Cảnh báo bỏng hoá chất từ chất tẩy dầu mỡ
Các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương vừa chia sẻ cảnh báo về tình trạng bỏng hoá chất từ chất tẩy dầu mỡ. Chất tẩy rửa dầu mỡ khi văng vào trẻ tưởng sẽ không để lại nhiều ảnh hưởng nhưng thực ra, bỏng hóa chất có thể ăn sâu vào cơ thể, để lại di chứng đáng tiếc.
Theo thông tin chia sẻ từ Bệnh viện, Đơn vị bỏng, khoa Chỉnh hình Nhi của Bệnh viện vừa tiếp nhận và điều trị cho bé gái T.N 19 tháng tuổi (ở Hà Nội), bị hóa chất tẩy dầu mỡ xịt vào vùng cổ gây bỏng.
Mẹ của bé T.N chia sẻ, chị có mua chai xịt tẩy dầu mỡ về để tẩy rửa dầu mỡ bám trên máy hút mùi của gia đình, trong khi đang dọn dẹp thì anh trai của bé T.N có đòi mẹ cho đi học thêm nên chị đã đi sắp xếp đồ dùng cho con trai đi học. Khi quay lại thì đã thấy bé T.N cầm chai xịt tẩy dầu mỡ trên tay và bấm vào vòi xịt khiến một phần hoá chất xịt vào vùng cổ trái của trẻ. Sau tai nạn, bé T.N khóc ré lên, mẹ quan sát thấy cổ của con đỏ lên và có cho con rửa cổ dưới vòi nước một vài giây. Tuy nhiên, bé T.N tỏ ra đau đớn và khóc nhiều nên gia đình đã đưa luôn con đến Bệnh viện để thăm khám, điều trị.
Bác sĩ CKII Phùng Công Sáng - Phó Trưởng khoa Chỉnh hình, phụ trách Đơn vị Bỏng, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, mặc dù bệnh nhi đến bệnh viện ngay, nhưng không tiến hành sơ cứu ban đầu tốt, nên khi vào đến bệnh viện hóa chất còn tồn đọng trên da làm tổn thương bỏng sâu thêm. Bỏng hóa chất có những đặc thù khác với bỏng do các nguyên nhân khác là sau khi phát hiện bỏng cần cố gắng loại bỏ hóa chất dính trên cơ thể bằng rửa nước và trung hòa hóa chất để tổn thương bỏng không tiếp tục diễn tiến nặng và tổn thương sâu hơn nữa.
Rất may mắn trường hợp bé T.N lượng hóa chất văng lên trẻ không nhiều, chừng 1% (100cm2), và không vào những vùng nguy hiểm như mắt. Hóa chất này vào mắt có thể gây bỏng giác mạc, để lại những di chứng đáng tiếc như mù lòa.
Bác sĩ Sáng khuyến cáo, trẻ nhỏ thường hiếu động, chạy nhảy, tò mò khám phá môi trường sống xung quanh, tuy nhiên lại chưa có ý thức và kỹ năng phòng, tránh rủi ro có thể xảy ra nên rất dễ gặp tai nạn. Để phòng tránh các tai nạn bỏng do hóa chất cho trẻ, cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ cần: Để hóa chất xa tầm tay trẻ em; Bảo quản hóa chất trong các bình chứa phù hợp và an toàn sau khi sử dụng; Sử dụng hóa chất trong phòng thoáng khí; Hóa chất phải được giữ trong đúng bình chứa và có ghi nhãn rõ ràng bên ngoài; Nếu có thể nên tránh sử dụng hóa chất; Không nên trộn lẫn các loại hóa chất với nhau.
Cũng theo Bác sĩ Sáng, việc sơ cứu khi trẻ bị hóa chất văng vào người vô cùng quan trọng. Bỏng hoá chất có khả năng gây ra các tổn thương bỏng nặng và làm cho nạn nhân vô cùng đau đớn. Nếu không được xử lý kịp thời, vết bỏng có thể trở nên nghiêm trọng hơn, dẫn tới các biến chứng nguy hiểm cho trẻ. Ngay sau khi bị bỏng hóa chất, trẻ cần được tiến hành sơ cấp cứu bỏng ngay lập tức theo các bước:
Bước 1, nhanh chóng tách nạn nhân khỏi tác nhân gây bỏng;
Bước 2, cởi bỏ quần áo, giày dép hoặc đồ trang sức có tiếp xúc với hóa chất;
Bước 3, rửa sạch vùng da bị bỏng dưới nước vòi nước mát ít nhất 10 - 20 phút. Đối với hóa chất khô, dạng bột cần lau sạch hóa chất trước khi rửa da dưới vòi nước - cần mang găng tay hoặc dùng vật dụng thích hợp khi thực hiện. Nếu hóa chất tiếp xúc với mắt, hãy rửa mắt liên tục trong nước ít nhất 20 phút trước khi đến bệnh viện, tiếp tục duy trì rửa trên đường đến viện;
Bước 4, băng vết bỏng bằng vải sạch hoặc gạc vô trùng (không có dính bông mịn). Chỉ cần quấn nhẹ, không siết chặt để tránh gây tổn thương thêm;
Bước 5, bù nước và điện giải cho nạn nhân sau khi bị bỏng;
Bước 6, nếu vết bỏng nặng, sau khi sơ cứu bỏng hóa chất cần chuyển nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời.