Lãi suất cho vay rục rịch tăng
Đến thời điểm này, hầu hết các ngân hàng thương mại đều đã tăng lãi suất cho vay đối với cả cá nhân và doanh nghiệp (DN). Trong đó, mức điều chỉnh thấp nhất là ở khối ngân hàng thương mại có vốn nhà nước. Theo đó, lãi suất cho vay DN tăng 0,1-0,5%/năm, lãi suất cho vay cá nhân tăng dưới 1%/năm.
Anh Nguyễn Văn Chinh (Thái Nguyên) cho biết, gia đình anh có một khoản vay mua nhà tại VPBank, VPBank đã 2 lần tăng, nâng mức lãi suất cho vay lên 12,6%/năm, tăng 2,5% so với đầu năm.
Trong khi đó, anh Trần Văn Thắng, nhân viên Công ty TNHH Nhất Nam cho biết, công ty của anh có nhu cầu vay vốn, nhưng nhiều ngân hàng thương mại đã thông báo hết room cho vay, hiện chỉ còn giải ngân các khoản vay tiêu dùng nhỏ dưới 3 tỷ đồng và lãi suất cũng cao hơn khoảng 3% so với đầu năm.
Hay như phía Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh 11 TPHCM thông báo tới khách hàng về việc điều chỉnh lãi suất cho vay đối với các khoản vay theo hợp đồng. Theo đó, lãi suất cho vay hiện tại là 10,8%/năm sẽ được điều chỉnh lên 12,0%/năm ngày áp dụng từ 5/10 vừa qua.
Một số khách hàng có ý định vay tiền ngân hàng mua nhà, mua xe cũng cho biết lãi suất đã tăng mạnh. Cụ thể lãi vay đối với sản phẩm mua xe tiêu dùng là 13,5%/năm, cho vay mua xe để kinh doanh lên tới 14%/năm.
TS Nguyễn Hữu Huân - Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM cho rằng, việc lãi suất cho vay tăng theo lãi suất huy động là rất tự nhiên. Nếu đưa ra giải pháp hành chính ép ngân hàng giữ nguyên lãi suất cho vay, sẽ có hiện tượng lãi suất cho vay danh nghĩa giữ nguyên, song lãi suất thực sẽ tăng vì các ngân hàng đưa ra thêm các loại phí hoặc ban hành chính sách “bia kèm lạc” để bảo toàn lợi nhuận.
Theo ông Huân, dư địa giữ ổn định mặt bằng lãi suất chỉ nằm ở nhóm ngân hàng có vốn nhà nước, vốn chiếm khoảng 40% thị phần hệ thống hiện nay. Thực tế, lãi suất cho vay của nhóm Big 4 vẫn đang khá ổn định. Tuy vậy, nếu mặt bằng lãi suất huy động tiếp tục tăng, lãi suất cho vay của khối DN này cũng sẽ khó giữ được trong thời gian tới.
Tại báo cáo thực hiện Nghị quyết số 62/2022/QH15 về hoạt động chất vấn, Nghị quyết số 63/2022/QH15 về Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV (lĩnh vực ngân hàng) gửi về Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết do chịu nhiều tác động tổng hợp từ diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ trong và ngoài nước, mặt bằng lãi tiền gửi và lãi suất cho vay bình quân toàn hệ thống đến cuối tháng 8/2022 có xu hướng tăng so với cuối năm 2021.
Thống đốc cho biết việc giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Quốc hội trong thời gian tới sẽ gặp nhiều thách thức do một số nguyên nhân như các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới tiếp tục đẩy nhanh tiến trình thu hẹp nới lỏng chính sách tiền tệ, điều chỉnh tăng lãi suất nhanh và mạnh.
Bên cạnh đó, lạm phát trong và ngoài nước có xu hướng gia tăng do giá nguyên vật liệu thế giới tăng, chi phí vận chuyển tăng, nguồn cung gián đoạn và tác động trễ của chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng từ năm 2020; lãi suất cho vay đã giảm ở mức thấp và đang tăng trở lại chủ yếu do cầu tín dụng gia tăng khi kinh tế tăng trưởng trở lại; lãi suất tiền gửi có xu hướng tăng; tỷ giá USD/VND có xu hướng gia tăng, gây sức ép lên lãi suất tiền VND.
Thống đốc cũng cho biết, áp lực lên vốn tín dụng ngân hàng tăng cao trong bối cảnh nền kinh tế cần vốn để phục hồi nhưng các nguồn vốn khác diễn biến không thuận lợi. Cụ thể, thị trường vốn (thị trường trái phiếu DN, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung cấp vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế; đăng ký vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài so với cùng kỳ năm 2021 và kiều hối có xu hướng giảm. Tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt từ năm 2020, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính. Các tổ chức quốc tế, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia đều cảnh báo về tỷ lệ này của Việt Nam. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP cao nhất trên thế giới. Song song với đó, trong những năm gần đây, các khoản giải ngân của ngân sách nhà nước vẫn chậm so với yêu cầu dẫn đến tồn ngân ngân quỹ Nhà nước, là các khoản ngân sách nhà nước thu từ nền kinh tế qua thu thuế, thu từ phát hành trái phiếu… hiện nay đang ở mức cao, ngày càng bị tích tụ chưa được sử dụng, làm giảm lượng tiền trong nền kinh tế. Cung về vốn bị đọng tại ngân sách nhà nước, nhưng cầu về vốn vẫn ở mức cao phục vụ sản xuất kinh doanh phục hồi kinh tế, khiến việc giảm lãi suất của nền kinh tế ngày càng khó khăn.
Chuyên gia tài chính - ngân hàng Cấn Văn Lực nhận định, lãi suất cho vay đang chịu áp lực tăng khi lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, đầu vào của các ngân hàng cũng gia tăng. Tuy nhiên, mức tăng lãi vay dự báo sẽ không quá mạnh để phục vụ mục đích phục hồi kinh tế. Còn với các ngân hàng, theo ông Trịnh Bằng Vũ - Giám đốc Khối cho vay khách hàng cá nhân Shinhan Bank, lãi suất tiết kiệm liên tục được các ngân hàng điều chỉnh trong thời gian gần đây đã khiến lãi suất cho vay tăng lên.