Hướng đến nền nông nghiệp thông minh

QUỐC ĐỊNH 22/10/2022 10:00

Trước áp lực của thị trường trong nước và quốc tế về nguồn thực phẩm sạch ngày càng lớn, việc áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, nhất là trong sản xuất nông nghiệp được xem là phương thức quan trọng. Tuy nhiên, để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, Việt Nam còn rất nhiều phần việc cần phải làm.

Đẩy mạnh áp dụng khoa học và công nghệ tiên tiến để tăng giá trị cho nông sản.

Thay đổi để giảm thách thức

Trao đổi trong một cuộc họp bàn về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp vừa diễn ra tại TP HCM, Giáo sư Nguyễn Lân Hùng cho biết, hiện nhiều quốc gia đã triển khai rộng rãi các công nghệ mới, chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình canh tác truyền thống sang mô hình canh tác hiện đại với sự tích hợp, kết nối chặt chẽ nhiều công việc khác nhau để đảm bảo hiệu quả canh tác tối ưu. Thực tế, sự tăng trưởng của nông nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu theo chiều rộng, nhờ tăng diện tích, tăng vụ và vẫn dựa vào các yếu tố đầu vào truyền thống như lao động, vốn, vật tư, nguồn lực tự nhiên... Việc ứng dụng các công nghệ cao, dựa trên số hóa để kết nối tạo ra mô hình nông nghiệp đã xuất hiện nhưng mới chỉ tạo ra được khối lượng nhiều giá trị thấp.

Ông Hùng nhấn mạnh, là một nước với 70% dân số làm nông nghiệp, chúng ta cần phải là một quốc gia không chỉ tự chủ về nông sản, mà còn phải xuất khẩu và xây dựng thương hiệu nông sản trên thế giới. Muốn được như thế, phải có những sản phẩm nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… để đáp ứng các tiêu chuẩn của những thị trường khó tính nhất. Cần phải ứng dụng những khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp. “Nếu nông nghiệp Việt Nam không có những thay đổi mạnh mẽ về khoa học và công nghệ, chúng ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức và tác động tiêu cực như tụt hậu về công nghệ, cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên và suy giảm sản xuất, kinh doanh…”- ông Hùng khuyến cáo.

Là người có nhiều thành tựu nghiên cứu về nông nghiệp hiện đại, Giáo sư Võ Tòng Xuân cho hay, ở nhiều địa phương của Việt Nam, nhiều năm nay, bà con nông dân đã sử các nhà màng vào sản xuất nông nghiệp. “Tại hầu hết các nhà màng, nhà kính, người ta đã áp dụng 4.0 điều khiển khí hậu thích hợp để trồng được rau cải thu hoạch nhanh và ngăn ngừa sâu bệnh. Nông nghiệp 4.0 ở Đà Lạt không thua gì ở các nước khác” - ông Xuân khẳng định.

Áp dụng công nghệ để tăng lợi thế cạnh tranh

Giáo sư Võ Tòng Xuân cho rằng, xu hướng thời đại, ai cũng muốn tham gia cuộc cách mạng 4.0 nhưng chọn lọc khía cạnh nào, nội dung gì, phương pháp ra sao cho thích ứng với điều kiện kinh tế và nguồn nhân lực hiện tại của nước ta quả là một bài toán khó giải. “Quan trọng là chúng ta không áp dụng cái gì quá sức của mình, không phô trương vì vừa tốn kém mà lại không thể áp dụng cho đông đảo nông dân” - Giáo sư Xuân gợi mở.

Tong khi đó, TS. Đoàn Duy Khương - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cho rằng, trong thời đại công nghệ ngày nay, một nền nông nghiệp thông minh chắc chắn sẽ phải sử dụng công nghệ cao tác động vào các phân khúc của chuỗi giá trị sản phẩm để tạo ra nhiều giá trị gia tăng. “Công nghệ hiện nay cũng đang marketing cho ngành nông nghiệp mạnh mẽ qua việc sử dụng thương mại điện tử. Nhìn sang quốc gia đã trở thành nền kinh tế thứ hai trên thế giới, có thể thấy nền nông nghiệp của Trung Quốc phát triển nhanh nhờ công nghệ cao và thương mại điện tử được áp dụng rộng rãi trong các lĩnh vực nông nghiệp của nước này” - ông Khương thông tin.

Việt Nam đã trở thành một nước xuất khẩu nông sản thứ hai ASEAN với nhiều mặt hàng nông - lâm - thủy sản xuất khẩu có giá trị kim ngạch trên 1 tỷ USD, trong đó có những mặt hàng có giá trị kim ngạch trên 3 tỷ USD. TS. Đoàn Duy Khương nhận định, để xây dựng một nền nông nghiệp thông minh cho Việt Nam, có rất nhiều công việc cần phải làm. Sự phát triển của mạng internet và các công nghệ, sẽ giúp cho nhà nông sản xuất ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp ở phân khúc cao thông qua thương mại điện tử.

Ông Khương khẳng định, việc xây dựng chiến lược phát triển nông nghiệp cùng với áp dụng công nghệ cao, công nghiệp bán hàng qua mạng và thương mại điện tử, sẽ tạo giá trị gia tăng cho chuỗi giá trị sản phẩm, góp phần phát triển một nền nông nghiệp thông minh của quốc gia và thực hiện tốt chiến lược của Chính phủ trong thời đại hội nhập kinh tế và khoa học công nghệ.

QUỐC ĐỊNH