Xét tuyển đại học bằng học bạ: Cần đánh giá thực chất

Lam Nhi 20/10/2022 07:50

Mùa xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng vừa qua ghi nhận quá nhiều học sinh có học bạ giỏi và xuất sắc. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi về việc chất lượng học của học sinh phổ thông tăng lên hay đây là biểu hiện của tình trạng làm đẹp học bạ?

Tân sinh viên Học viện Ngoại giao tham gia chương trình sinh hoạt công dân và học tập đầu khóa.

Kết thúc đợt 1 tuyển sinh, nhiều trường ĐH cho biết tỷ lệ thí sinh nhập học cao, đạt trên 80% và không xét tuyển bổ sung. Đơn cử, Học viện Ngoại giao có tỷ lệ xác nhận nhập học đạt gần 100% chỉ tiêu với 5 phương thức xét tuyển, trong đó phương thức xét tuyển kết hợp chứng chỉ quốc tế và kết quả học tập THPT dành 52% chỉ tiêu.

Tại Học viện Ngân hàng, tỷ lệ thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học đạt khoảng 97%. TS Trần Mạnh Hà - Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, tỷ lệ xác nhận nhập học dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT tương đương so với năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ xác nhận nhập học theo phương thức xét tuyển bằng học bạ năm nay đã tăng cao hơn năm trước.

Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, có 20 phương thức tuyển sinh cùng tồn tại, trong đó 2 phương thức chính giúp các trường tuyển nhiều chỉ tiêu nhất là xét kết quả thi tốt nghiệp THPT và xét học bạ THPT. Có khoảng 250 trường ĐH, cao đẳng dùng điểm học bạ để xét tuyển, trong đó nhiều trường tuyển đến 50% bằng phương thức này.

Điều đáng nói, nhìn vào thực tế điểm chuẩn trúng tuyển dựa vào kết quả học tập THPT vào các trường ĐH liên tiếp tăng mạnh trong những năm qua. Chẳng hạn, với Trường ĐH Cần Thơ năm nay có điểm chuẩn học bạ tăng mạnh, có ngành tăng đến 5 điểm. Đặc biệt, có đến năm ngành có điểm chuẩn từ 29 trở lên, trong đó có 3 ngành 29,25 điểm, gần “chạm trần”.

Có nhiều nguyên nhân được các trường đưa ra. TS Võ Thanh Hải - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Duy Tân lý giải, năm nay có những trường lần đầu tiên sử dụng phương thức xét học bạ dẫn đến tính huống nhiều thí sinh đăng ký phương thức này trong khi chỉ tiêu ít thì điểm trúng tuyển tăng lên. Tuy vậy, với những trường đã áp dụng phương án xét tuyển này nhiều năm, việc học bạ phải “đẹp như mơ” mới trúng tuyển khiến nhiều người băn khoăn về chất lượng đầu vào của những sinh viên này có thực sự xuất sắc ở mức gần như tuyệt đối như đánh giá bằng học bạ?

Không thể phủ nhận những lợi thế của phương thức xét tuyển bằng học bạ đem lại như giảm áp lực cho thí sinh, giảm thiểu rủi ro trong quá trình xét tuyển vào ĐH do đánh giá bằng quá trình thay vì chỉ một bài thi… song với hiện trạng đánh giá ở các trường phổ thông ở từng địa phương, thậm chí từng lớp cũng có sự chênh lệch khác nhau thì việc xét tuyển chỉ bằng kết quả học bạ THPT vẫn còn nhiều băn khoăn.

Thận trọng khi sử dụng điểm học bạ để xét tuyển, nhiều trường đồng thời đưa ra các điều kiện đi kèm để có thêm những thang đánh giá chung được quốc tế quy định như điểm bài thi SAT, chứng chỉ ngoại ngữ. Như ĐH Quốc gia Hà Nội năm nay đặt mục tiêu chỉ 10% cho phép xét tuyển bằng kết quả THPT với điều kiện phải có chứng chỉ quốc tế IELTS 5.5 và cũng phải qua một kỳ thi sát hạch phỏng vấn của Hội đồng tuyển sinh của những ngành đào tạo.

Đồng tình với cách làm này, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ ĐH, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, điểm học bạ chỉ nên là một trong những điều kiện để xét tuyển còn với tùy từng ngành đào tạo, cần thêm các yêu cầu khác để thực sự chọn lọc được những thí sinh phù hợp, có chất lượng tốt nhất. Nếu chỉ áp dụng việc xét tuyển bằng học bạ thì dễ dẫn đến tình trạng làm đẹp hồ sơ như chúng ta đã thấy những năm qua.

PGS.TS Nguyễn Kim Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM đặt câu hỏi: Thực chất là chất lượng giáo dục phổ thông có tăng lên đến mức vậy hay không? Kết quả này rất đáng đặt dấu hỏi khi trong năm học 2021 - 2022 vừa qua, gần như học kỳ I, học sinh không được đến trường vì dịch. Vậy mà học bạ của các em ở những tổ hợp xét tuyển vẫn rất “đẹp”. Từ đây, ông Hồng cũng cho rằng việc đánh giá ở bậc phổ thông phải đi vào “chất”. Không thể có tình trạng cả lớp học sinh tiểu học đều là học sinh giỏi. “Việc các trường phổ thông đều đạt tỷ lệ đến 50% học sinh đạt học lực giỏi không phải là điều đáng mừng, mà đáng lo” - ông Hồng nói.

Lam Nhi