Săn cá mao ếch

ĐOÀN XÁ 23/10/2022 07:30

Là một trong những đặc sản xuất hiện nhiều và có giá trị nhất với ngư dân vùng biển phía Tây Nam (kéo dài từ mũi Cà Mau tới mũi Hà Tiên), nhưng cá mao ếch (còn gọi là cá mang ếch) rất khó săn bắt. Ngoài việc lặn xuống đáy biển, lần tìm trong các khe đá, vách đá thì có thể đặt bẫy loại cá có dáng vẻ bề ngoài nhìn rất kỳ lạ này. Nghề săn cá mao ếch đang thu hút nhiều ngư dân tham gia bởi có thể kiếm tiền triệu mỗi ngày.

Vợ chồng anh Tèo săn cá mao ếch.

Ngư dân sống khỏe

Vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc có chiều dài khoảng 300 cây số kéo dài từ mũi Cà Mau ngược theo hướng Tây lên tới khu vực mũi Nai của thành phố Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang. Ngoài hàng trăm hòn đảo là nơi du lịch lý thú, vùng biển rộng lớn này còn mang đến cho cư dân địa phương rất nhiều sản vật. Trong số này, cá mao ếch là loại sản vật đặc biệt nhất khi xuất hiện ở hầu khắp các khu vực của biển Tây. Với chúng tôi, lần đầu biết tới loại cá có đầu và vây như loài ếch này là chuyến du lịch tới đảo Hòn Tre (xã Hòn Tre, huyện Kiên Hải, tỉnh Kiên Giang). Nằm cách trung tâm thành phố Rạch Giá chừng 30 cây số, Hòn Tre là đảo lớn trong khu vực, không quá xa đất liền. Cũng như nhiều vùng biển khác, phần lớn cư dân ở Hòn Tre sinh sống bám vào biển. Ở đây, nghề săn cá mao ếch khá phát triển, với hàng chục ghe tham gia.

“Cá mao ếch ở đây chủ yếu được đánh bằng cách đặt bẫy và lặn. Ngư cụ chủ yếu để bẫy cá mao ếch là lợp (lưới cửa ngục) có thêm mồi là những loại cá tạp nhỏ. Tôi sinh ra và lớn lên trên đảo nhưng mới làm nghề này chừng chục năm vì trước kia cá mao ếch ít người mua. Nhìn cá có hình dạng kỳ quái, da màu vàng nâu loang lổ và phía đầu bạnh ra khiến nhiều người sợ hãi. Tuy nhiên thịt của chúng rất ngon, dai và chắc. Dân đảo ở đây ai cũng thích ăn cá mao ếch, nhưng kể từ khi chúng được người dân thành phố tìm mua thì nghề săn cá mao ếch mới phát triển”, ông Nguyễn Văn Lâu, 66 tuổi ngụ tại đảo Hòn Tre chia sẻ.

Theo ông Lâu, hàng ngày ông và cậu con trai thứ hai thường đi gỡ và đặt lợp cá mao ếch. “Cả đảo này chỗ nào cũng có cá mao ếch, nhưng dăm hôm mình phải chuyển địa điểm đặt bẫy. Cá mao ếch rất khôn nhưng háu ăn, nhất là cá tạp. Mỗi chiếc lợp mình đặt một con cá nhỏ để dụ chúng chui vào. Những hôm trời gió là dễ trúng nhiều mao ếch vì chúng ra khỏi khe đá đi kiếm ăn. Có ngày cha con tôi bắt được tới hai chục ký cá, bán cho thương lái ở Rạch Giá vào mua”, ông Lâu kể.

Vừa nghe kể chuyện, vừa nhìn ông lão ngư dân tuy đã già những vẫn khỏe mạnh, thoăn thoắt lặn ngụp để vớt những lợp lên, nở nụ cười mãn nguyện khi thấy bóng dáng màu vàng nhạt của mấy chú cá mao ếch. Chúng tôi đã từng gặp, trò chuyện và nhìn thấy ngư dân với nhiều nghề biển khác nhau. Mỗi nghề có một nỗi vất vả và nguy hiểm. Và nghề săn cá mao ếch cũng vậy, dù ngư dân đã có ngư cụ. Thời khắc lặn xuống biển, ở giữa khoảng con sóng lớn để đưa chiếc lợp lên là lúc khó khăn nhất, dễ bị tai nạn nhất. Nếu không quen thuộc, thông thạo địa hình biển thì rất khó để gắn bó lâu dài với nghề này. Tuy nhiên, đổi lại công sức họ bỏ ra rất có giá trị. Theo những ngư dân ở Hòn Tre, cá mao ếch hiện nay được thương lái thu mua tại đảo từ 120 tới 150 ngàn đồng/kg, tùy theo cá lớn hay nhỏ. So với nhiều loại hải sản khác, đây là mức giá cao, có thể kiếm một vài triệu đồng mỗi ngày, giúp nhiều người sống khỏe với nghề săn bắt này.

Ông Lâu gỡ lợp cá mao ếch.

Đặc sản biển Tây

Ở vùng biển Tây Nam cá mao ếch xuất hiện hầu khắp mọi nơi. Anh Nguyễn Văn Tèo, 41 tuổi ở xã Bình An (huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang) cho biết, gắn bó với nghề biển nơi đây khoảng 20 năm, biết rõ từng loài hải sản. “Cá mao ếch giá bán cao lắm, gấp 2 lần mực nang. Thế nhưng bắt chúng không hề dễ vì mao ếch thường sống trong hốc đá, khu vực nước có sóng lớn. Tôi ở đây có cả lưới gỡ, lưới đặt. Lưới gỡ thì mình bắt ghẹ, cua, tôm tít còn lưới đặt thì bẫy mao ếch, cua đá. Lưới đặt thì dễ lắm, chỉ để chúng ở đó, đánh dấu rồi hôm sau quay lại gỡ. Tuy nhiên đầu tư tốn tiền, hiệu quả cũng hên xui, mà còn phải có cá nhỏ làm mồi nữa. Không có mồi, cá mao ếch sẽ không vào đâu”, anh Tèo cho biết.

Ngồi lên chiếc ghe nhỏ không có mái che, theo anh Tèo ra ngoài khơi vùng bán đảo ở Bình An để gỡ lợp cá mao ếch, chúng tôi mới thấy nghề này cũng không “dễ ăn”. Theo anh, thường ngày hai vợ chồng đi ghe ra đây, gỡ lưới và lọc cá ghẹ tới chiều mới về, mang ra ngoài thị trấn Ba Hòn bán cho thương lái để họ đưa về Rạch Giá, Cần Thơ hay TPHCM.

“Mỗi chiếc lợp thả xuống mình có cắm phao làm dấu. Nhưng không phải ngồi trên ghe là kéo lên được. Chỗ này vách đá, sóng đập vào mạnh xê dịch, có khi kéo chìm cả phao. Vì thế mình thường xuyên phải nhảy xuống nước, lặn tìm lợp khi chúng bị mắc kẹt trong khe đá. Nhưng bù lại, những khe đá lại có nhiều cá mao ếch”, người đàn ông này cho biết.

Đặc sản cá mao ếch biển Tây Nam.

Vừa thò tay bắt một chú cá mao ếch nặng chừng 2 lạng thả vào chiếc túi lưới ở mạn ghe, chị Bé vợ anh Tèo thành thật nói: “Cá này nhìn vậy mà hung dữ lắm, lại có dao ở hai bên mang nữa. Người không quen chạm vào nó kiểu gì cũng chảy máu tay. Mình bắt chúng cả chục năm mà ngó lơ chút là bị đứt da liền. Coi như ngày đó về sớm vì rất đau. Thời gian cuối năm cá mao ếch rất béo, nhiều con bự nữa. Tháng trước lưới được con mao ếch nặng gần ký lô. Ổng cứ đòi giữ lại rủ bạn tới nướng nhậu mà tui bảo bán cho được giá. Cá bự nhưng mình cân như cá nhỏ. Chủ vựa họ mừng lắm. Nhưng chỗ này vựa quen, ngày nào cũng bán hàng, thiệt chút chả sao”.

Theo người phụ nữ này, vợ chồng chị có 200 chiếc lợp đặt cá mao ếch cùng 800 mét lưới gỡ. Sáng sớm hai vợ chồng đi gỡ lưới, bắt cá, ghẹ và tôm tít xong ăn cơm, nằm nghỉ trên ghe rồi trưa mới gỡ lợp mao ếch. Gỡ đến đâu xong lại cho mồi là cá nhỏ vào, thả lợp xuống để hôm sau quay lại gỡ. Cuộc sống và công việc cứ thế lặp đi lặp lại. Chị Bé còn bảo, nghề biển kiếm tiền cũng khá nhưng cũng rất bạc, vì nhiều tai nạn rình rập. Ngoài ra, nghề này hầu hết đều phụ thuộc vào thiên nhiên, tùy theo mùa chứ không đều đặn, không biết trước được.

Những ngày cuối năm nay, khu vực ven biển miền Trung hay miền Bắc thường xuyên hứng chịu những cơn bão, áp thấp nhiệt đới khiến cuộc sống ngư dân gặp khó khăn, không thể thường xuyên ra khơi. Thế nhưng ở vùng biển phía Tây Nam, hầu hết ghe thuyền ngư dân vẫn hoạt động bình thường. Với những người làm nghề săn cá mao ếch cũng vậy. Dọc theo chiều dài ven biển hàng trăm cây số, những chiếc ghe nhỏ bé đang lặng lẽ với công việc của mình, giữa chập chùng sóng biển.

ĐOÀN XÁ