Tháo điểm nghẽn bình ổn giá thị trường

THANH GIANG 22/10/2022 09:00

Đánh giá cao sức lan tỏa của chương trình bình ổn giá trong 20 năm qua, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp (DN) mong muốn có sự “dễ chịu” hơn trong việc thực hiện chương trình này. Cụ thể, DN mong việc điều chỉnh giá hàng hóa đơn giản hơn, được hỗ trợ thêm về vốn đầu tư sản xuất và kinh doanh.

Chương trình bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM đã được triển khai thực hiện 20 năm qua.

Than thở về chính sách điều chỉnh giá

Tại hội thảo “Thực tiễn 20 năm và giải pháp nâng cao hiệu quả Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TPHCM”, diễn ra ngày 21/10, ông Nguyễn Đăng Phú – Phó Giám đốc Công ty Vissan thông tin, theo quy định của chương trình bình ổn, khi giá nguyên liệu, chi phí đầu vào biến động tăng hoặc giảm từ 5% - 10% so với thời điểm đăng ký giá liền kề trước, các DN sẽ được điều chỉnh giá bán. Khi điều chỉnh giá, DN thực hiện đăng ký lại giá bán với Sở Tài chính và phải được Sở Tài chính chấp thuận bằng văn bản và thời điểm áp dụng. Thế nhưng, trong một vài thời điểm, giá nguyên liệu heo hơi có xu hướng tăng cao, đơn vị gửi văn bản đề nghị điều chỉnh tăng giá bán nhưng cơ quan chức năng chậm trễ cho áp dụng giá điều chỉnh, ảnh hưởng hiệu quả kinh doanh của DN.

Là người theo sát DN, bà Lý Kim Chi – Chủ tịch Hội Lương thực – thực phẩm TPHCM thừa nhận, giá cả hàng hóa đầu vào tăng cao nhưng đầu ra thấp làm ảnh hưởng đến lợi nhuận kinh doanh của DN. Thời gian qua biến động nguyên liệu tăng 15 - 30% vì đứt gãy nguồn cung do dịch bệnh Covid-19 cùng với những khó khăn do giá xăng dầu tăng cao. Trước thực trạng trên, DN bình ổn giá xin được điều chỉnh giá bán, song giá sản phẩm sau điều chỉnh giá tăng không quá 10% nhiều nhất là 5 - 7%.

“Khi tôi hỏi các thành viên trong Hội về việc giá bán sản phẩm hiện nay có ảnh hưởng nhiều đến lợi nhuận của DN hay không thì đa phần cho rằng, DN đã và đang gồng và chấp nhận lợi nhuận thấp vì muốn tạo điều kiện kích cầu tiêu dùng. Hơn nữa, DN không muốn tăng giá đột biến làm ảnh hưởng đến quá trình kìm cương lạm phát” - bà Chi lý giải.

Liên quan đến việc điều chỉnh giá hàng hóa bình ổn thị trường, đa số các DN kiến nghị, khi giá thị trường có biến động, các sở, ngành phải chủ động, linh động trong việc xem xét việc điều chỉnh giá trong thời gian sớm nhất dựa trên đề xuất trực tiếp của DN. Thực tế hiện nay việc điều chỉnh này rất chậm vì yêu cầu, phải có đủ số DN đề nghị mới xem xét điều chỉnh.

Theo UBND TPHCM, chương trình bình ổn thị trường của thành phố triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp, đảm bảo cân đối cung – cầu hàng hóa, hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu, phát triển đồng bộ hệ thống phân phối, kiểm soát hiệu quả thị trường. Qua đó góp phần ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát; chỉ số CPI của thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.

Ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp

Không chỉ khó khăn trong việc điều chỉnh giá cả hàng hóa, một số DN tham gia bình ổn thị trường mong muốn được hỗ trợ nguồn vốn đầu tư sản xuất. Ông Nguyễn Đăng Phú cho biết, những năm đầu thực hiện chương trình bình ổn thị trường DN được hỗ trợ vay vốn. Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây DN hàng bình ổn phải tự liên kết với ngân hàng để có nguồn vốn dự trữ hàng hóa cho các dịp lễ Tết.

“Thiết nghĩ, DN cần phải được hỗ trợ vốn để phát triển vùng nguyên liệu, mở rộng mạng lưới phân phối và kho bãi. Việc này cũng tạo thuận lợi, giúp DN thực hiện nghĩa vụ ổn định thị trường hàng hóa hiệu quả cao hơn” - đại diện Công ty Vissan kiến nghị.

Đồng quan điểm này, nhiều DN tham gia chương trình bình ổn cho rằng, trong lúc lãi suất ngoài thị trường tăng cao, thành phố cần có chính sách hỗ trợ về nguồn vốn, lãi suất ưu đãi hợp lý để giúp doanh nghiệp mở rộng sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển hệ thống phân phối, xây dựng kho bãi.

Trả lời thắc mắc về nguồn vốn cho DN bình ổn thị trường, ông Nguyễn Đức Lệnh – Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM chia sẻ, những năm gần đây, các ngân hàng vẫn đồng hành cùng chương trình. “Ngành ngân hàng sẽ tiếp tục đồng hành cùng chương trình trong sứ mệnh đưa vốn vào thị trường nhưng phải đảm bảo sự tăng trưởng an toàn, bền vững cho hệ thống ngân hàng” - ông Lệnh nhấn mạnh.

Theo UBND TPHCM, quy mô chương trình ngày càng lớn. Từ nguồn vốn ngân sách 45 tỷ đồng, doanh thu chương trình đạt 344 tỷ đồng năm 2002. Nhưng từ năm 2013, thành phố đã không còn ứng vốn ngân sách, doanh thu đã đạt 13.242 tỷ đồng. Đến năm 2022 doanh thu của chương trình dự kiến đạt 22.355 tỷ đồng.

Nói về chương trình bình ổn giá thị trường, bà Phan Thị Thắng – Phó Chủ tịch UBND TPHCM cho biết, lãnh đạo thành phố đánh giá cao nỗ lực của DN tham gia bình ổn thị trường, nhất là trong giai đoạn dịch bệnh. DN đã kịp thời ứng phó tình hình mới, phát huy tinh thần trách nhiệm cộng đồng rất cao, khẳng định được vai trò dẫn dắt thị trường, góp phần duy trì các chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, bà Thắng cũng lo lắng khi nhiều khó khăn đang tồn tại như: Còn một số hạn chế về vùng nguyên liệu, năng suất, tiêu chuẩn hàng hóa, an toàn thực phẩm, hệ thống phân phối, hạ tầng logistics...

Tổng sản lượng hàng bình ổn thị trường của TPHCM ngày càng lớn, chiếm lĩnh thị phần cao, đủ sức điều tiết thị trường. Bên cạnh đó, DN bình ổn giá sẵn sàng can thiệp, bổ sung nguồn cung khi có hiện tượng khan hàng, sốt giá. Cụ thể, tính từ đầu năm đến nay, lượng hàng trứng gia cầm bình ổn thị trường chiếm 79% thị phần, thịt gia cầm chiếm 33,8%, dầu ăn chiếm 28,2%, đường chiếm 21,3%, thịt gia súc chiếm 18,6%.

THANH GIANG