Kiên Giang: Tạm giữ tàu cá vận chuyển lượng lớn dầu DO trái phép
Ngày 19/10, Đại tá Lê Văn Tú - Phó Chính ủy Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 (TP Phú Quốc, Kiên Giang) cho biết, trong lúc tuần tra trên vùng biển Tây Nam, đơn vị đã phát hiện tàu đánh bắt thủy sản chở lượng lớn dầu DO trái phép nên tiến hành tạm giữ.
Theo đó, vào lúc 23h15 ngày 17/10, trên vùng biển cách Tây Bắc quần đảo Thổ Chu, TP Phú Quốc, khoảng 16 hải lý, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 phát hiện tàu cá số hiệu TG 90108 TS có nhiều dấu hiệu nghi vấn nên ra tín hiệu dừng tàu để kiểm tra theo quy định.
Tại thời điểm kiểm tra, trên tàu có 4 thuyền viên do ông L.V.C. (SN 1967, trú đường Nguyễn Thị Định, phường Vĩnh Hiệp, TP Rạch Giá, Kiên Giang) làm thuyền trưởng; tàu không có kết nối với thiết bị giám sát hành trình (VMS). Theo lời khai của thuyền trưởng, trên tàu đang vận chuyển hơn 40.000 lít dầu DO, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.
Tổ công tác của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 đã tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính, lập hồ sơ ban đầu của vụ việc và niêm phong hàng hóa vi phạm, dẫn giải phương tiện về cảng Hải đội 422 TP Phú Quốc để tiếp tục điều tra, xử lý đúng theo quy định của pháp luật.
Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, trong năm 2022, đơn vị đã phát hiện, xử lý 25/25 vụ; xử phạt và tham mưu cho người có thẩm quyền xử vi phạm hành chính gần 2 tỷ đồng; tịch thu gần 1,8 triệu lít dầu DO, bán nộp ngân sách nhà nước trên 36 tỷ đồng.
Trung tá Lê Văn Khánh - Trưởng phòng Trinh sát Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 cho biết, hành vi vi phạm pháp luật về mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên vùng biển Tây Nam không những ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh xăng dầu hợp pháp, làm thất thu lớn nguồn ngân sách Nhà nước từ việc trốn các loại thuế, phí, mà còn trực tiếp tiếp tay cho nhiều tàu cá Việt Nam vi phạm về khai thác IUU.
Việc quyết liệt đấu tranh ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển, sang mạn trái phép dầu DO trên vùng biển Tây Nam góp phần giữ vững ổn định về an ninh năng lượng, làm tăng thu ngân sách Nhà nước, đồng thời góp phần quan trọng trong việc gỡ “thẻ vàng” IUU do Ủy ban Châu âu (EC) áp đặt đối với ngành thủy sản của Việt Nam.