Trái phiếu doanh nghiệp bất động sản: Kiến nghị Bộ Xây dựng quản lý, giám sát
Trong văn bản gửi tới Bộ Xây dựng về việc quản lý giám sát phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản (DN BĐS), Bộ Tài chính cho biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 65 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ.
Nghị định quy định: “Các bộ, ngành có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp kiểm tra, giám sát việc chào bán, giao dịch và cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu theo quy định tại nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan”.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, thời gian vừa qua, các DN BĐS đã phát hành trái phiếu với khối lượng tương đối lớn. Để đảm bảo thị trường trái phiếu phát triển ổn định, bền vững, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Xây dựng hàng loạt các giải pháp.
Cụ thể, Bộ Xây dựng tăng cường quản lý thị trường BĐS phát triển ổn định, bền vững, minh bạch. Trong đó, Bộ Xây dựng nghiên cứu bổ sung quy định về tỷ lệ an toàn tài chính của DN BĐS sau khi cấp phép xây dựng, đầu tư các dự án BĐS.
Bên cạnh đó, Bộ này phối hợp quản lý giám sát và cảnh báo các DN BĐS về rủi ro tăng trưởng nóng, qua đó hạn chế tình trạng DN BĐS phát hành trái phiếu bằng mọi giá với lãi suất cao. Đồng thời, đề nghị Bộ Xây dựng thường xuyên cung cấp thông tin cho Bộ Tài chính về tình hình của thị trường BĐS và các rủi ro để phối hợp trong công tác quản lý, giám sát thị trường trái phiếu DN.
Trái phiếu DN BĐS không ngừng tăng trong vài năm trở lại đây khi các chủ đầu tư ưu tiên sử dụng hình thức huy động vốn trái phiếu, hơn là các nguồn vốn từ ngân hàng hay nhà đầu tư, khách hàng. Các DN BĐS đã vượt ngân hàng, đứng đầu về giá trị phát hành năm 2021 với tỷ trọng 35% tổng giá trị trái phiếu DN phát hành.
Đáng chú ý, gần một nửa giá trị trái phiếu DN BĐS nói trên là không có tài sản đảm bảo… Vấn đề đang khiến các cơ quan quản lý thị trường lo ngại về thị trường trái phiếu DN nói chung, trái phiếu DN BĐS nói riêng bao gồm DN sử dụng trái phiếu không đúng mục đích, không hiệu quả, thông tin chưa minh bạch dẫn đến rủi ro cho trái chủ.
Trong khi đó theo báo cáo trái phiếu DN tháng 9/2022 vừa được FiinRatings phát hành, trong tháng 9, hoạt động phát hành trái phiếu DN tiếp tục xu hướng giảm từ đầu quý 3 với giá trị phát hành trong tháng chỉ đạt 16,1 nghìn tỷ đồng, giảm 18% so với tháng trước và giảm 76% so với cùng kỳ năm 2022.
Tính chung 9 tháng, thị trường trái phiếu DN ghi nhận giá trị phát hành đạt 246 nghìn tỷ đồng, tương đương 36% giá trị năm 2021, trong đó 58% giá trị đến từ tổ chức tín dụng và 21% đến từ ngành BĐS. Về loại hình phát hành, tỷ lệ phát hành ra công chúng chỉ chiếm 3,87%. Nhìn chung, dù đã hết quý 3 nhưng thị trường trái phiếu DN vẫn tương đối ảm đạm.
Theo FiinRatings, các DN có sự cầm chừng trong hoạt động phát hành. Tuy nhiên, theo FiinRatings thị trường sơ cấp phát hành trái phiếu DN sẽ chỉ tăng mạnh trở lại vào năm sau, do thị trường cần thời gian để làm quen với các chính sách mới của Nghị định 65 vừa ban hành.
Sự ra đời của Nghị định 65/2022/NĐ-CP đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ hơn về phương thức chào bán và nâng cao điều kiện xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cầu về trái phiếu qua việc thu hẹp đối tượng phân phối trái phiếu DN.