Làm thế nào để tiền học thêm không gấp đôi học phí?
Nhiều ý kiến cho rằng, lương giáo viên không đủ sống là một trong số nguyên nhân dẫn tới tình trạng dạy thêm tràn lan. Tuy nhiên, trước đề xuất về việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện, liệu đây có phải là giải pháp khả thi?
Lỗi do chương trình?
Để chấn chỉnh việc dạy thêm, học thêm, những năm qua, ngành giáo dục từ cấp bộ, cấp sở đến trường học đã có nhiều công văn hướng dẫn về việc cấm dạy thêm, học thêm nhưng tình trạng này vẫn không thể chấm dứt.
Theo một nghiên cứu mới đây của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam và UNESCO đã công bố cho thấy, chi phí học thêm là khoản lớn nhất đối với gia đình học sinh phổ thông hiện nay.
Như Đại Đoàn Kết Online phản ánh ở bài viết “Tiền học thêm gấp đôi học phí: Lỗi do chương trình hay lương thấp?”, thông tin về Trường THPT Đông Sơn 1 (Thanh Hóa) mới đây thông báo thu các khoản đầu năm với tổng cộng hơn 10 triệu đồng mỗi học sinh, trong đó mức thu tiền học thêm là 4.662.000 đồng/em/năm khiến không ít người ngỡ ngàng.
Với mức thu này thì số tiền học thêm cao gần gấp đôi học phí. Đối với các gia đình, nhất là các gia đình có điều kiện kinh tế không dư dả thì với mức thu mà nhà trường áp đặt quả là gánh nặng lớn. Thông tin này lại một lần nữa khiến câu chuyện về dạy thêm học thêm được làm nóng ngay đầu năm học mới.
Dù chi phí học thêm là rất lớn nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng cho con học thêm phần vì muốn con theo kịp bài trên lớp, phần vì đa số học sinh ở lớp đều học thêm nên phụ huynh muốn con tham gia để con thuận lợi trong việc học ở trên lớp.
GS.TS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cho rằng, đa số phụ huynh đều có tâm lý không cho con đi học thêm thì không cảm thấy yên tâm. Với những người có điều kiện kinh tế, việc cho con đi học thêm không phải quá đáng ngại về mặt chi phí, thế nhưng với những gia đình không có đủ điều kiện, việc học thêm sẽ tạo ra một áp lực kinh tế khá lớn cho phụ huynh.
Về nguyên tắc, chương trình giáo dục phổ thông đã được thiết kế đảm bảo nội dung, phân phối chương trình, thời gian học đảm bảo học sinh học xong sẽ đạt được yêu cầu cần thiết. Việc học thêm, dạy thêm xảy ra trong 2 trường hợp khi phụ huynh mong muốn con em mình có học lực giỏi hơn yêu cầu đầu ra của chương trình, hoặc do các nhà trường giảng dạy chưa theo đúng chương trình, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu khiến học sinh buộc phải học thêm mới đạt chuẩn về mặt kiến thức, kỹ năng.
Nếu học sinh học trong chương trình chính khóa rồi vẫn không đạt thì cần tìm nguyên nhân để khắc phục. Thực chất không cần dạy thêm một cách đại trà, ồ ạt như hiện nay mà chỉ cần dạy kèm thêm, phụ đạo cho những học sinh có năng lực thấp hơn.
“Tôi khuyến khích việc dạy thêm, phụ đạo cho những học sinh yếu kém để các em bắt kịp với các bạn trong lớp, điều này đã có tiền lệ từ lâu, nhưng hiện nay dạy thêm mang tính đại trà, nơi nào cũng dạy thêm học thêm, phải chăng chương trình chính khóa không đảm bảo yêu cầu, nên các em mới phải học thêm?”, GS Đinh Quang Báo đặt câu hỏi.
Có nên đưa dạy thêm thành nghề kinh doanh có điều kiện?
Theo Bộ GDĐT, dạy thêm, học thêm là nhu cầu thực tế và chính đáng của giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tuy nhiên, việc giáo viên ép buộc, lôi kéo học sinh học thêm dưới bất kỳ hình thức nào là vi phạm nguyên tắc dạy thêm, học thêm.
Để chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, một số cử tri, chuyên gia, Bộ GDDT đã đề xuất đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Có ý kiến cho rằng, việc làm này không chỉ giúp cho công tác quản lý mà còn tạo ra việc làm cho những cử nhân sư phạm, nhà giáo đã về hưu và giúp bồi dưỡng kiến thức cho học sinh có học lực còn yếu.
Tuy nhiên, về vấn đề này, PGS. TS Phạm Tất Dong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng, giáo dục không phải là món hàng kinh doanh. Nếu đưa dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ xảy ra nhiều hệ lụy, tai hại và nảy sinh nhiều tiêu cực.
Theo GS.TS Phạm Tất Dong, nếu học sinh học thêm những kỹ năng, kiến thức khác nội dung đã được học trên lớp như học bơi, ngoại ngữ, kỹ năng mềm… là điều tốt. Nhưng nếu học sinh phải đi học thêm để học lại những gì đã được dạy trên lớp, thì đây là “lỗi của nhà trường”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng tới phát triển năng lực học sinh, tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Vậy tại sao phụ huynh phải cho con đi học thêm, tại sao nhà trường không thể giúp học sinh phát triển tốt hơn?
Bản chất việc dạy thêm, học thêm là phi lợi nhuận, là đầu tư cho tương lai chứ không phải nặng về mục đích kinh doanh. Vấn đề cốt lõi ở đây là mức thu nhập của giáo viên chưa tương xứng, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu cuộc sống nên họ buộc phải mở lớp dạy thêm, kiếm thêm thu nhập và tích lũy cho tương lai.
Để giải quyết tình trạng dạy thêm học thêm, GS.TS Phạm Tất Dong cho rằng, Nhà nước cần xem xét, cân đối lại mức lương cho giáo viên. Nếu lương trả cao hơn so với thu nhập làm thêm bên ngoài thì chắc chắn giáo viên sẽ dạy tử tế, tâm huyết với nghề và không phải tính toán kiếm thêm thu nhập từ việc dạy thêm.