Đường vành đai 4 - Vùng thủ đô: Đã gắn gần 2000 mốc giới tại Hà Nội

Lê Khánh 21/10/2022 15:50

Sau khi có chỉ giới đỏ, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông tại Hà Nội cùng các đơn vị có liên quan đã tiến hành khảo sát, cắm gần 2.000/3.000 mốc giới dự kiến sẽ hoàn thành trước 15/11/2022.

Nhanh chóng triển khai sau khi có chỉ giới đỏ

Vừa qua, UBND TP Hà Nội vừa ban hành văn bản thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn tại cuộc họp xem xét, chỉ đạo triển khai công tác lập chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên địa bàn.

Theo đó, Hà Nội thống nhất tổ chức lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ tuyến đường Vành đai 4 trên thành 4 đoạn. Đoạn 1: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 18 (dài khoảng 11 km), UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ tuyến đường, tỷ lệ 1/500.

Đoạn 2: Từ cầu Hồng Hà đến quốc lộ 32 (dài khoảng 9,6 km), UBND TP yêu cầu Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương hoàn thành công tác lập hồ sơ chỉ giới đường đỏ, gửi Sở Quy hoạch - Kiến trúc thẩm định, trình UBND TP phê duyệt trước ngày 30/7.

Đoạn 3: Từ quốc lộ 32 đến quốc lộ 6 (dài khoảng 17,77 km), UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ từ năm 2012.

Đoạn 4: Từ quốc lộ 6 đến cầu Mễ Sở có tổng chiều dài khoảng 19,5 km, chia làm 2 phân đoạn. Phân đoạn 1 (dài khoảng 15 km) đoạn từ quốc lộ 6 đến quốc lộ 1A, UBND TP đã phê duyệt chỉ giới đường đỏ. Phân đoạn 2 (dài khoảng 4,5 km) đoạn từ quốc lộ 1A đến cầu Mễ Sở, các sở, ngành, đơn vị liên quan đã thống nhất đề xuất lựa chọn phương án 3 (trong 3 phương án nghiên cứu hướng tuyến) phù hợp với định hướng Quy hoạch xây dựng Vùng Thủ đô.

Các đơn vị cùng chủ đầu tư đang tiến hành khảo sát, cắm mốc dự án đường Vành đai 4.

Ông Lê Văn Măng, chuyên viên của Phòng quản lý 2 Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà Nội cho biết, được sự chỉ đạo sát sao của các cấp chính quyền, đặc biệt là thành phố thì Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thành phố Hà Nội đã phối hợp với cả Sở Tài nguyên đến nay đã cắm mốc được khoảng 60 %, khoảng 2000/3000 mốc đã bàn giao cho các địa phương.

“Đến thời điểm này thì chúng tôi đã cắm và bàn giao cho hầu như là tất cả các địa phương, trừ mỗi Đan Phượng vì chỉ giới đỏ vừa mới được phê duyệt hiện vẫn chưa nhận được chỉ giới xác nhận của Sở Tài nguyên đối với hai phạm vi còn lại là của Đan Phượng, từ Quốc lộ 32 đến cầu Hồng Hà và từ quốc lộ 1 đến cầu Mễ Sở”, ông Măng cho biết.

Theo ông Măng, ngay sau khi xác nhận của chỉ giới đường đỏ và xác nhận của Sở Kiến trúc thì chủ đầu tư sẽ làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường để lên các phương án chi tiết của từng vị trí trên phạm vi tuyến. Sau khi có cái phương án cắm mốc được Sở Tài nguyên và Môi trường phê duyệt thì sẽ ra ngoài hiện trường để triển khai.

Cắm mốc sẽ hoàn thành trước 15/11

Ông Võ Thanh Bình, Phó giám đốc Trung tâm chiến lược cơ bản thuộc TEDI, về công tác khảo sát địa hình và địa chất thì hiện tại TEDI đang bố trí trên toàn dự án.

“Đối với việc khảo sát địa hình TEDI đã huy động 12 mũi triển khai trên toàn dự án, đến thời điểm hiện tại đảm bảo sẽ đáp ứng được đúng tiến độ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, bàn giao số liệu để các địa phương cắm cọc giải phóng mặt bằng và đồng thời cung cấp cho thiết kế đảm bảo tiến độ mà thành phố đề ra.

Công tác khảo sát địa hình là nền tảng cho dự án vì phụ thuộc đến các vấn đề về giải pháp thiết kế, công tác giải phóng mặt bằng, công tác điều chỉnh hướng tuyến nếu có, thỏa thuận với các địa phương, thỏa thuận về quy hoạch, thỏa thuận về di dời tất cả các hạ tầng kỹ thuật”, ông Bình cho hay.

Việc khảo sát địa hình đang được đơn vị sử dụng các công nghệ mới tiến hành triển khai.

Theo ông Bình, ngoài công tác khảo sát địa hình thì công tác khảo sát địa chất có vai trò cực kỳ quan trọng vì nó ảnh hưởng đến vấn đề là tổng mức đầu tư về các giải pháp thiết kế. Đối với dự án Vành đai 4 - Vùng thủ đô là một dự án rất phức tạp vì nó phối hợp với tất cả các quy hoạch của các địa phương dọc theo dự án. Đồng thời, theo quy hoạch Hà Nội còn có hệ thống đường sắt tương lai chạy song song, các tuyến quy hoạch đường sắt cắt ngang, quy hoạch đường bộ cắt ngang các cao tốc hướng tâm. Chính vì vậy, công tác khảo sát địa chất là vô cùng quan trọng.

Thông qua máy móc đo đạc các vi trí để cắm mốc dự án.

Về công tác giải phóng mặt bằng, ông Phạm Ngọc Thành đội trưởng xóm 1 thôn Văn Giáp, xã Văn Bình, huyện Thường Tín cho biết, hiện trên địa bàn thôn đã họp, người dân đồng thuận với chính sách của nhà nước, công tác đo đạc đã được thực hiện xong. Về công tác thực hiện đền bù cho người dân cũng đã đồng ý.

Bên cạnh việc khảo sát địa hình, việc khảo sát địa chất cũng vô cùng quan trọng.

“Ngoài đền bù bằng tiền sẽ được đền bù thêm cả gạo những gia đình nào bị thu hồi dưới 30% sẽ không được đền bù gạo, còn gia đình nào bị thu hồi từ 30% - 70% sẽ được 6 tháng gạo, còn từ 70% trở lên sẽ được 1 năm. Mỗi hộ sẽ được 30 kg gạo. Xóm tôi có 69 hộ bị thu hồi thì 55 hộ đặt tiêu chuẩn đền bù gạo hỗ trợ còn những gia đình bị thu hồi ít sẽ không được nhận”, ông Thành chia sẻ.

Từng mẫu đất sẽ được đem về phòng thí nghiệm để kiểm tra, phân tịch.

Ông Lê Tuấn Tú, Phó trưởng phòng quản lý 2 của Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hà nội cho hay, ngay sau khi có chỉ giới đỏ, công tác cắm mốc hiện đã được 36/58, 2 km dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 15/11/2022 để bàn giao cho các địa phương.

Hiện Ban đang phối hợp cùng đơn vị Tư vấn để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án thành phần của tuyến đường Vành đai 4 - Vùng thủ đô. Đơn vị tư vấn hiện đang tập trung nhân lực để khảo sát trên hiện trường và theo tiến độ dự kiến công tác khảo sát sẽ kết thúc trong tháng 11/2022 và trình nghiên cứu khả thi các dự án thành phần trong cuối năm 2022.

Dự án Vành đai 4 có tổng chiều dài khoảng 112,8 km (gồm 103,1 km đường Vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long) qua địa phận: Hà Nội (dài 58,2 km); Hưng Yên (dài 19,3 km); Bắc Ninh (dài 25,6 km và tuyến nối 9,7 km).

Dự án được chia thành ba nhóm với 7 dự án thành phần. Dự án có tổng diện tích đất chiếm dụng khoảng 1.341 ha, trong đó thành phố Hà Nội 741 ha, cơ bản là đất nông nghiệp nên việc giải phóng mặt bằng thuận lợi, không ảnh hưởng nhiều đến người dân hai bên đường.

Lê Khánh