Quảng Nam, Quảng Ngãi: Sạt lở bờ biển đe dọa cuộc sống người dân

Tấn Thành - Chí Đại 23/10/2022 11:48

Tại 2 tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi do ảnh hưởng của mưa bão, sóng biển liên tiếp đánh mạnh vào bờ làm sạt lở bờ biển, đất sản xuất, nhà cửa khiến cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề. Nhưng càng đáng lo tình trạng này chưa có hướng để giải quyết bền vững, trong khi triều cường vẫn tiếp tục tấn công.

Sáng ngày 23/10 phóng viên Đại Đoàn Kết Online có mặt tại phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam, chúng tôi chứng kiến cảnh triều cường đánh tan nát bờ biển ở khu vực này, không chỉ bờ biển, đất đai bị sạt lở mà nhà cửa của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Chị Nguyễn Thị Hường chỉ ngôi nhà bị sóng biển đánh sập.

Qua trò chuyện, chị Nguyễn Thị Hường cho hay: “Thật kinh hoàng, chúng tôi không thể quên được tối 19/10, trong lúc dọn rửa chén bát sau bữa cơm của gia đình, nghe sóng réo ầm ầm, hai vợ chồng tôi chạy ra chứng kiến từng cơn sóng cao 3 đến 4 mét liên tiếp đánh vào nhà mình. Chẳng bao lâu, nước biển xâm lấn, tràn lên nhà rồi băng qua đường. Cảnh tượng thật kinh khủng. Vì thế chúng tôi quyết định sơ tán đến nhà bà con lánh nạn”.

Sáng hôm sau chị Hường chạy về xem nhà cửa thế nào thì đã phải chứng kiến cảnh căn nhà cấp 4 vợ chồng chị dành dụm nhiều năm mới xây được bị sóng biển đánh sập đổ hơn 1 nửa ngôi nhà.

Chị Hường nói trong nỗi xót xa: “Dọc đoạn bờ biển này có tổng 5 ngôi nhà nằm gần nhau của 5 anh em tôi. Bây chừ ngôi nhà bị sóng đánh hư hỏng nặng, không biết thời gian tới gia đình tôi lấy chỗ nào che mưa, che nắng để nuôi các con ăn học”.

Dãy nhà ở phường Cẩm An bị sóng biển đánh hư hỏng.

Không chỉ ngôi nhà của chị Hường mà nhà hàng kinh doanh của bà Nguyễn Thị Loan là chị ruột của chị Hường cũng bị nước biển khoét sâu vào trong móng nhà, tạo thành hàm ếch trông thật kinh sợ.

“Dãy nhà ở đây có 5 ngôi nhà thì hầu như nhà nào cũng bị sóng biển đánh sập một nửa. Nước biển ăn sâu vào bên trong, gây xói lở nền móng, vì thế khiến 5 ngôi nhà của anh em tôi bị đặt trong tình trạng nguy cơ đổ sập bất cứ lúc nào. Biết đó nhưng đành chịu vì làm sao có thể chống lại triều cường hung hãn được”, bà Nguyễn Thị Loan nói.

Để bảo vệ phần ngôi nhà còn lại từ ngày 21/10 đến chiều nay, 5 anh em chị Hường góp tiền mua hàng chục ống bi bằng bê tông để khắc phục tạm thời móng nhà bị sóng đánh xói lở. Bà Loan thuê xe múc để trung chuyển đất cát gia cố thêm cho bờ biển.

Ông Đinh Dũng, Chủ tịch UBND phường Cẩm An, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam cho biết: “Chính quyền địa phương đã yêu cầu các hộ dân sơ tán đến nơi tránh trú an toàn. Đồng thời chúng tôi cũng đã báo cáo cấp trên để Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về kiểm tra nhằm sớm đưa ra phương án khắc phục tình trạng xói lở bờ biển”.

Sóng biển đánh hư hỏng một phần ngôi nhà của chị Hường.

Trong khi đó tại Quảng Ngãi, ở khu vực bờ biển thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn cho dù chính quyền và người dân đã tổ chức trồng cây phi lao ngăn chặn gió biển, triều cường, thế nhưng nơi đây đã xảy ra hiện tượng triều cường làm sạt lở, xâm thực bờ biển ngày càng nghiêm trọng khiến người dân địa phương sống trong nỗi lo sợ..

Ông Bùi Ngọc (74 tuổi), trú thôn Châu Me cho biết: “Vào mùa mưa bão, bà con địa phương rất lo lắng về tình hình sạt lở bờ biển tại địa phương. Điển hình như bão số 4 vừa qua, gây sóng to, gió mạnh, nước biển dâng cao đánh mạnh vào gây ra xói lở bờ biển”.

Ông Ngọc còn cho biết, khu vực này trước đây trồng cây phi lao, còn có một bãi cát dài. Mép biển lúc đó còn cách khu dân cư khoảng 500 mét. Hiện giờ, mép biển vào gần và ngày càng lấn sâu vào khu dân cư. Tình trạng này kéo dài khiến người dân địa phương rất lo lắng nên rất mong Nhà nước, chính quyền sớm tìm giải pháp cho dân yên tâm sinh sống, làm ăn.

Ông Bùi Ngọc chỉ sóng biển đánh hư hỏng đường bê tông.

Còn bà Nguyễn Thị Tình (38 tuổi) trú thôn Châu Me cho rằng, cứ mỗi khi nghe đài báo sắp có mưa bão hoặc áp thấp nhiệt đới, gia đình bà và người dân ở đây đều phải lo khăn gói, cất dọn đồ đạc và sơ tán người thân để đảm bảo an toàn. Như tối 19/10 đến ngày 20/10, thủy triều dâng cao, xâm thực sâu vào đất liền đến hàng trăm mét cuốn trôi nhiều thửa đất canh tác của người dân.

“Hồi 9h tối ngày 19/10 mở cửa ra thì thấy nước tràn vào vườn rồi vào nhà, 2 ngày liên tiếp như vậy, làm sao nói hết nỗi khổ của chúng tôi. Còn như mấy hôm rồi trời bình thường, biển động ít mà nước biển vẫn dâng lên cao nên chúng tôi rất lo lắng”, bà Tình chia sẻ.

Đường ra biển thôn Châu Me sóng biển đánh hư hỏng.

Theo ông Lê Văn Nguyên, Chủ tịch UBND xã Bình Châu, những ngày qua, triều cường dâng cao đã làm cho hàng trăm hộ dân ở thôn Châu Me bị ảnh hưởng. Chính quyền huyện đã kiến nghị lên UBND tỉnh Quảng Ngãi và cấp có thẩm quyền xem xét đầu tư khẩn cấp kè chống sạt lở để đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân.

“Thủy triều dâng cao đã xâm thực vào vườn nhà dân ở xóm Châu Tân, thôn Châu Me hàng trăm mét tính từ mép biển, đồng thời gây sạt lở nghiêm trọng dọc bờ biển xóm Châu Tân, trong đó đánh sập hàng chục mét đường ở 4 tuyến đường dân sinh phục vụ bà con xóm Châu Tân ra biển. Các tuyến giao thông này đang có nguy cơ tiếp tục sạt lở, hư hỏng nhiều hơn”, ông Lê Văn Nguyên nói.

Đoạn bờ biển thôn Châu Me bị xâm thực sâu vào bờ.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Ung Đình Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết: “Trước mắt chính quyền địa phương sẽ tham vấn các cơ quan dự báo thời tiết để có cảnh báo sớm giúp người dân gia cố vườn tược và có giải pháp di dời khi biển động mạnh. Còn về lâu dài phải xây dựng tuyến đê kè chắn sóng, nhưng để làm được cần nguồn vốn lớn và vượt quá tầm của huyện. Vì vậy chính quyền địa phương sẽ có báo cáo UBND tỉnh xin chủ trương đầu tư để bảo vệ người dân, chống triều cường xâm thực”.

Tấn Thành - Chí Đại