Tìm lực đẩy cho logistics

DUY KHANG 23/10/2022 08:00

89% doanh nghiệp logistics Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, 10% là doanh nghiệp liên doanh và 1% doanh nghiệp 100% có vốn nước ngoài cung cấp dịch vụ logistics xuyên quốc gia. Những con số nói trên cho thấy, sự phát triển của ngành logistics nước nhà vẫn cần nhiều lực đẩy hơn nữa.

Ngành logistics cần đẩy mạnh số hóa để nâng sức cạnh tranh.

Từng bước chuyển mình

Trao đổi tại Diễn đàn “Logistics Việt Nam: Chuyển mình phát triển” diễn ra mới đây, ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, trong thời gian qua, hoạt động logistics Việt Nam có sự tiến bộ vượt bậc và kim ngạch xuất nhập khẩu rất lớn.

Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2022, tổng kim ngạch đạt 557,93 tỷ USD, xuất khẩu đạt 282,35 tỷ USD, tăng 17,2%; nhập khẩu đạt 275,58 tỷ USD, tăng 12,8%. Đặc biệt, xuất siêu trong 9 tháng đầu năm đạt 6,77 tỷ USD. “Nếu so sánh với một số nước trong khu vực như Malaysia, Philippines… năng lực và khả năng của doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào xuất nhập khẩu rất lớn”, ông Chinh nhấn mạnh.

Điều này cho thấy, năng lực hoạt động của các doanh nghiệp (DN) ngành logistics đã có sự cải thiện rõ nét, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa của nước nhà. Đáng chú ý, thứ tự xếp hạng của ngành logistics Việt Nam cũng đã có những cải thiện đáng kể. Theo đó, tại bảng xếp hạng của Agility 2022, thị trường logistics Việt Nam xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Tỷ lệ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) giai đoạn 2022 – 2027 của thị trường logistics Việt Nam được dự báo đạt mức 5,5%, song hành cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của cả nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 với GDP sau 9 tháng đầu năm 2022 đạt mức 8,93%.

Thực tế cho thấy, cộng đồng DN logistics Việt Nam cũng từng bước chuyển mình, đẩy mạnh đầu tư các cơ sở hạ tầng, kho bãi hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ mới... gia tăng thị phần và tham gia chủ động vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Dù vậy, logistics đang bị hạn chế ngay trên chính sân chơi của DN Việt Nam khi chỉ chiếm khoảng 30% thị phần, còn lại thuộc về các DN nước ngoài.

Thêm vào đó, cơ sở hạ tầng logistics chưa đồng bộ, còn phân tán, thiếu tính kết nối giữa các khâu từ vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu tới lưu trữ kho bãi và quản trị chuỗi cung ứng. Quy mô và phạm vi dịch vụ các trung tâm logistics còn hạn chế, chủ yếu phục vụ nhu cầu của doanh nghiệp hoặc trong phạm vi mang tính địa phương, chưa phát triển đến quy mô phục vụ 1 ngành hoặc 1 vùng kinh tế.

Theo ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong thời gian qua ngành logistics đã có nhiều thành tựu và cơ hội phát triển. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện tại, ngành logistics đang gặp một số khó khăn khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Sự liên kết giữa các công ty trong ngành đa phần có quy mô nhỏ và vừa, năng lực vận dụng các cơ hội cũng có nhiều hạn chế nhất định.

“Chúng ta cần phải có sự liên kết chuỗi chặt chẽ hơn và có sự đồng tâm, cùng nhau để vạch ra những định hướng cho sự phát triển của ngành” - Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Đẩy mạnh số hóa

Trên thực tế, thời gian qua, hoạt động của các DN trong lĩnh vực logistics gặp không ít trở ngại do còn nhiều rào cản về hạ tầng, nền tảng hệ thống kho bãi. Đáng chú ý, nhiều DN logistics chưa cung ứng được sâu chuỗi các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đòi hỏi về chuyển đổi số là rất cao, tuy nhiên, hệ thống cung ứng các chuỗi dịch vụ logistics thiếu sự tích hợp, chưa áp dụng mạnh việc số hóa tổng quản lý, dường như “tự động hóa trong vận hành” vẫn là một khái niệm mới mẻ. Trong khi đó, nhu cầu về hệ thống kho vận hiện đại kết hợp tự động hóa, đáp ứng sự phát triển của các nhà bán lẻ và ngành thương mại điện tử tại Việt Nam là rất cao.

Giới chuyên gia nhận định, số hóa là một trong những yêu cầu quan trọng để phát triển đối với bất kể lĩnh vực kinh tế nào, và dịch vụ logistics càng không thể nằm ngoài “cuộc chơi này. Theo bà Ngô Thị Trúc Anh - Giám đốc Bộ phận vận chuyển Lazada, để dịch vụ logistics Việt Nam phát triển, rất cần sự đầu tư công nghệ của DN vào hạ tầng logisctics, “số hóa” các khâu từ giao hàng đến thanh toán... Nếu như trước đây, hàng hóa được khách hàng đặt từ hôm trước phải đến hôm sau mới đến tay thì nay, hàng được giao trong ngày.

“Để nâng sức cạnh tranh, việc chuyển đổi số là rất quan trọng. Các DN Việt Nam từ DN sản xuất đến các DN vận chuyển, logistics cần phải nỗ lực số hóa để đáp ứng nhu cầu phát triển trong bối cảnh hiện nay”, bà Trúc Anh nêu quan điểm.

Nói về bức tranh ngành logstics của Việt Nam hiện nay, ông Lê Duy Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) nhìn nhận, logistics là một ngành hết sức trọng yếu và đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, đời sống xã hội. Tuy nhiên, trong thực tế thời gian qua, ngành logistics còn nhiều hạn chế trong việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số…

Những hạn chế bật cập trên chính là những rào cản làm gia tăng chi phí dịch vụ logistics nước nhà, thiếu tính chuyên nghiệp, tự động hóa còn thấp, năng suất thực hiện nhiệm vụ chưa tiếp cận được các nước tiên tiến… dẫn đến giảm cạnh tranh so với thị trường quốc tế.

Theo khẳng định của lãnh đạo Bộ Công Thương, dịch vụ logistics là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn, đóng vai trò quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập sâu rộng. Do đó, việc đẩy mạnh liên kết giữa các DN logistics với nhau, giữa DN logistics và DN sản xuất, xuất khẩu sẽ thúc đẩy sự chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, tạo dựng niềm tin giữa các DN.

Bởi vậy, Việt Nam cần hình thành mạng lưới các DN logistics lớn, có năng lực dẫn dắt thị trường. Việc tích cực tìm kiếm, chia sẻ đơn hàng sẽ giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm và hàng hóa của Việt Nam... Tất cả những hoạt động này không chỉ cần sự chủ động của các DN mà còn cần hơn cả là những chính sách hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý nhà nước.

Theo ông Phan Văn Chinh - Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), ngành logistics vẫn chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, vậy nên, trong chiến lược phát triển của ngành, cần có sự hỗ trợ, liên kết giữa các DN để cùng thúc đẩy, phát triển thị trường, cùng với đó, cần xây dựng những DN “đầu đàn” đủ năng lực, có quy mô để tư vấn, dẫn dắt các DN trong ngành theo mô hình cộng sinh, cùng tăng trưởng và phát triển.

DUY KHANG