Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV: Kỳ vọng vào những quyết sách

Hoài Vũ 20/10/2022 07:41

Hôm nay 20/10, kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV chính thức khai mạc. Là kỳ họp cuối năm, diễn ra trong 21 ngày, dự kiến bế mạc vào ngày 15/11/2022, trọng tâm của kỳ họp tập trung vào giải pháp phát triển kinh tế-xã hội những tháng cuối năm và kế hoạch năm 2023. Đặc biệt, dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần đầu được cho ý kiến chính thức trước Quốc hội.

Kỳ họp lần này Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai sửa đổi - vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Ảnh: Quang Vinh.

Theo dự kiến chương trình về nội dung kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, sẽ họp từ ngày 20/10 đến ngày 15/11/2022. Mặc dù là kỳ cuối năm như thông lệ nhiều việc nhưng chỉ diễn ra trong 21 ngày làm việc, ít hơn các kỳ cuối năm khác gần 10 ngày, nhưng hoàn toàn đảm bảo chất lượng đặt ra. Bởi theo ông Phạm Thái Hà - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trợ lý Chủ tịch Quốc hội thì “thời gian qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo các cơ quan của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội chuẩn bị chu đáo nội dung, chương trình và các điều kiện bảo đảm tổ chức hiệu quả kỳ họp”.

Thông qua 7 dự án luật, 3 nghị quyết

Tại kỳ họp này, trong công tác lập pháp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, 3 dự thảo nghị quyết, gồm: Luật Dầu khí (sửa đổi); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi); Nghị quyết ban hành Nội quy kỳ họp Quốc hội (sửa đổi); Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.

Bên cạnh đó, tại kỳ họp này Quốc hội cũng tiến hành cho ý kiến 7 dự án luật, gồm: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi); Luật Đấu thầu (sửa đổi); Luật Giá (sửa đổi); Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi); Luật Hợp tác xã (sửa đổi); Luật Phòng thủ dân sự.

Đặc biệt trong giám sát, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn của ĐBQH. Tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”; xem xét, quyết định công tác nhân sự. Quốc hội cũng sẽ nghe UBTƯ MTTQ Việt Nam báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV. Vì là kỳ họp cuối năm nên công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2022 cũng được xem xét tại kỳ họp lần này.

Đánh giá về các nội dung sẽ được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 4, đặc biệt là tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 và Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2023-2025, cử tri Lê Đình Can (phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho rằng, hiện tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công còn hạn chế. Ông Can mong muốn Quốc hội tăng giám sát và xử lý mạnh tay với các trường hợp trì trệ; Quốc hội quan tâm để có chính sách hỗ trợ thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức khi đang có hiện tượng nhiều người bỏ việc ở khối nhà nước ra ngoài làm, nhất là trong khối y tế và giáo dục.

Trọng tâm của kỳ họp sẽ tập trung vào giải pháp phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh Quang Vinh.

Mong chờ ở Luật Đất đai (sửa đổi)

Bày tỏ vui mừng khi dự án Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến, cử tri Vũ Văn Hà (phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật cần chi tiết hơn, phân định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý, chính quyền địa phương, tránh chồng chéo, có kẽ hở trong quản lý dẫn đến thất thoát, lấn chiếm.

Theo đánh giá của đại biểu Cầm Hà Chung (đoàn Phú Thọ), kỳ họp thứ 4 Quốc hội xem xét, thảo luận và thông qua nhiều dự án luật gắn với cơ sở và người dân khi dự kiến thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); và cho ý kiến lần đầu vào Luật Đất đai (sửa đổi).

“Nhất là Luật Đất đai (sửa đổi) tôi kỳ vọng sẽ giải quyết được các vấn đề đang vướng mắc hiện nay, nhằm giải phóng nguồn lực, tạo thông thoáng để phát triển kinh tế xã hội. Tôi đã đề cập nhiều lần thẩm quyền của HĐND tỉnh trong quyết định đất đô thị, đất lúa, đất rừng. Quy hoạch kế hoạch sử dụng đất do HĐND tỉnh thông qua trình Bộ Tài nguyên và môi trường, sau đó trình Thủ tướng phê duyệt. Bây giờ để tổ chức sử dụng lại phải trình lần nữa. Như vậy là trình 2 lần. Chỉ nên trình khi sử dụng vượt quá số đã được duyệt. Do đó nên phân cấp cho tỉnh. Vì nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư mà cứ xin như thế thì họ sẽ bỏ tiền ra gửi ngân hàng, hoặc đầu tư cái khác. Lúc đó cơ hội sẽ bị trượt đi. Do đó tôi kỳ vọng rất lớn vào Luật Đất đai sửa đổi lần này nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn” - ông Chung nói.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội), nhân dân, cử tri và ĐBQH kỳ vọng rất nhiều vấn đề bức thiết như Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Giá (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi), và thông qua Luật Khám chữa bệnh (sửa đổi) bởi đây là những luật sẽ tạo điều kiện cho xã hội phát triển. Ông Trí cũng cho rằng, hiện nhiều luật đang sửa đổi, những cái ưu việt, hay, cần áp dụng ngay trong đời sống xã hội phải kịp thời có luật. “Như vừa qua vấn đề khám chữa bệnh, đấu thầu, giá cả hàng hoá, đất đai có nhiều điểm vướng. Việc xây dựng nội dung chương trình kỳ họp lần này rất hợp lý. Nếu có sự chuẩn bị tốt như thế này, tôi tin kỳ họp thứ 4 sẽ thành công tốt đẹp, đáp ứng được sự kỳ vọng của nhân dân” - ông Trí tin tưởng.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi (đoàn Hải Phòng) cho rằng, kỳ họp lần này cũng sẽ cho ý kiến lần đầu về dự án Luật Đất đai sửa đổi - vấn đề “nóng” nhất hiện nay. Ông Hồi kỳ vọng “các đại biểu sẽ tập trung thảo luận và sẽ có nhiều ý kiến, có giá trị tham khảo rất cần thiết cho một vấn đề quan trọng đối với cuộc sống người dân và đại sự đối với sự phát triển đất nước, góp phần thực hiện thành công “Khát vọng Việt Nam” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”.

Với đại biểu Nguyễn Thanh Phương (đoàn Cần Thơ), lại quan tâm đến lĩnh vực khoa học và công nghệ, trong đó có việc các hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học ra thị trường của các đơn vị nghiên cứu, viện, trường, đơn vị sự nghiệp công lập. Cơ chế chính sách khuyến khích tư nhân đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ. Chúng ta hay nói phát triển dựa trên khoa học công nghệ, nhưng nếu khoa học công nghệ chưa phát triển thì khó mà phát triển được. “Tôi xin nói rằng không có nước nào trên thế giới phát triển mạnh mà không lấy khoa học công nghệ làm nền tảng cả” - ông Phương nói.

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường:

Sẽ xin ý kiến ĐBQH để chọn 4 nội dung chất vấn

Việc lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn căn cứ vào ý kiến của ĐBQH, các Đoàn ĐBQH, thống kê hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay, và kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, cũng như báo cáo của UBTƯ MTTQ Việt Nam. Từ đó lựa chọn 6 nhóm vấn đề thuộc 6 lĩnh vực gồm: Nội vụ, Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Khoa học và công nghệ, Thanh tra, Tư pháp. Sau khi xin ý kiến Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, 6 nhóm vấn đề chất vấn sẽ được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 vấn đề. Tiếp đó, sẽ xin ý kiến ĐBQH chọn ra 4 nhóm vấn đề chất vấn. Trong quá trình xin ý kiến, nếu có vấn đề khác mới hơn có thể sẽ thay đổi.

Đại Biểu Trần Văn Lâm (đoàn Bắc Giang):

Làm rõ vì sao người tài không “mặn mà” với khu vực công?

Trong nhiều vấn đề chất vấn, tôi quan tâm đến vấn đề thuộc lĩnh vực Nội vụ. Trong đó là giải pháp để giải quyết tình trạng công chức viên chức nghỉ việc; việc đảm bảo biên chế cho ngành Giáo dục đáp ứng yêu cầu dạy và học. Đúng là xót xa khi chất xám đang chảy từ khu vực công sang khu vực tư. Khác so với trước đây khi lực lượng lao động không “đổ xô” vào khu vực Nhà nước để sống ổn định mà tìm sang các thị trường lao động khác. Điều đó chứng tỏ thị trường lao động đang được vận hành tốt hơn để thu hút lực lượng lao động là người tài có thêm “đất diễn”, các dư địa để cống hiến, phát triển. Nhưng qua chất vấn, chúng ta cũng cần làm rõ môi trường làm việc trong Nhà nước, có phải khu vực công đang ngày càng kém hấp dẫn hơn? Khu vực công đang trì trệ, còn khu vực tư hấp dẫn lên? Đây là vấn đề cần đánh giá xem có trì trệ, cản trở sự phát huy tài năng của người lao động hay không khi họ không mặn mà với khu vực công?

V.Thắng(ghi)

Hoài Vũ