây công nghiệp ảnh hưởng tới hàng ngàn hộ dân là mít Thái, sầu riêng hay thanh long đều có giá cao.
Anh Nguyễn Thành Huy, 44 tuổi, chủ một vườn mít Thái hơn 400 trăm gốc ở xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang cho biết giá mít tăng dần từ 3 tháng trở lại đây nhưng từ cuối tháng 9, đầu tháng 10 thì giá cao hơn.
“Hiện giá mít loại 1 được thương lái mua ở vựa là 25 nghìn đồng/kg, cao nhất trong khoảng 3 năm nay. So với khoảng 3 tháng trước, giá cũng tăng khoảng 10 nghìn đồng/kg. Với mức giá như hiện nay, mỗi cây mít Thái 3 năm tuổi có thể mang lại từ 4-5 triệu đồng/vụ. Như vườn nhà tôi tháng vừa qua hái 2 đợt, thu về hơn 400 triệu đồng. Đây là số tiền không lớn vì mình đã chi nhiều cho giống, phân bón, công chăm sóc nhưng rất quan trọng sau thời gian dịch bệnh khó khăn. Nếu giá mít giữ như vậy tới cuối năm, vườn nhà tôi có thể thu về khoảng ba trăm triệu đồng”- anh Huy chia sẻ.
Theo thống kê, tỉnh Tiền Giang là địa phương có diện tích mít Thái lớn nhất cả nước với khoảng 13.000 ha với sản lượng gần 200 nghìn tấn mỗi năm.
Cũng mang đến niềm vui cho nông dân, nhà vườn ở Tiền Giang là cây sầu riêng, dù thời điểm này chưa phải chính vụ. Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tỉnh Tiền Giang cho biết khoảng một tháng qua, giá sầu riêng ở địa phương tăng khoảng 30%, lên 75 ngàn đồng/kg. Toàn tỉnh Tiền Giang hiện có 17.000 ha trồng sầu riêng với sản lượng 20 tấn/ha. Hiện có khoảng 100 ha đã được cấp mã số và đủ tiêu chuẩn xuất sang Trung Quốc.
Theo ông Mẫn, nguyên nhân giá sầu riêng cũng như một số trái cây khác tăng là do nhu cầu xuất khẩu tăng và Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch giữa Việt Nam và Trung Quốc đã được thông qua. Việc tăng giá nông sản không chỉ mang đến niềm vui cho nông dân, nhà vườn, vựa thu mua mà còn là cả ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ lâu, Tiền Giang được coi là “vương quốc” trái cây của vùng đồng bằng sông Cửu Long với nhiều loại đặc sản nổi tiếng và diện tích trồng lớn.
Tương tự mít Thái, sầu riêng là thanh long, khi giá của loại trái cây này cũng tăng mạnh so với thời gian trước. Khoảng 1năm trước, từng có thời gian giá thanh long ở khu vực Châu Thành (Long An) và Chợ Gạo (Tiền Giang) ở mức 3 nghìn đồng/kg, khiến nhà vườn, nông dân và cả thương lái lao đao. Chính quyền địa phương dù đôn đáo “giải cứu” nhưng chỉ như “muối bỏ bể” bởi sản lượng thanh long ở khu vực miền Tây Nam bộ (chủ yếu là 2 địa phương trên) lên đến hàng trăm nghìn tấn.
Tuy nhiên, khoảng vài tháng trở lại đây, giá của loại trái cây này tăng nhanh, kéo theo niềm vui của nhiều hộ nông dân. Hiện nay, giá thanh long được các chủ vựa ở thị trấn Tầm Vu (huyện Châu Thành, tỉnh Long An) mua với giá 15-17 ngàn đồng/kg, riêng thanh long ruột đỏ lên mức 20 nghìn đồng/kg.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh - Chủ tịch Hiệp hội thanh long tỉnh Long An cho biết toàn tỉnh có hơn 10.000ha thanh long, chủ yếu là loại ruột đỏ với sản lượng khoảng 300 nghìn tấn mỗi năm. Hầu hết thanh long xuất khẩu ở Long An đều tới thị trường Trung Quốc nhưng hiện nay nông dân đang tìm cách thay đổi cách sản xuất, nâng cao chất lượng trái cây để đáp ứng các thị trường khác khó tính, yêu cầu cao hơn. Việc trái cây thanh long tăng giá thời gian qua là tín hiệu tích cực sau một thời gian dài bị ảnh hưởng vì dịch bệnh khó khăn.
Ông Huỳnh Quang Đức, Phó giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bến Tre cho biết khoảng một tháng rưỡi trở lại đây, giá dừa nguyên liệu (xuất khẩu) ở địa phương cũng tăng mạnh, từ 30.000 đồng một chục (12 trái) lên 55.000 đồng một chục. Giá dừa tăng dần dần và có thể tăng tiếp thời điểm cuối năm là tín hiệu tích cực khi vụ thu hoạch rộ của nông dân đã tới.