Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội
Ngày 20/10, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV, thay mặt Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đã trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi tới Quốc hội. Đại Đoàn Kết trân trọng giới thiệu bản Báo cáo.
BÁO CÁO TÓM TẮT
Tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân
- Kính thưa đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng;
- Kính thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Kính thưa đồng chí Chủ tịch Quốc hội và Chủ tọa phiên họp;
- Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội và đồng bào, cử tri cả nước!
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam đã gửi đến các vị đại biểu Quốc hội Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân cả nước (gồm 19 trang). Dưới đây tôi xin trình bày bản Báo cáo tóm tắt như sau:
I. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN TIN TƯỞNG, PHẤN KHỞI, ĐÁNH GIÁ CAO
- Cử tri và Nhân dân đánh giá cao và tin tưởng vào những nội dung quan trọng đã Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 6 khóa XIII quyết định, đồng thời nhất trí cao với báo cáo của Chính phủ và rất vui mừng, phấn khởi khi nước ta đã kiểm soát được dịch Covid-19 . Mọi hoạt động kinh tế - xã hội trở lại gần như bình thường; dự báo 14/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội năm 2022 được hoàn thành và hoàn thành vượt mức, đời sống của Nhân dân ổn định và từng bước được nâng lên.
- Cử tri và Nhân dân trân trọng ghi nhận sự chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Đảng và Nhà nước trong công tác xây dựng pháp luật, nhất là những đạo luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ và đời sống của nhân dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật Xây dựng; Luật Nhà ở; Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Luật Thanh tra… Cử tri và Nhân dân mong đợi, kỳ vọng lớn vào Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc hiện nay.
- Cử tri và Nhân dân bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ rất cao và ngày càng tin tưởng sâu sắc hơn vào đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Hoan nghênh các cơ quan chức năng đã kịp thời điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham ô, tham nhũng trong phòng, chống dịch COVID-19, vi phạm trong quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp... ; đánh giá cao việc thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay tại địa phương, cơ sở.
- Cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi khi nền kinh tế nước ta được phục hồi nhanh, hàng hóa thông thương, sản xuất kinh doanh, dịch vụ, du lịch mở cửa trở lại, sau một thời gian dài đình trệ do dịch bệnh. Chủ trương, chính sách thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước bước đầu đã phát huy hiệu quả, kinh tế phục hồi nhanh, các chính sách hỗ trợ đời sống cho người lao động, người nghèo, người yếu thế… được quan tâm kịp thời, an sinh xã hội được bảo đảm. Kết quả phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta được các tổ chức có uy tín và bạn bè quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
- Cử tri và Nhân dân vui mừng trong bối cảnh quốc tế và khu vực có nhiều biến động phức tạp, nhưng Đảng và Nhà nước ta đã xử lý linh hoạt, khéo léo, giữ vững được sự ổn định về mọi mặt; vui mừng phấn khởi khi nước ta được bầu vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc; cử tri và Nhân dân ủng hộ các phát ngôn của Bộ Ngoại giao về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và những vấn đề quốc tế quan tâm; đánh giá cao Đảng và Nhà nước đã có các biện pháp kịp thời bảo hộ công dân Việt Nam bị ngược đãi trong các tổ chức hoạt động bất hợp pháp ở Campuchia trong thời gian gần đây.
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhận thấy, trong bối cảnh thế giới đầy biến động, thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp mà đất nước ta đạt được kết quả như báo cáo của Chính phủ là rất đáng trân trọng, tự hào, tiếp tục củng cố, tăng cường niềm tin vững chắc của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN CÒN BĂN KHOĂN, LO LẮNG
- Cử tri và Nhân dân vẫn còn lo lắng với dịch COVID-19 và gần đây xuất hiện một số bệnh mới, nguy hiểm như đậu mùa khỉ, cúm A, sốt xuất huyết, viêm đường hô hấp do vi rút Adeno… có thể dẫn tới tình trạng “dịch chồng dịch”. Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ lo ngại về các di chứng ảnh hưởng đến sức khỏe sau khi mắc COVID-19, các hệ lụy xã hội khác cần được theo dõi, đánh giá cụ thể để có giải pháp phù hợp, bảo đảm sức khỏe của Nhân dân.
- Cử tri và Nhân dân quan tâm, lo ngại tình trạng nhiều cán bộ, công chức, viên chức xin nghỉ việc, nhất là trong ngành y tế, giáo dục và tập trung ở các thành phố lớn, vùng sâu, vùng xa; lo lắng về việc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở cả tuyến trung ương và địa phương thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh; các vấn đề vướng mắc, bất cập trong cơ chế đấu thầu, mua sắm thuốc và vật tư tiêu hao; cơ chế tự chủ hoàn toàn ở một số bệnh viện trung ương chưa được tháo gỡ dứt điểm, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
- Cử tri và Nhân dân bất bình, bức xúc về một số dự án đầu tư (kể cả dự án đầu tư công và các dự án đầu tư của một số doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế) với số vốn rất lớn, triển khai trong nhiều năm nhưng đến nay vẫn chưa thể đưa vào sử dụng gây lãng phí vốn và tài nguyên đất đai .
- Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về việc lưu hành nhiều bộ sách giáo khoa, giá cả còn cao; chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ ở một số cơ sở còn thấp; chưa đồng thuận với việc tăng học phí trong bối cảnh sau đại dịch COVID-19 thu nhập của người dân còn hạn chế, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức chưa được tăng, ảnh hưởng tới đời sống nhất là của những người có thu nhập thấp.
- Cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng trước các vụ việc mất an toàn: cháy nổ, an toàn giao thông, an toàn thực phẩm; thiên tai, bão lũ, dịch bệnh và các sự cố bất thường xảy ra trong thời gian vừa qua làm chết nhiều người; các biện pháp, phương tiện, nguồn lực để thực hiện cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống tai nạn, rủi ro chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn.
- Cử tri và Nhân dân quan tâm, lo lắng về tình trạng giá xăng, dầu, nguyên vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng cao… ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
- Cử tri và Nhân dân còn băn khoăn về một số kiến nghị, đề nghị của doanh nghiệp và người dân chậm được giải quyết, có nơi, có việc còn đùn đẩy, né tránh, giải quyết không dứt điểm, nhất là những thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp và người dân trong lĩnh vực đất đai, đầu tư xây dựng, sản xuất và cung cấp điện…
III. KIẾN NGHỊ CỦA ĐOÀN CHỦ TỊCH ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM
Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự đổi mới, nâng cao chất lượng trong công tác lập pháp, giám sát, quyết định những vấn đề quan trọng của Quốc hội; hoạt động hiệu quả của Chủ tịch nước; nhất là sự điều hành quyết liệt, bài bản, linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và người dân…Do vậy, đất nước ta tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trong bối cảnh rất khó khăn, nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó dự báo, nhiều việc chưa có tiền lệ. Thể hiện sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong lúc khó khăn, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc lại tiếp tục được tỏa sáng.
Để tiếp tục phấn đấu đạt được nhiều kết quả toàn diện, quan trọng hơn nữa, trên cơ sở ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trân trọng kiến nghị với Đảng và Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giải quyết 5 nội dung cụ thể sau đây:
- Đảng và Nhà nước tiếp tục quan tâm chỉ đạo, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để thực hiện cải cách tiền lương theo tinh thần Nghị quyết số 27-NQ/TW, ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm cải thiện thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động (vừa qua cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các đối tượng thụ hưởng rất vui mừng, phấn khởi Hội nghị Trung ương 6 đã đồng ý chủ trương và tại kỳ họp này theo đề nghị của Chính phủ, Quốc hội sẽ bàn và quyết định điều chỉnh nâng mức lương cơ sở).
- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, sớm sửa đổi, bổ sung, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về xã hội hóa, cơ chế tự chủ tài chính, cơ chế đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục để sớm giải quyết căn cơ, dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị phục vụ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe của Nhân dân.
- Kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tăng cường giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13, ngày 28/11/2014 của Quốc hội khóa XIII về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông để phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế. Có sự điều chỉnh cần thiết, nỗ lực cao hơn nữa, phấn đấu đạt được mục tiêu Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đề nghị các cơ quan hữu quan nghiên cứu, sớm bổ sung sách giáo khoa vào danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá.
- Kiến nghị với các cơ quan chức năng khẩn trương tham mưu thể chế hóa Kết luận số 14 -KL/TW, ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung; có hình thức phù hợp biểu dương, động viên những tấm gương tiêu biểu, dám dấn thân vào nơi khó khăn, đương đầu với việc khó, việc mới, việc chưa có tiền lệ vì lợi ích chung; tiếp tục khơi dậy khát vọng cống hiến xây dựng đất nước của các giai cấp và tầng lớp Nhân dân trong toàn xã hội.
- Theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có nhiệm vụ rất quan trọng là giám sát, phản biện xã hội, góp ý kiến tham gia xây dựng Đảng và Nhà nước. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành 3 quy định, 1 kết luận về nội dung này . Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã quy định rõ trách nhiệm giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của MTTQ Việt Nam nhất là công tác giám sát, phản biện xã hội. Vì vậy, trân trọng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước, các cấp chính quyền bảo đảm điều kiện, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện tốt quyền và trách nhiệm của mình.
Trên đây là ý kiến, kiến nghị của cử tri, Nhân dân cả nước và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XV. Trân trọng đề nghị Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan có thẩm quyền quan tâm giải quyết, thông báo kết quả giải quyết đến Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để thông tin đến các tổ chức thành viên, cử tri và Nhân dân biết và giám sát.
TOÀN VĂN BÁO CÁO TỔNG HỢP Ý KIẾN, KIẾN NGHỊ CỦA CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN GỬI TỚI QUỐC HỘI