'Thảm đỏ' thu hút trí thức kiều bào
Trong tổng lượng kiều hối khoảng 17-18 tỷ USD của cả nước hàng năm, TPHCM thường xuyên đóng góp từ 6-6,5 tỷ USD. Riêng nửa đầu năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 và đà lạm phát toàn cầu, thế nhưng thành phố vẫn ghi nhận tăng 44% kiều hối so với cùng kỳ.
Động lực để trở về
GS.TS Đặng Lương Mô (SN 1936, Việt kiều Nhật Bản) cho biết, động lực để các trí thức, doanh nhân kiều bào đầu tư về nước đã được định hình ngay từ lúc họ ra nước ngoài lao động, học tập và làm việc. Là nhà nghiên cứu hàng đầu trong lĩnh vực điện tử vi mạch kể từ khi về nước vào năm 2002, GS Mô đã quyết định dành tâm huyết của mình để phục vụ đất nước. Trong đó, có hơn 300 công trình nghiên cứu và 13 phát minh sáng chế có tầm ảnh hưởng ở Việt Nam, Nhật Bản và nhiều quốc gia. Trong một thập niên, các đóng góp của ông đã giúp Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) được biết đến trên khắp thế giới, với việc sản xuất thành công nhiều con chip mang tên SIGMA-K3, VN8-01, TH-7150 và chip vi xử lý 32 bit đầu tiên tại Việt Nam VN1632.
Riêng ICDREC đã được sử dụng để tạo ra trên 50 sản phẩm công nghiệp, từ hộp đen giám sát hành trình cho xe ô-tô và xe gắn máy đến điện kế thông minh. Sự thành công của những con chip “Made in Vietnam” đầu tiên có sự góp công rất lớn của GS.TS Đặng Lương Mô và các cộng sự.
Thạc sĩ hành chính công Nguyễn Tuấn Anh, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động Quận 5, TPHCM chia sẻ, trong giai đoạn còn học tập tại Mỹ, ông từng là Chủ tịch Hội Thanh niên, sinh viên Việt Nam tại California. Vì vậy, ông rất hiểu trí thức kiều bào, nhất là thế hệ doanh nhân kiều bào trẻ đều có mong muốn, khao khát trở về nước cống hiến sau khi đạt được một số thành tựu ở nước ngoài.
“Cá nhân tôi từng là du học sinh tại Mỹ, nhiều người thân và bạn bè ngạc nhiên khi tôi quay về gắn bó với công việc trong môi trường nhà nước với đồng lương còn khá khiêm tốn. Thế nhưng, với tôi, được cống hiến cho đất nước, ngoài nhiệt huyết, đó còn là lòng tin vào sự chuyển mình của nền kinh tế trong nước”- ThS Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ.
Dù vậy, ông Tuấn Anh vẫn cho rằng, các cơ chế, chính sách trải “thảm đỏ” của từng địa phương trong nước mới là yếu tố quyết định để thu hút nguồn nhân lực cao về nước đầu tư và cống hiến. Minh chứng cho điều này, KTS Nguyễn Văn Biểu, từng nhiều năm tích lũy kinh nghiệm tại Singapore khi trở về nước là Giám đốc một công ty tư nhân tại quận 7 (TPHCM) đã chia sẻ: “Ngay khi tìm hiểu để trở về, tôi đã nhận thấy tại TPHCM có nhiều cơ hội để phát triển cho cá nhân và đồng thời cống hiến được cho thành phố ở mảng kiến trúc, xây dựng”.
Cũng theo KTS Biểu, ở TPHCM có nhiều trường ĐH, CĐ rất quan tâm đến các trí thức khoa học vừa trở về nước. Ngoài thỉnh giảng thường xuyên, họ còn có cơ hội thành lập công ty riêng và được sự hỗ trợ ban đầu. Một số kiến trúc sư trẻ như tôi chọn môi trường Nhà nước khi trở về nước cũng đã được UBND TPHCM tạo điều kiện về chính sách tiền lương, phụ cấp tương xứng khi ký kết hợp đồng lao động.
Nhiều trí thức kiều bào đã thành danh ở các nước phát triển cũng muốn “đưa tinh hoa nhân loại” về cho nền giáo dục Việt Nam. Trường hợp ông Lê Ngọc Lâm (66 tuổi, kiều bào Nhật Bản) là một điển hình, ông đã quyết định về nước cống hiến sau 16 năm sống nơi đất khách quê người. Động lực lớn nhất của ông là “kết nối Việt Nam với Nhật Bản, đưa tinh hoa Nhật Bản về Việt Nam”.
Tiếp tục cải thiện để trải “thảm đỏ”
Dù đã có cải thiện rất lớn về cơ chế, chính sách đãi ngộ với kiều bào, ông Võ Thành Chất - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM cho rằng, chính quyền các địa phương vẫn cần tiếp tục cải thiện về cơ chế, chính sách để thu hút kiều bào về nước, nhất là đội ngũ doanh nhân, trí thức. Cũng theo ông Chất, thời gian qua đã ghi nhận rất nhiều doanh nhân kiều bào, giới trí thức đã về nước, trực tiếp tham gia các đề án, chương trình hợp tác, đầu tư hoặc vận động cộng đồng, làm cầu nối hợp tác quốc tế.
“Qua công tác tiếp đón và giải quyết các thắc mắc của kiều bào, thân nhân kiều bào, chúng tôi nhận thấy phần đông kiều bào quan tâm đến thủ tục hồi hương, thủ tục đăng ký thường trú tại Việt Nam cho người Việt Nam ở nước ngoài”. Cũng theo ông Chất, từ 2018 đến nay, số kiều bào xin đăng ký thường trú (hồi hương) là hơn 400 trường hợp.
Qua thống kê của Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM, hiện chỉ riêng TPHCM đã có hơn 3.000 doanh nghiệp do kiều bào đầu tư về nước, với số vốn lên tới hơn 45.000 tỷ đồng. Gần đây, hơn 400 trí thức kiều bào đã trở về làm việc dài hạn và gần 200 trí thức tham gia vào các dự án hợp tác nghiên cứu khoa học và cố vấn cho các chương trình về khoa học công nghệ của TPHCM.
ThS Nguyễn Tuấn Anh sau thời gian tích lũy kinh nghiệm tại Trung tâm Hỗ trợ phát triển kinh tế và cung ứng lao động Quận 5, TP HCM, hiện đang là Thư ký cố vấn cho lãnh đạo Tổng công ty TNHH MTV Công nghiệp Sài Gòn.
“Chính quyền thành phố cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới các chính sách thu hút, đãi ngộ, trọng dụng chuyên gia, trí thức kiều bào tham gia vào các hoạt động khoa học và công nghệ. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các chuyên gia, trí thức kiều bào về thành phố làm việc”- ông Tuấn Anh hiến kế.
Theo ông Peter Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, nguồn lực trí thức và doanh nhân kiều bào đóng góp rất lớn cho quốc gia. Hiện những kiều bào có trình độ cao chiếm từ 10-12% trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Cũng theo ông Peter Hồng, đội ngũ các doanh nhân và trí thức kiều bào luôn sẵn sàng và sẽ là nguồn lực quan trọng đầu tư hoặc về cống hiến cho đất nước, làm giàu cho quê hương nếu Nhà nước tiếp tục thực hiện các chính sách tốt để “trải thảm đỏ”.