Hành vi xâm hại di tích: Xử lý còn chưa quyết liệt
Hiện vẫn còn không ít di tích, thậm chí di tích đặc biệt bị xâm hại. Điều đáng nói, việc tiếp nhận thông tin và xử lý còn chậm trễ, chưa thực sự quyết liệt khiến nhiều vụ việc kéo dài.
Đơn cử mới đây, vụ việc diễn ra tại di tích quốc gia chùa Kim Liên (phường Quảng An, Tây Hồ, Hà Nội). Đó là bức tường bao bằng gạch mộc của di tích này bị phá dỡ, xây mới làm ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian di sản. Điều đáng nói, việc xây lại tường rào ở di tích quốc gia chùa Kim Liên khi chưa có sự chấp thuận của các cơ quan có thẩm quyền.
Hay như trước đó là vụ việc xảy ra tại di tích đình Chèm nằm trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội), khi tùy tiện làm sai lệch trong quá trình tu bổ. Đến nay, hạng mục vi phạm vẫn đang tồn tại.
Nói về tình trạng tùy tiện trong việc trùng tu, bảo vệ di tích, PGS. TS Nguyễn Lân Cường đã rất bức xúc bởi nhiều di tích trong quá trình tu sửa đã tự ý thay mới hoàn toàn, phá bỏ đi những hạng mục có giá trị. Đây là việc làm không thể chấp nhận được. Theo ông Cường, vấn đề này đã nói rất nhiều nhưng vẫn tái diễn ở nhiều di tích.
Cũng trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, vụ việc “trục lợi đất di tích” tại di tích cấp quốc gia đền Sóc trên địa bàn phường Xuân Tảo đã diễn ra nhiều năm nay. Mặc dù báo chí đã phản ánh rất nhiều về trường hợp này nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.
Việc xâm hại di tích diễn ra muôn hình vạn trạng. Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra: Có việc buông lỏng quản lý, nhận thức hạn chế, trục lợi…Một số vụ việc đã được xử lý nhưng chưa đủ sức răn đe. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy - nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, quá trình xử lý còn quá nhẹ dẫn đến việc không ai phải chịu trách nhiệm.
“Những người đứng đầu địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai phạm tại những di tích. Vì vậy việc xử phạt nghiêm cần phải bắt đầu từ những người quản lý. Mặc dù Luật Di sản đã phát huy hiệu quả nhưng có những vấn đề chưa đầy đủ vì thế sau nhiều năm cần phải nhìn nhận và xem xét lại Luật và các văn bản khác liên quan để có hành lang pháp lý xử lý sai phạm cho chuẩn, thật sự có tính răn đe”- ông Huy nói.
Tại Điều 345 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh gây hậu quả nghiêm trọng như sau: “Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ và sử dụng các di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh, gây hư hại di tích lịch sử - văn hóa, danh lam, thắng cảnh có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; hủy hoại, làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh cấp tỉnh hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm”.
Theo Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa (Đoàn luật sư TP Hà Nội), cần phải có một số giải pháp để ngăn chặn và hạn chế tình trạng sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích lịch sử. Việc phân cấp trong công tác quản lý di sản cần đi đôi với thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm ngay từ sớm, tránh để đến khi sự việc đã rồi mới vào cuộc thì đã quá muộn.
Đối với những công trình trùng tu di tích có sai phạm, theo luật sư Tùng, cần phải kiểm tra làm rõ trách nhiệm của đơn vị, cá nhân đứng ra làm công trình này và kiên quyết xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật.