Đến năm 2050, chúng ta sẽ ra sao?
Những thay đổi trong thế kỷ 21 sẽ do hai yếu tố chính thúc đẩy. Đó là sự tiến bộ nhanh của công nghệ và sự biến đổi xấu đi của khí hậu, môi trường. Vậy, 50 năm nữa cuộc sống của loài người sẽ ra sao và tuổi thọ của con người sẽ đến đâu?
Theo Liên hợp quốc, dân số toàn cầu sẽ đạt khoảng 9,74 tỷ người vào giữa thế kỷ này. Trong một báo cáo năm 2020 của Viện Môi trường và Phát triển quốc tế cũng ước tính đến năm 2050, khoảng 68% dân số sẽ sống ở các trung tâm đô thị. Con số đó lên tới 6,6 tỷ người, tăng 2,2 tỷ người so với hiện nay.
Như vậy, xu hướng đô thị hóa, các đô thị phình to và xuất hiện nhiều các đại đô thị (dân số từ 15 triệu người trở lên) là điều không phải bàn cãi. Việc mở rộng đô thị sẽ cần nhiều đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, cần nhiều nước, điện hơn cho các tiện ích trong khi đất nông nghiệp để trồng lương thực bị thu hẹp. Lúc đó, cư dân thành thị sẽ phải ghen tị với những người sống ở nông thôn và nghề làm nông có thu nhập tốt hơn những công việc ở thành thị.
Giới khoa học tương lai học cho rằng, ở vào thời điểm năm 2050, con người “buộc phải sống thông minh hơn”. “Ngôi nhà thông minh” hiện chỉ là ý tưởng nhưng đến lúc đó là tất yếu. Những ngôi nhà này được xây dựng dựa trên ý tưởng về điện thoại thông minh, từ đó mở rộng đến mức “Internet vạn vật” (IoT). Lúc đó, dịch vụ giao hàng tận nơi đã tự động hóa. Văn phòng gia đình với internet tốc độ cao sẽ trở thành tiêu chuẩn, các cuộc họp sẽ là ảo và việc đi công tác hoặc tham dự hội nghị sẽ hầu như không được nghe đến nữa.
Ngay cả việc giáo dục cũng sẽ được thực hiện trong nhà hoặc trong các khu vực chung của khu chung cư. Trẻ em sẽ đăng nhập vào các lớp học ảo, loại bỏ nhu cầu về sự hiện diện trực tiếp trong lớp học.
Trong nhà, robot gia dụng cũng “thống trị”, chúng có thể xử lý mọi thứ từ bảo trì nhà cửa, dọn dẹp, chuẩn bị thức ăn và các công việc khác.
Siêu đô thị xanh chính là xu hướng tất yếu, vì dân cư chen chúc không thể sống an toàn nếu thiếu cây xanh. Kiến trúc sư Paolo Soleri cho rằng, số cây trong đô thị sẽ nhiều hơn số dân khi mà không gian xanh cùng tồn tại cùng với các khu dân cư và trung tâm thương mại. Hầu hết những gì cần thiết cho việc tưới tiêu sẽ đến từ các đơn vị thu gom nước mưa và tái tạo nước. Các thành phố trong tương lai có thể có một số lượng lớn cây nhân tạo. Carbon dioxide được lọc sạch từ không khí có thể dễ dàng chuyển đổi thành nhiên liệu sinh học. Mỗi tòa nhà đều có khả năng trở thành khu trồng trọt, nhà máy điện và trạm nhiên liệu của chính nó.
Tất cả những điều đó khiến con người phải thích ứng để tồn tại, có nghĩa là phải tích cực thay đổi. Vậy, những người hiện ở độ tuổi 50 lúc đó sẽ ra sao? Họ có hòa nhập được với cuộc sống công nghệ đó không? Câu trả lời là do chính họ quyết định có chủ động thay đổi hay không.
Còn về tuổi thọ? Đó là câu hỏi “muôn thuở” và cũng là khao khát của con người.
Theo nghiên cứu mới công bố trên tạp chí Royal Society Open Science, con người có thể sống đến ít nhất 130 tuổi và có thể lâu hơn nữa. Nghiên cứu này cũng cho rằng nguy cơ tử vong bất thường không cao hơn khi người ta già đi. Nghiên cứu dựa trên việc thu thập tài liệu mới nhất của Cơ sở dữ liệu quốc tế về tuổi thọ, trong đó có hơn 1.100 người “siêu thọ” tại 13 quốc gia.
Tuy nhiên, giáo sư Anthony Davison tại Viện Công nghệ Liên bang Thụy Sĩ ở Lausanne (EPFL) - Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng với những người ở tuổi 110, cơ hội để họ có thể sống thọ tới 130 tuổi cũng chỉ chiếm tỷ lệ 1/10 triệu người nhờ những tiến bộ lớn về y tế và xã hội.
Cho đến nay, người cao tuổi nhất trên thế giới là cụ bà Jeanne Calment người Pháp. Cụ qua đời vào năm 1997 ở tuổi 122. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều của giới chuyên gia về độ tuổi chính xác của trường hợp này. Trong khi đó, người còn sống cao tuổi nhất thế giới được ghi nhận chính thức là cụ bà Kane Tanaka, người Nhật Bản, 118 tuổi.