Người có nhu cầu thực vẫn khó mua nhà
Thời gian qua, xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.
Đây là đánh giá của Bộ Xây dựng tại Hội nghị giao ban quý III-2022 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm quý IV-2022 của Bộ Xây dựng vừa diễn ra tại Hà Nội. Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, ngay từ đầu năm 2022, Bộ Xây dựng đã tập trung chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ lớn, then chốt, có trọng tâm, trọng điểm để tạo chuyển biến tích cực, hoàn thành các nhiệm vụ, mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được giao trong năm 2022. Trong đó, đã khẩn trương ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thành lập Tổ công tác liên ngành, chủ động làm việc với các địa phương để thúc đẩy triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo xây dựng lại chung cư cũ.
Bộ Xây dựng cũng phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Ngân hàng Chính sách xã hội để hướng dẫn, triển khai cho vay hỗ trợ đối với các đối tượng. Tính đến nay, các giải pháp trên đã mang lại hiệu quả tích cực. Trong 9 tháng năm 2022, các địa phương đã khởi công được 17 dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân với tổng số 31.230 căn hộ...
Tuy vậy, báo cáo của Bộ Xây dựng cũng thừa nhận, việc sửa đổi các quy định của pháp luật và ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá còn chậm. Công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát các hoạt động về đầu tư xây dựng, quản lý quy hoạch, kiến trúc còn hạn chế. Tình trạng tăng giá vật liệu xây dựng, nguyên, nhiên liệu đầu vào và các nhà thầu xây dựng thiếu việc làm, thiếu nhân lực, thiếu vốn đang diễn ra phổ biến nhưng chưa có nhiều giải pháp hữu hiệu để giải quyết...
Đáng lưu ý, thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn những yếu tố gây bất ổn, cơ cấu hàng hóa bất động sản chưa phù hợp với nhu cầu thị trường, thiếu trầm trọng nhà ở xã hội và nhà ở thương mại giá rẻ. Thời gian qua, xuất hiện tình trạng các sàn giao dịch bất động sản câu kết với nhau để “ôm hàng”, “làm giá”, “tạo sóng”, “thổi giá” và gây “sốt ảo” ăn chênh lệch làm nhiễu loạn thị trường. Giá bất động sản tăng cao gây khó khăn cho những người mua có nhu cầu ở thực.
Với thị trường bất động sản còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ, Bộ Xây dựng cho biết tiếp tục theo sát tình hình để kịp thời tham mưu, điều chỉnh phù hợp, hạn chế tác động tiêu cực và bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh.
Liên quan tới việc người có nhu cầu thực vẫn khó mua nhà, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam thông tin, phần lớn các dự án sắp ra mắt tại Hà Nội và TPHCM đều nằm ở các quận, huyện cách xa trung tâm, nơi quỹ đất vẫn dồi dào. Cơ sở hạ tầng không ngừng hoàn thiện sẽ tiếp tục đẩy mặt bằng giá các dự án này lên cao hơn nữa trong tương lai. Giá sơ cấp tại quận Từ Liêm đã tăng 10%/năm và ở quận Cầu Giấy tăng 17%/năm kể từ năm 2017. Sở dĩ có sự tăng trưởng về giá là do hạn chế nguồn cung, các dự án mới tung ra thị trường ít hơn, đặc biệt số các dự án có tính pháp lý tốt cũng giảm dần.
Về dự báo thị trường nhà ở từ nay tới cuối năm, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cho biết, thông thường quý cuối năm là mùa cao điểm với bất động sản nhưng trước diễn biến lãi suất tăng, tín dụng hẹp cửa, tâm lý tiêu dùng lo lắng, rất khó phán đoán thanh khoản của thị trường thời điểm cuối năm nay. “Động thái kiểm soát hạn mức tín dụng của phía ngân hàng sẽ vẫn được áp dụng mạnh mẽ trong năm 2023 và lãi suất sẽ phải điều chỉnh tăng dưới sức ép của lạm phát và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu. Như vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, với những khó khăn bộn bề, thị trường bất động sản chưa thể ấm lên được ít nhất là trong năm 2023, nguồn cung vẫn chưa thể cải thiện được và người có nhu cầu ở thật vẫn khó tiếp cận được với nhà ở”, ông Quốc Anh dự đoán.
GS Đặng Hùng Võ cũng bày tỏ băn khoăn, làm sao để mọi người đều có thể mua được nhà. Bởi nhìn vào thị trường hiện nay, người dân bình thường đa phần khó mua được nhà vì bất động sản chủ yếu để đáp ứng giới đầu cơ.
Theo GS Đặng Hùng Võ, muốn nền kinh tế đất nước phát triển tốt thì bắt buộc phải loại bỏ thực trạng đầu cơ. Bên cạnh đó, người có nhu cầu thực về nhà ở nên “hạ nhịp” để chờ tới thời điểm giá bất động sản xuống vừa túi tiền hơn. Trường hợp đánh thuế cao vào những người sở hữu nhiều bất động sản thì mới chắc chắn chuyện hạ giá ồ ạt sẽ xảy ra.