Quảng Ninh: Hàng chục điểm trường bỏ hoang sau sắp xếp gây lãng phí
Theo thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn 3 huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh có 77 điểm trường bỏ hoang sau quá trình dồn ghép các điểm trường.
Những năm qua, thực hiện Đề án 25 và Nghị quyết số 19-NQ/TU (ngày 3/3/2015) của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh về “Đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng; thực hiện tinh giản bộ máy, biên chế”, ngành Giáo dục các huyện miền Đông Quảng Ninh đã triển khai thực hiện việc dồn ghép các điểm trường lẻ nhằm tạo môi trường, điều kiện học tập tốt hơn cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Tuy nhiên, sau quá trình đó, hàng chục điểm trường bị “thừa” và đang bị bỏ không, xuống cấp, gây lãng phí. Điển hình, huyện Bình Liêu có 38 điểm trường bị “thừa” sau sắp xếp, dồn ghép. Trong đó, chỉ có 1 điểm trường đã được cải tạo làm nhà văn hóa thôn và 1 điểm trường đang chuẩn bị sửa để mở rộng thành điểm trường mầm non. 36 điểm trường còn lại vẫn đang bị bỏ hoang và chờ các ngành chức năng và tỉnh đưa phương án xử lý…
Còn đối với 22 điểm trường “thừa” ra sau quá trình dồn ghép các điểm trường ở huyện Ba Chẽ thì đến nay vẫn đang bị bỏ hoang và vẫn chưa có hướng giải quyết. Mặc dù nhiều điểm trường được các thôn, khu đề xuất xin để mở rộng khuôn viên nhà văn hoá liền kề hay làm khu vui chơi như điểm trường tiểu học thị trấn Ba Chẽ (khu 5, thị trấn Ba Chẽ), song cũng chưa được giải quyết vì vướng pháp lý. Người dân chỉ biết xót xa nhìn các điểm trường bị “hoang hóa” qua từng ngày.
Ở huyện Đầm Hà, đến nay, 17 điểm trường dôi dư sau dồn ghép cơ bản đã được thanh lý nhà, chuyển diện tích đất cho địa phương quản lý. Mặc dù vậy, vẫn còn điểm trường Hỏn Thìn (thôn Lý Khoái, xã Quảng Lâm) được đầu tư gần 3 tỷ đồng bị bỏ không hơn 1 năm nay. Bên cạnh đó, lại có trường hợp học sinh phải học “tạm” ở điểm trường Trại Giữa (thôn Trại Giữa, xã Đầm Hà) đã bị xóa bỏ cách đây 3 năm, không được đầu tư cải tạo và xuống cấp chỉ vì trường chính cơ sở vật chất chật hẹp không đáp ứng được…
Đáng nói, trong hàng chục điểm trường bị “thừa” ra sau quá trình dồn ghép các điểm trường trên địa bàn các huyện miền Đông nói riêng và toàn tỉnh nói chung, có nhiều điểm trường được xây dựng bằng các nguồn vốn ngoài ngân sách của tỉnh. Việc bỏ không các điểm trường không chỉ gây lãng phí ngân sách của tỉnh mà còn lãng phí nguồn lực xã hội hóa.
Để hạn chế tối đa việc lãng phí này, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh cần sớm có biện pháp và cơ chế để tạo điều kiện thuận lợi tái sử dụng các công trình này.