Chuyên gia nói gì về đề án thu phí vào nội đô?
"Việc thu phí từ khu vực Vành đai 3, có thể quá rộng chúng ta có thể xem xét trường hợp của thành phố London. Ban đầu. họ thu phí trong phần lõi đô thị thì có tác dụng kéo giảm ùn tắc giao thông rất tốt nhưng khi mở rộng phạm vi thu phí thì tác dụng lại không còn rõ rệt nữa", Chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình nhấn mạnh.
PV: Hiện nay TP đang lập Đề án “thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông ông có đánh giá như thế nào?
Chuyên gia giao thông TS Phan Lê Bình: Về Đề án “thu phí phương tiện vào một số khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông” theo tôi việc đưa ra đề xuất thu phí phương tiện vào nội đô chủ yếu là để giúp phân tán nhu cầu giao thông hoặc trong một số trường hợp giảm nhu cầu giao thông, từ đó kéo giảm cái ùn tắc giao thông của Hà Nội thì cũng đã được triển khai tương đối có kết quả ở một số nước khác trên thế giới, ví dụ như Singapore hoặc là London.
Tuy nhiên, với trường hợp của thành phố Hà Nội, mặc dù về phương diện kỹ thuật có thuận lợi nhiều vì chúng ta đã triển khai rất mạnh trong việc thu phí không dừng trên các tuyến đường cao tốc. Cho nên về nền tảng kỹ thuật chúng ta có thể mở rộng triển khai lên thu phí phương tiện vào nội đô. Tuy nhiên, việc thu phí có hiệu quả hay không thì chưa biết.
Thực ra việc thu phí phương tiện vào nội đô chúng ta chỉ áp dụng cho xe ô tô, cho nên có khả năng một số người đi xe ô tô có thu nhập cao sẽ vẫn tiếp tục đi xe ô tô chấp nhận trả tiền. Bên cạnh đó, một số người khác thì cũng có thể phải tính đến chuyện chuyển đổi từ ô tô sang xe máy.
Song, việc chuyển từ ô tô sang xe máy cũng có một phần giúp kéo giảm ùn tắc giao thông trong một thời gian ngắn hạn trước mắt. Nhưng về dài hạn thì ngoài việc từ bỏ chuyến đi hoặc là thay đổi thời gian đi lại của người dân cũng như các doanh nghiệp cũng sẽ có cân nhắc lựa chọn nếu việc thu phí phương tiện vào nội đô này được triển khai trong thực tế, tức là người dân có thể nghĩ đến chuyện chuyển nhà hoặc chuyển địa điểm thuê nhà đặt ở tại phía trong đường Vành đai 3 hoặc ra ngoài Vành đai 3.
Ngược lại, doanh nghiệp cũng sẽ tùy theo mức độ hoạt động của mình mà cân nhắc việc thuê văn phòng ở trong hoặc ngoài Vành đai 3 cho phù phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.
Cho nên việc thu phí phương tiện vào nội đô này nó có thực sự có hiệu quả lớn để kéo giảm ùn tắc giao thông hay không thì thật sự là rất khó.
Dưới góc độ là một chuyên gia giao thông theo ông liệu thời điểm 2024 đã thích hợp triển khai đề án hay chưa?
- Nói về thời điểm thực hiện, tôi nghĩ về mặt kỹ thuật đã có khả năng triển khai được vì các phương tiện giao thông công cộng đã có thể giúp chuyên chở một phần thay thế người dân đi từ ngoài ô vào trung tâm thành phố.
Mặc dù, người dân ít quan tâm nhưng chúng ta có một hệ thống xe buýt cũng tương đối lớn, trên một số trục thì chúng ta còn có tuyến BRT hoặc tuyến đường sắt đô thị đi vào trung tâm thành phố.
Cho nên, có phương tiện thay thế hay không là một câu chuyện rất khác so với việc hạn chế xe máy đi vào nội đô. Nếu hạn chế xe máy số lượng người cần chuyển sang giao thông công cộng nó sẽ rất lớn. Nhưng nếu chúng ta thu phí đối với phương tiện ô tô thì số người chuyển sang từ bỏ ô tô và chuyển sang phương tiện khác, kể cả chuyển sang giao thông công cộng có thể sẽ không nhiều.
Theo chuyên gia, nếu đề án này được thực hiện vào năm 2024 năng lực vận chuyển của giao thông công cộng tại Hà Nội có đáp ứng đủ nhu cầu của người dân hay không?
- Nói về năng lực chuyên chở hiện nay của giao thông công cộng chủ yếu là xe buýt thì tôi nghĩ có thể đáp ứng được. Nếu cần thì nên chăng tăng tần suất chạy xe của các tuyến từ ngoại ô vào thành phố thêm một chút.
Con số 17,5 % có nghĩa là giao thông công cộng gồm có xe buýt, xe buýt BRT và đường sắt đô thị mới giành giật được 17,5 % thị phần chứ không có nghĩa là năng lực chuyên chở của đường giao thông công cộng mới chỉ đáp ứng được 17,5 %.
Hiện nay, rất nhiều xe buýt vẫn còn chỗ trống. Nếu nói về năng lực tối đa thì hệ thống giao thông cộng có thể tôi nghĩ là đáp ứng được nhiều hơn, có thể là 25, thậm chí 30 % nhu cầu giao thông của người dân. Tuy nhiên, người dân chủ yếu dựa vào ô tô và xe máy là chính, cho nên thị phần của giao thông công cộng vẫn còn rất hẹp.
Có nhiều ý kiến lo ngại khi Hà Nội áp dụng thu phí vào nội đô lấy ranh giới là Vành đai 3 trở vào là phạm vi thu phí rất rộng việc thực hiện rất khó khả thi Ông có đánh giá như thế nào về câu hỏi này ?
- Việc thu phí từ khu vực Vành đai 3, có thể quá rộng. Việc này chúng ta có thể xem xét trường hợp của thành phố London, ban đầu họ thu phí trong phần lõi đô thị thì có tác dụng kéo giảm ùn tắc giao thông rất tốt nhưng khi mở rộng phạm vi thu phí thì tác dụng lại không còn rõ rệt nữa.
Vì vậy, đối với thành phố Hà Nội xác định Vành đai 3 là phạm vi thu phí cũng rất rộng, nếu có thể cân nhắc thì chúng ta có thể xem xét, chẳng hạn thu phí từ Vành đai 2 trở vào. Nói như vậy nhưng cũng rất cần những nghiên cứu cụ thể và định lượng để xem việc thu phí tại Vành đai 2 có hiệu quả như thế nào, tác dụng ra sao để giúp giảm ùn tắc giao thông so với thu phí trên khu vực Vành đai 3 hay không.
Tuy nhiên, Hà Nội cũng cần lưu ý khi có những nghiên cứu chỉ ra rằng nếu chúng ta thu phí tại một số tuyến đường nhất định thì một số tuyến đường khác chúng ta không thu phí chắc chắn sẽ có lưu lượng phương tiện dồn từ các tuyến bị thu phí sang tuyến không thu phí và lập tức gây ùn tắc trên những tuyến không thu phí. Vì vậy, việc thu phí cần phải tính toán thật kỹ lưỡng.
Xin cảm ơn chuyên gia!