Suy yếu nhu cầu khí 'xanh'
Cuộc khủng hoảng năng lượng của châu Âu đang làm hạ nhiệt những nỗ lực giảm cường độ carbon của các lô hàng khí hóa lỏng tự nhiên (LNG), khi người mua lo lắng về sự suy giảm nguồn cung vào mùa đông, ưu tiên đảm bảo các lô hàng dưới bất kỳ hình thức nào hơn là trang bị chứng chỉ xanh cho hàng hóa.
Áp lực từ khủng hoảng năng lượng
Khí hóa lỏng tự nhiên có thể được chứng nhận là ít hoặc không có carbon nếu các nhà sản xuất có thể chứng minh rằng, họ đã giảm phát thải khí nhà kính liên quan đến việc đưa nó ra thị trường, hoặc mua bù đắp carbon để giảm tác động khí hậu ròng của nó.
Theo công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, số lượng hợp đồng vận chuyển LNG carbon trung tính trên khắp thế giới đã giảm xuống còn dưới 10 trong năm nay, so với 30 hợp đồng vào năm 2021. Theo các cuộc phỏng vấn của Reuters với 9 nhà phân tích thị trường LNG, các quan chức trong ngành và thương nhân, nhu cầu về nhiên liệu xanh đã suy yếu trầm trọng.
Ông Felix Booth, người đứng đầu bộ phận LNG tại công ty phân tích năng lượng Vortexa, cho biết: “Mặt hàng LNG carbon trung tính hoặc thấp đã không còn hấp dẫn trong bối cảnh giá cả cao như hiện nay”.
Sự sụt giảm nhu cầu quốc tế đối với cái gọi là khí “xanh” là một trở ngại tiềm tàng trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu vì nó loại bỏ động cơ tài chính cho các nhà sản xuất để giảm tác động đến khí hậu.
Thị trường cho những loại nhiên liệu “xanh” như vậy đã khởi sắc cách đây vài năm với hàng loạt các thỏa thuận quốc tế khiến các nhà sản xuất trong ngành lạc quan sẽ có thể trang trải một cách đáng tin cậy chi phí để cắt giảm lượng khí thải hoặc mua bù đắp carbon, có thể lên tới hàng triệu đô la cho mỗi lượt tàu xuất cảng. Một nghiên cứu của Trung tâm Chính sách năng lượng toàn cầu của Đại học Columbia đã chốt mức phí bảo hiểm đối với LNG carbon trung tính vào năm 2021 là khoảng 1,75 triệu đô la cho một lượng hàng đầy đủ khoảng 100.000 m3.
Một số công ty khai thác khí đốt, trong đó có cả nhà sản xuất khí đốt hàng đầu thế giới là Mỹ, cho biết trên Reuters, họ đã đầu tư vào việc tìm kiếm và ngăn chặn phát thải khí nhà kính liên quan đến hoạt động khai thác, vận chuyển và sản xuất LNG. Nhưng theo cả chủ sở hữu các nhà máy khí hóa lỏng và công ty chứng nhận MiQ, không có nhà xuất khẩu LNG nào ở Mỹ trang bị chứng nhận “xanh” cho cơ sở của họ trước những hợp đồng triển vọng trong năm nay.
Nguyên nhân làm suy yếu thị trường đến từ các lệnh trừng phạt và gián đoạn nguồn cung một phần bắt nguồn từ xung đột ở Ukraine. Kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào ngày 24/2, giá khí đốt đã tăng khoảng 25% ở Mỹ và 32% ở châu Âu.
Dù khí đốt tạo ra ít khí thải hơn than khi đốt cháy, nhưng nó vẫn có thể góp phần đáng kể vào biến đổi khí hậu do rò rỉ vào khí quyển từ các bệ khoan, đường ống dẫn và các thiết bị khác.
Trên thực tế, hơn 100 quốc gia trên thế giới đã cam kết cắt giảm phát thải khí mêtan vào năm 2030 và dự kiến sẽ trình bày chi tiết kế hoạch của họ tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Ai Cập vào tháng 11 tới đây.
Do dự với chứng chỉ “xanh”
Mặc dù nhu cầu về LNG “xanh” đang giảm, nhưng dưới áp lực từ các cơ quan quản lý, nhà đầu tư và khách hàng lớn, nhiều công ty khai thác khí đốt vẫn đang từng bước khắc phục các vấn đề rò rỉ khí mêtan.
Theo các công ty này, khoảng 1/4 lượng khí được khai thác ở Mỹ đang được chứng nhận có cường độ khí thải được cải thiện bởi các công ty như Project Canary và MiQ. Thêm vào đó, khoảng 1/3 nguồn cung của Mỹ sẽ được chứng nhận vào cuối năm nay. Chẳng hạn như Civitas Resources Inc, một công ty khai thác khí đốt ở bang Colorado, cho biết, họ đã tiếp tục đo lượng khí thải từ các hoạt động khai thác của mình và chứng nhận các cơ sở.
“Khi thị trường này phát triển, chúng tôi tin rằng sẽ có nhu cầu dài hạn đối với các sản phẩm khí tự nhiên sạch hơn được chứng nhận” - Giám đốc Bền vững của Civitas, ông Brian Cain cho biết.
Đầu năm nay, công ty chứng nhận MiQ cho biết, họ dự kiến sẽ chứng nhận mặt hàng LNG của Mỹ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, cho đến nay, các công ty khai thác và xuất khẩu LNG của Mỹ vẫn chưa cung cấp chứng nhận “xanh” cho các cơ sở của họ.
Giải thích cho điều này, nhà sản xuất LNG hàng đầu của Mỹ Cheniere Energy Inc cho biết, họ đã cung cấp chứng nhận khí thải cho tất cả hàng hóa được vận chuyển từ tháng 6, nhưng không hợp tác với các chương trình chứng nhận của bên thứ ba. Tuy nhiên, công ty từ chối tiết lộ chi tiết về lượng khí thải từ các lô hàng của mình.
Trong khi đó, các nhà cung cấp LNG khác của Mỹ như Cove Point LNG và Cameron LNG, cho biết, họ không trang bị chứng chỉ “xanh” cho hàng hóa của mình.
Ông Vincent Demoury - Tổng Thư ký của Nhóm các nhà nhập khẩu khí hóa lỏng tự nhiên quốc tế (GIIGNL), cho rằng, các nhà xuất khẩu LNG có thể đang do dự vì khó chuyển chi phí bù đắp carbon trong môi trường giá cao. Nhưng ông Demoury mong đợi triển vọng cuối cùng sẽ được cải thiện.
Theo các nhà nghiên cứu, việc không đánh giá đúng những hậu quả khó lường của các nỗ lực loại bỏ phát thải khí cacbon không chỉ gây ra những khó khăn về an ninh và kinh tế toàn cầu, mà còn hủy hoại chính quá trình chuyển đổi năng lượng một cách âm thầm. Nếu chúng ta cho rằng những kế hoạch đầy tham vọng nhằm chống lại biến đổi khí hậu sẽ đe dọa tới độ tin cậy và tính sẵn có của năng lượng hoặc sự an toàn cung cấp năng lượng, thì quá trình này sẽ bị chậm lại.