Vươn lên bằng 'sức mạnh mềm'
Những năm gần đây, các mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới đã có những tiến bộ rõ nét, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ khẳng định phẩm chất tốt đẹp, tiềm năng to lớn và vai trò quan trọng trong gia đình, xã hội. Tuy nhiên, rào cản vẫn còn, đòi hỏi những quyết tâm dỡ bỏ của toàn xã hội, mà trước hết yếu tố cần chính là phụ nữ.
Môi trường để khẳng định
Thống kê của cơ quan chức năng, hiện tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp đạt 21% (tăng 2% so với nhiệm kỳ trước); 9,5% Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII là nữ. Đặc biệt, lần đầu tiên kể từ khi đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%, tỷ lệ nữ đại biểu HĐND các cấp đều tăng so với nhiệm kỳ trước.
Hiện cả nước có đến 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hàng nghìn nhà khoa học nữ uy tín. Trong 35 năm qua, đã có 20 tập thể và 49 nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực đã được trao tặng Giải thưởng Kovalevskaia. Điều đó cho thấy sự sẵn sàng và quyết tâm của phụ nữ, cụ thể là trong lĩnh vực kinh tế.
Liên tục trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến chính sách đối với phụ nữ, như chính sách bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe, tạo cơ hội việc làm… Với những chính sách đó, Việt Nam đã tạo được môi trường để phụ nữ ngày càng khẳng định vị thế và có nhiều cơ hội đóng góp cho xã hội.
Theo GS.TS Lê Mai Hương (Viện Hóa học và các hợp chất thiên nhiên), phụ nữ ngoài việc theo đuổi đam mê và cống hiến, còn phải đảm đương thiên chức của mình trong gia đình nên càng khó khăn, vất vả. Tuy nhiên, nhận thức của xã hội về bình đẳng giới đã thay đổi, phụ nữ có nhiều cơ hội và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ gia đình, xã hội. Phụ nữ giờ đây không chỉ là một phần quan trọng trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình mà còn trở thành một lực lượng có vai trò không thể thiếu trong nền kinh tế đất nước.
Chúng ta đều có quyền bình đẳng
Bà Ngô Thị Minh - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, nữ trí thức vẫn đối mặt những rào cản, thách thức, bất bình đẳng trong tham gia và thụ hưởng những thành tựu phát triển của xã hội, vẫn gặp nhiều trở ngại, hạn chế trên con đường phấn đấu. “Đâu đó vẫn còn sự định kiến, khuôn mẫu giới; sự khắt khe đối với phụ nữ còn tồn tại trong nhận thức chung của xã hội, nhận thức về bình đẳng giới trong các cấp ủy đảng, chính quyền ở một số địa phương” - bà Minh nói.
Ở một khía cạnh khác, đại biểu Bế Thị Băng, người dân tộc Tày, sinh ra tại Hòa An (tỉnh Cao Bằng), là Hoa khôi Vẻ đẹp Vầng trăng khuyết Việt Nam 2019 lại bày tỏ mong muốn phụ nữ Việt Nam luôn sống đẹp, là những bông hoa luôn tỏa hương giữa đời thường, lan tỏa những điều tích cực cho cộng đồng và xã hội. Chị Băng cho rằng, trước hết chính phụ nữ cần suy nghĩ và hành động tích cực góp phần đẩy lùi những hành vi bạo lực, tiêu cực trong cộng đồng, xã hội.
“Mọi người hãy dùng trái tim yêu thương của mình để tôn trọng phụ nữ và dám lên án những hành động trái với lối sống và nhân phẩm, đè nén lên cuộc sống của phụ nữ và trẻ em. Vì thế, hãy đồng hành cùng họ”- chị Băng nói.
Bế Thị Băng bị mất chân phải sau một tai nạn giao thông khi mới 24 tuổi. Những tưởng tương lai đã đóng lại nhưng sau những suy nghĩ tiêu cực, chị đã tự tìm cho mình lối đi riêng, những suy nghĩ khác, sống khác, bắt đầu lại từ con số âm. Chị tâm sự, người khuyết tật hãy sống cuộc đời của chính mình, hãy coi khuyết tật là "vũ khí" đặc biệt nhất của hiện tại để vượt lên chính mình, bởi "người khuyết tật hay người không khuyết tật chúng ta đều có quyền bình đẳng, có quyền sống và làm tất cả những gì mình mong muốn.
Xưa nay, thật lạ là phụ nữ luôn được khuyên bảo, khuyến cáo hãy tập trung vào công việc nội trợ, chăm sóc gia đình. Và rất nhiều phụ nữ đã làm theo, tự mình xóa bỏ những giấc mơ cũng như làm phôi pha những khả năng tiềm ẩn trong con người mình. Đó chính là rào cản đến từ chính họ, hay còn gọi là “những rào cản tự xây”.
Một cán bộ phòng Tư vấn và Hỗ trợ phát triển (Trung tâm Phụ nữ và phát triển) kể rằng, bà hết sức ngạc nhiên khi có nạn nhân của nạn bạo lực gia đình mà bà tư vấn rụt rè hỏi rằng: “Thế em có được chống cự lại chồng em khi chồng em đánh em không chị?”. Câu hỏi ấy đã phản ánh rõ ràng một thực tế chính những người phụ nữ đang vấp phải những rào cản về tâm lý, lối nghĩ do họ và những người xung quanh tạo ra.
Trong xã hội hiện đại, bình đẳng giới được đề cao nhưng trước hết chính bản thân nữ giới phải tự tin, phải đấu tranh bằng “sức mạnh mềm” của giới để có được vị trí xứng đáng trong gia đình và ngoài xã hội. Nếu vẫn loay hoay với những cách đặt vấn đề cũ kỹ thì chính họ sẽ trói buộc họ.
Phụ nữ cần vượt qua định kiến, nhưng trước hết cần vượt qua chính bản thân mình. Đặc biệt, các bậc cha mẹ cần thức tỉnh và thay đổi lối mòn trong suy nghĩ, tránh phân biệt đối xử và tạo cơ hội cho cả bé trai lẫn bé gái phát huy hết năng lực, năng khiếu của mình. Chính điều đó sẽ tạo sức mạnh cho những bé gái tự tin, khi lớn lên chính họ sẽ xóa bỏ rào cản để vững vàng bước vào cuộc đời rộng lớn.